.

Ngư dân miền Trung: "Biển là nhà, tàu đóng máy thì phải ra khơi"

.

Cuối tháng 2.2017, thông tin về việc chính quyền Trung Quốc đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông từ tháng 5 - 8.2017 khiến người dân Việt Nam bức xúc và càng lo lắng hơn cho ngư dân các tỉnh miền Trung. Thế nhưng, “người làm biển thì phải sống ở biển, tàu đóng máy thì phải ra khơi” lại là câu nói chắc nịch của ông Nguyễn Dũng - một ngư dân tại TP. Đà Nẵng, như thể chẳng cần phải giải thích thêm nhiều về những khó khăn mà họ đang phải đối mặt.

Không khí tấp nập tại các bến cảng từ Nha Trang, Quảng Ngãi, Đà Nẵng khi ngư dân vẫn đang ra khơi mỗi ngày.
Không khí tấp nập tại các bến cảng từ Nha Trang, Quảng Ngãi, Đà Nẵng khi ngư dân vẫn đang ra khơi mỗi ngày.

Biển còn lặng, ngư dân còn ra khơi

Những ngày đầu tháng 3, âu thuyền Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) nhộn nhịp từ trên bến lẫn dưới thuyền. Vừa dứt đợt gió, hàng trăm tàu thuyền từ tàu công suất nhỏ cho đến tàu đánh bắt xa bờ hàng trăm hải lý, kể cả tàu ra tận ngư trường Hoàng Sa, tất cả đều xếp hàng hàng lớp lớp chờ lấy nguyên liệu xuất bến.

“Đang là mùa biển êm, cứ hễ nghe đài báo lặng gió là chúng tôi tranh thủ đi liền, đi ngay. Một năm quay đi quay lại là mùa gió đến, không đi dịp này thì chờ đâu nữa” - ông Dũng vừa nói vừa canh mắt kéo dây cho tàu cập vào một xưởng đá, lấy nhiên liệu.

Dọc bến cá Thọ Quang, những cây xăng dầu, nhà làm đá với hàng trăm ngư dân và cả nhân công trên bờ làm việc hết công suất để tiếp nhiên liệu, kịp cho những tàu thuyền ra khơi ngay trong ngày. Ông Chín - chủ một tàu cá đánh bắt xa bờ ở Đà Nẵng - nói với nụ cười trắng lóa: “Nghề biển càng ngày càng khó, nhưng cứ để tàu nằm bờ là ông nào cũng nóng ruột. Kể cực, kể khổ vậy đó chứ đi biển là vui liền”.

Tôi nhắc hỏi các lão ngư về thông tin chính quyền Trung Quốc cấm đánh bắt cá từ tháng 5 - 8, nhiều người đang tất bật luôn tay luôn chân cũng dừng lại cười khà. “Năm nào họ chẳng nói vậy, nhưng chuyện mình mình làm, đi đánh cả đoàn, ngư trường truyền thống từ đời ông cha mình, Nhà nước còn khuyến khích thì đâu phải ai nói cấm là được” - một ngư dân Đà Nẵng cho hay.

Cũng mang câu chuyện này đến với những ngư dân Quảng Ngãi, chúng tôi cũng nhận được cái vẫy tay gạt ngang, bởi với họ, chuyện đó dường như vốn dĩ đã là “chuyện bình thường”. Ngư dân Trần Văn Bèo - chủ tàu cá QNg 921515 - TS, trú xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi - nói: “Ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là nguồn sống, là cội nguồn cha ông chúng tôi, làm sao mà bỏ được. Chuyện cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, chúng tôi nghe đã quá quen, lâu rồi thành chẳng quan tâm. Chúng tôi đánh bắt trên ngư trường của mình thì không ai có thể cấm”.

