Cuối năm 2016, chương trình tín dụng phục vụ “nông nghiệp sạch” của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chính thức triển khai. Đây là gói tín dụng nằm trong chương trình hành động phát triển “Tín dụng xanh” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch. Tại Đà Nẵng, những hộ vay đầu tiên từ chương trình này bắt đầu phát huy hiệu quả.
Với nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh Hòa Vang, trang trại nuôi bò lai Sind của ông Trần Văn Bảy đã góp phần giải quyết lao động tại địa phương. |
Con đường dẫn vào trang trại nuôi bò lai Sind tại xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) rợp màu xanh của cỏ mía và ngô. Ông Trần Văn Bảy, chủ trang trại bò tại đây cho hay, các ruộng ngô và cỏ mía này được trồng để làm thức ăn cho bò. “Nhờ nguồn vốn vay của Agribank Chi nhánh Hòa Vang, gia đình tôi quyết định mua giống bò lai Sind về nuôi. Ban đầu, việc nuôi bò gặp nhiều khó khăn do đây là giống bò lai có những đặc điểm chưa phù hợp; nhưng với quyết tâm vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, tôi tìm mọi cách để nuôi bò hiệu quả”, ông Bảy cho biết.
Từ nguồn vốn vay 1,2 tỷ đồng, ông Bảy đầu tư xây dựng trang trại và mua bò giống. Đến nay, đàn bò lai Sind của ông Bảy đã lên đến gần 70 con, tạo việc làm tại chỗ cho 3 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng và 5-10 lao động thời vụ. Ông Bảy cho biết, sau khi việc nuôi bò dần đi vào ổn định, ông sẽ triển khai thêm các mô hình chăn nuôi khép kín. Hiện nay, mỗi ngày đàn bò lai Sind của ông cho ra khoảng 1 tấn phân, lượng phân bò này sẽ là thức ăn tốt nhất để trùn quế phát triển. Trùn sau khi ăn phân bò sẽ cho ra phân vi sinh phục vụ lại cho việc chăn nuôi gà, vịt, cá... Như vậy, ông Bảy có thể vừa chăn nuôi, vừa tận dụng được các loại thức ăn sẵn có để phục vụ lại việc chăn nuôi của mình.
Đi qua cánh đồng xanh ngát lúa, chúng tôi đến khu vườn rau xanh của ông Trần Văn Bảy (người dân quen gọi là Bảy “rau” để phân biệt với Bảy “bò lai Sind”). Chỉ tay vào các luống khổ qua đang cho trái, ông Bảy “rau” cho biết, trước đây, ông đã trồng rau sạch, nhưng mới đây được biết Agribank Chi nhánh Hòa Vang có cho vay thêm gói tín dụng “nông nghiệp sạch”, thấy các tiêu chí phù hợp, ông mạnh dạn vay thêm 150 triệu đồng để đầu tư mở rộng thêm khu sản xuất, mua phân bón, giống và trả chi phí nhân công. Hiện, vườn rau của ông rộng khoảng 2,5ha, tạo việc làm cho 5-6 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.
Ngoài 2 hộ nói trên, Agribank Chi nhánh Hòa Vang đang cho Công ty CP Sản xuất và thương mại Việt Thiên Ngân vay với doanh số gần 6,8 tỷ đồng. Theo Agribank Chi nhánh Hòa Vang, Việt Thiên Ngân vay vốn để mua xe đông lạnh vận chuyển hàng, mua phân bón và giống cây trồng phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao. Sắp tới, Việt Thiên Ngân sẽ hướng đến bao tiêu nông sản sạch cho địa phương.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”, NHNN Việt Nam ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Ngay sau đó, Agribank đã vào cuộc cho ra gói tín dụng phục vụ “nông nghiệp sạch” và triển khai rộng rãi tại các chi nhánh, phòng giao dịch trong cả nước. Theo đó, Agribank thực hiện ưu đãi cho vay đối với khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Đối tượng cho vay gồm cung ứng vật tư đầu vào (cây, con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón chất lượng cao); sản xuất (xây dựng nhà máy, chuồng trại, ao nuôi, nhà kính, nuôi trồng, chế biến, thiết bị và các chi phí sản xuất khác); tiêu thụ (thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp)...
Theo ông Ông Hùng Cường, Phó Giám đốc Agribank, Chi nhánh Hòa Vang, việc cho vay theo gói “nông nghiệp sạch” tuy mới thực hiện, nhưng đến nay đã có 5-6 đơn vị vay vốn để đầu tư con giống, vật nuôi, cây trồng, thuốc men và trả nhân công lao động. Ông Cường cũng nhìn nhận, gói cho vay này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp và các đơn vị hướng dần đến việc sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng; qua đó, góp phần giúp các hộ nông dân, các đơn vị sản xuất có chỗ đứng ổn định và sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Bài và ảnh: THANH TÌNH