Sáng 20-3, đoàn công tác Ban Chỉ đạo (BCĐ) đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương do ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng BCĐ dẫn đầu, làm việc với thành phố Đà Nẵng về tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị quyết 35) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đồng chủ trì buổi làm việc.
Nghị quyết 35/NQ-CP tập trung vào những chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. |
Mặc dù Nghị quyết 35 mới triển khai gần một năm nhưng hầu hết các DN đã kịp thời nắm khá rõ tinh thần chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ liên quan đến DN. Trong đó, những vấn đề tồn tại được các DN nêu ra như chính sách đất đai, mặt bằng sản xuất, bảo hiểm xã hội, lãi suất ngân hàng, đổi mới công nghệ… vẫn chưa có sự thay đổi tích cực.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Mạnh Hà bày tỏ mong muốn lắng nghe những đánh giá đi sâu vào các vấn đề vướng mắc của DN, cũng như nghe những ý kiến phản ánh về những điều chưa được thay đổi từ Nghị quyết 35. Ông đề nghị các DN, hiệp hội cần kiến nghị cụ thể, chọn lọc những vấn đề có tác động mạnh đến DN để có những sửa đổi hiệu quả.
Xác định rõ tiêu chí được nhận hỗ trợ
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Thuận Phước nhìn nhận: “Có thể xem Nghị quyết 35 là thông điệp về Nhà nước kiến tạo, Chính phủ phục vụ DN. Nhưng trong năm qua, chuyển động của Chính phủ thì nhiều nhưng các cơ quan liên quan vào cuộc rất chậm. Các cơ quan địa phương và Trung ương chưa làm hết trách nhiệm mặc dù Chính phủ luôn đốc thúc”.
Đề cập chính sách đất đai, ông Lĩnh cho rằng, giá đất cứ tăng liên tục, làm khó DN. Đơn cử, giá đất tại khu công nghiệp Đà Nẵng tăng tới 74%, trong khi DN bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để vào đây mà cứ tăng như vậy thì ở lại không xong, quay trở ra cũng không được. Điều này khiến DN không an tâm khi đầu tư vào khu công nghiệp.
Ông Trần Minh Dõng, Tổng Giám đốc Công ty CP Viettronimex chia sẻ: “Nghị quyết 35 mở ra cánh cửa cho các DN tăng năng suất, tạo hiệu quả nhưng để ứng dụng vào thực tiễn còn chậm, chưa thực sự như kỳ vọng của DN.
Hơn 30 năm qua, chúng tôi vẫn nằm ở vị trí DN nhỏ và vừa, mặc dù rất muốn vươn lên nhưng chúng tôi vẫn không thể nào lớn mạnh được theo đúng nghĩa”. Theo ông Dõng, mỗi tỉnh, thành phố nên “quy hoạch” cụ thể đối với DN để có sự hỗ trợ ban đầu. Đà Nẵng có 18.000 DN, nếu không đưa vấn đề này ra công khai thì DN sẽ nghi ngại vì sao DN này được hỗ trợ nhưng DN kia không được. Giữa các DN phải có sự thi đua, phấn đấu theo các tiêu chí rõ ràng để nhận được sự ưu tiên, ưu đãi của thành phố.
Cùng lo lắng về nguồn vốn để phát triển, nhiều DN thừa nhận dù có những dự án khả thi, ý tưởng tích cực, nhưng nếu không có tài sản thế chấp thì không thể vay vốn ngân hàng. Muốn vay vốn ngân hàng lại không có tài sản thế chấp; trong khi đó, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN từng bị Trung ương đề nghị dừng triển khai.
Thay đổi để hướng đến doanh nghiệp
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, thực hiện nhiệm vụ của Nghị quyết 35, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chương trình hành động cụ thể đến các sở, ban, ngành và cơ quan liên quan. Qua đó, tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp; DN đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN bằng nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả…
Qua một năm thực hiện, các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương đều mong muốn đơn giản hóa thủ tục hồ sơ để rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, một số thủ tục này thực hiện theo quy định của bộ, ngành Trung ương nên phải báo cáo, đề xuất các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa hồ sơ cho phù hợp. Trước những khó khăn và vướng mắc, thành phố Đà Nẵng đề xuất Chính phủ điều chỉnh các chính sách, pháp luật của Nhà nước để địa phương có cơ sở triển khai tốt Nghị quyết 35.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố thẳng thắn nói: “Những bước thực hiện cụ thể để thay đổi chính sách cho DN hiện nay chưa thấy rõ. Vì thế, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải đọc được tâm trạng, suy nghĩ và đứng vào vị trí của DN thì mới có những thay đổi hiệu quả”.
Ông Phan Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố cũng bày tỏ: “DN chúng tôi rất kỳ vọng vào Nghị quyết 35, nhưng nếu không có nguồn lực và sự đồng thuận từ các phía thì rất khó để đạt hiệu quả như mong muốn. Nếu cần thiết thì hiệu chỉnh sửa đổi những chính sách, bởi đích cuối cùng của nghị quyết là hướng đến DN”.
Liên quan đến những bức xúc lâu nay của DN về sự bất cập của các chính sách, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương cần nhanh chóng tiếp thu, sửa đổi. Lâu nay, mọi kiến nghị của DN, hiệp hội ở địa phương đều không được các bộ, ngành hồi âm, trả lời. Điều này ít nhiều không tạo cho DN niềm tin hay thể hiện tiếng nói tâm huyết của mình đối với những vấn đề mang tính đóng góp cho Chính phủ.
“Để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp (DN) cả nước trong tháng 4 tới, đoàn công tác chúng tôi muốn lắng nghe những ý kiến, đặc biệt là những ý kiến trái chiều của DN đối với Nghị quyết 35 để báo cáo Chính phủ nhằm có sự điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Nếu DN ngại không nói ra thì nghị quyết không đem lại hiệu quả, trong khi tinh thần của Chính phủ là muốn giúp DN; DN đang là động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Trung ương |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH