42 năm qua, nhất là từ khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, một đội ngũ doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công, gầy dựng được sự nghiệp của riêng mình, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động; từ đó góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của thành phố. Cùng với đó, họ là những người “truyền lửa” trong khởi nghiệp cho lớp trẻ thành phố hôm nay.
Sau giải phóng, Đà Nẵng có nhiều thế hệ doanh nhân khởi nghiệp thành công, góp phần vào phát triển chung của thành phố. Ảnh: Khánh Hòa |
* Ông Phan Hải, SN 1969, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất BQ Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng: Làm người “truyền lửa”
Tôi khởi nghiệp khi đã lập gia đình và có 2 con nhỏ. Sau hơn 11 năm đi làm thuê cho người khác với nhiều vị trí khác nhau, năm 2006, tôi sáng lập Công ty Giày BQ (Best Quality) và điều hành doanh nghiệp này cho đến nay. Thời điểm đó, để có tiền mở công ty, tôi đã quyết định bán đi ngôi nhà mình đang ở. Đây là quyết định vô cùng mạo hiểm, nếu thất bại sẽ là “thảm họa”, bởi lẽ sau lưng tôi là gia đình.
Với đam mê, quyết tâm và cả kiến thức đã được tích lũy nên đến nay tôi đã xây dựng nên thương hiệu BQ có chỗ đứng trên thị trường, mở rộng mạng lưới ra cả nước và thành lập chi nhánh ở Lào. Ban đầu, hoạt động của công ty chỉ dừng lại ở mức nhập hàng về phân phối ra thị trường, nhưng đến nay chúng tôi đã chủ động, mở rộng các dây chuyền sản xuất các sản phẩm do mình làm ra, trong đó có các sản phẩm làm thủ công, đảm bảo về mẫu mã và chất lượng.
Hiện nay, ngoài việc điều hành công ty, bản thân tôi còn tham gia tích cực vào các hoạt động giao lưu về khởi nghiệp cho các bạn trẻ cũng như giảng dạy tại một số trường đại học trên địa bàn thành phố. Tôi mong muốn, từ kinh nghiệm của mình có thể đóng góp, khích lệ các bạn trẻ trên bước đường khởi nghiệp, khơi dậy ở các bạn trẻ ý chí và quyết tâm làm giàu cho bản thân, gia đình và phụng sự Tổ quốc.
Thế hệ chúng tôi, con đường khởi nghiệp lắm chông gai, phải tự mày mò học hỏi là chính nên tôi muốn đóng góp một chút công sức để con đường khởi nghiệp của các bạn trẻ bớt vất vả hơn.
* Ông Lê Văn Hiểu, SN 1968, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Máy và thiết bị phụ tùng Seatech: Mạnh dạn xông pha về phía trước
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, gần 10 năm làm Nhà nước, tôi cùng 7 anh em đứng ra thành lập Công ty CP Máy và thiết bị phụ tùng Seatech với số vốn ít ỏi ban đầu là 500 triệu đồng. Thời gian chuẩn bị ý tưởng kinh doanh cho đến khi khởi sự là hai năm. Lúc mới khởi sự, công ty luôn trong tình trạng đói vốn.
Vào những năm 2000, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trong nước, làm cho các ngân hàng hạn chế cho vay tín dụng. Để không bị rơi vào tình thế bị động, chúng tôi đã tìm cách giảm giá trị doanh thu thực xuống bằng cách tách hợp đồng ra nhập ủy thác cho chủ đầu tư. Lãi ít hơn nhưng vốn chủ động hơn. Đến nay, Seatech đã có mặt trên toàn quốc và mở rộng sang Lào, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 450 lao động với lương trung bình 8 triệu đồng/người.
Từ kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân, tôi mong muốn các bạn trẻ, bên cạnh những kiến thức học ở trường, cần phải có những kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, nhiều kỹ năng liên quan đến tố chất, ủy quyền… và không ngừng học hỏi, trao đổi, chia sẻ với người đi trước.
Tốt nhất, không nên khởi sự ngay từ khi mới ra trường, mà nên trải qua quá trình tác nghiệp, tiêu hóa kiến thức dưới dạng thực nghiệm, xông pha, khi đó mới thực sự đạt đến độ chín. Là người đứng đầu, phải mạnh dạn xông pha ra phía trước, dám chịu tất cả trách nhiệm cho cấp dưới, biết chấp nhận rủi ro để có hy vọng về một thắng lợi nào đó. Con đường trở thành doanh nhân phải trả giá rất nhiều.
* Bà Lê Thị Nam Phương, SN 1972, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư L.I.F.E - Hệ thống giáo dục Chất lượng cao Sky-Line, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH SX&TM Tân Định: Khẳng định vai trò của nữ doanh nhân
Khi lựa chọn cho mình lĩnh vực giáo dục chất lượng cao để khởi nghiệp, tôi thực sự vấp phải nhiều rào cản vì thời điểm đó nó quá mới mẻ ở Đà Nẵng. Đứng trước những hoài nghi, tôi cùng các cộng sự quyết tâm đeo đuổi mục tiêu đến cùng với mong muốn tạo ra một môi trường giáo dục tân tiến cho trẻ em thành phố.
Dấn thân vào con đường kinh doanh, với những người phụ nữ như tôi áp lực rất lớn, bởi lẽ thương trường là chiến trường, không phân biệt nam hay nữ. Trước những áp lực của công việc kinh doanh, chúng tôi với tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm đã tạo nên động lực thôi thúc bản thân luôn có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật từ những khâu nhỏ nhất và khéo léo vận dụng những ứng dụng công nghệ mới, mở rộng sản xuất, kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao; luôn tìm tòi và nghiên cứu, mạnh dạn sản xuất những sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu cao của thị trường.
Bên cạnh hoạt động doanh nghiệp, tôi luôn đề cao trách nhiệm xã hội, hằng năm đóng góp hàng tỷ đồng cho Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ gia đình nghèo, gia đình chính sách, đồng bào lũ lụt...
Với những doanh nhân thế hệ như chúng tôi, lớn lên sau khi nước nhà đã giải phóng, luôn khao khát lập thân, lập nghiệp và làm giàu thành công để góp sức vào sự nghiệp phát triển chung của thành phố; mong muốn Đà Nẵng ngày càng có nhiều thương hiệu lớn, đủ sức vươn tầm quốc gia và khu vực.
* Ông Trần Quang Minh, SN 1976, Tổng giám đốc Công ty CP Tổ chức sự kiện và du lịch Gala Việt:
Nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường
Bản thân tôi xuất thân là một cán bộ văn phòng của Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng. Trong quá trình công tác, tôi nắm bắt được thị trường Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên trước năm 2006 về nhu cầu tổ chức các sự kiện, hội nghị khách hàng khá lớn, nhưng trên địa bàn chưa có công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp nào hoạt động.
Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ tại Đà Nẵng, thậm chí lúc tôi đi đăng ký kinh doanh người ta còn chưa hiểu rõ ngành nghề này hoạt động như thế nào. Lúc bấy giờ bất cứ đơn vị nào muốn tổ chức sự kiện đều phải thuê từ Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh về làm.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, tôi đã mạnh dạn đứng ra thành lập Công ty CP Tổ chức sự kiện và du lịch Gala Việt với 4 nhân viên, số vốn khởi nghiệp chưa tới 50 triệu đồng. Mọi thứ đều cực kỳ khó khăn, tôi không có kinh nghiệm và cũng không có nhiều cơ hội học hỏi từ người đi trước, tài chính eo hẹp, nguồn nhân lực có khả năng trong lĩnh vực này hầu như không kiếm được.
Tôi nhớ, để làm được các mẫu thiết kế 3D, chúng tôi phải vào Thành phố Hồ Chí Minh thuê nhân viên về thiết kế; cơ sở vật chất đều phải đi thuê. Thời gian đầu, tôi chỉ kinh doanh dịch vụ, hưởng phần chênh lệch từ việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Ngay sau khi Gala Việt ra đời, từ năm 2008, nhất là trong các năm 2010-2011 hàng loạt công ty tổ chức sự kiện đã được thành lập ở Đà Nẵng. Bắt đầu từ năm 2010 trở đi, công ty của tôi đã mở rộng hoạt động ra khắp thị trường cả nước. Số lượng nhân viên trong toàn hệ thống lên tới hơn 100 người. Bây giờ, Gala Việt có đủ năng lực để đứng ra tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc gia và khu vực, cung cấp các trang thiết bị hiện đại, tân tiến cho các đơn vị nhỏ hơn…
Trải qua chặng đường khởi nghiệp của mình, tôi nhận thấy chính niềm đam mê, ý chí quyết tâm cao độ và tinh thần không ngừng học hỏi đã giúp bản thân tôi cũng như các cộng sự đi đến tận cùng lĩnh vực mình kinh doanh, đeo đuổi. Hiện nay, tổ chức sự kiện đã trở thành lĩnh vực kinh doanh phát triển khá rầm rộ ở Đà Nẵng, tôi tự hào vì mình là một mảnh ghép làm nên bức tranh sinh động đó.
Khánh Hòa ghi