Trở về sau chuyến ra khơi dài ngày, anh Nguyễn Văn Sinh - thuyền trưởng tàu cá QNg 98557 - TS trú xã Phổ An, huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở ngư trường Hoàng Sa - quả quyết: “Biển của mình thì mình có quyền đánh bắt. Tôi và 13 lao động trên tàu luôn xem “biển là nhà” nên dù có ra hàng trăm, hàng ngàn lệnh cấm đánh bắt chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển. Đó là nguồn sống, là cơm áo, gạo tiền của chúng tôi”.

Vẫn tiếp tục với câu chuyện ra khơi, anh Bèo cho hay, sau chuyến biển vừa qua, anh và 10 ngư dân sẽ nghỉ ngơi vài ngày và tiếp tục ra Hoàng Sa đánh bắt. Còn anh Sinh thì như chẳng chờ được: “Chúng tôi vừa bán xong mẻ cá, anh em trên tàu lập tức sửa soạn thức ăn, xăng dầu để quay lại ngư trường trong buổi chiều”.

Và cũng nhân chuyện hỏi ngư dân sợ gì, ông Đồng - chủ một tàu cá ở Đà Nẵng - nói vui mà lại rất thật: “Ngư dân sợ không có cá đánh chứ không sợ lệnh”. Nghe vậy, ông Chín quay sang nói giọng chỉn chu: “Nếu đã là ngư dân thì chẳng còn sợ gì nữa, không ít người bạn của tôi dù sức khỏe không được tốt, cũng không ít người từng vật lộn với sóng gió, chết đi sống lại mà vẫn theo nghề. Vậy nên những điều kia có là gì với chúng tôi!”.

Mặc khó khăn, tàu đóng máy là để ra khơi

Vài năm qua, khó khăn của người ngư dân miền Trung dường như chưa bao giờ vơi đi, thậm chí là chất chồng lên rất nhiều. Họ không chỉ đối mặt với bão gió mà còn bị ảnh hưởng bởi rất nhiều những sự việc uy hiếp đến tinh thần lẫn tính mạng trong mỗi chuyến ra khơi.

Thế nhưng, câu nói của lão ngư Nguyễn Dũng (Đà Nẵng) lại khiến nhiều người không thể ngắt lời khi với họ “tàu đóng máy là để ra khơi”. Anh Ngọc Anh - một ngư dân ở Đà Nẵng - cho hay, con tàu cá hiện nay của gia đình được đóng mới hoàn toàn hơn 1 năm nay là để ra với ngư trường Hoàng Sa.

“Ngư trường của mình, Nhà nước khuyến khích hỗ trợ thì ngư dân chúng tôi cứ chắc tay mà đi” - anh Ngọc Anh chia sẻ.

Sự kiên cường của những người ngư dân bấy lâu nay dường như chẳng còn là điều lạ. Ở cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), nhiều ngư dân mến gọi ông Bùi Quang Thuật, chủ tàu cá PY 92195, là “Thuật gan lỳ”. Bởi dù cho tàu Trung Quốc quấy phá bao nhiêu, anh Thuật vẫn can trường có mặt tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. “Sợ gì chứ! Chúng tôi không cô đơn đâu, tổ đội tàu thuyền của chúng tôi đã kết thành “ngôi nhà” trên biển rồi” - anh Thuật quả quyết.

Ứng biến trước diễn tiến ngày càng phức tạp ở Biển Đông, nhất là lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc những năm qua, nhiều ngư dân coi tổ chức nghiệp đoàn là điểm tựa khi xảy ra bất trắc. Ông Mai Thành Phúc - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phước Đồng - cho hay:

“Sau khi thành lập nghiệp đoàn, chúng tôi chia làm 5 đội tàu bám biển với nhau từ Hoàng Sa, Trường Sa đến DK1 là chính. Mỗi lần đi biển, các đoàn viên nghiệp đoàn đều liên kết với nhau để thông báo luồng cá, ứng phó với bão tố, giá cả...

Đặc biệt, mỗi khi một tàu trong nghiệp đoàn gặp nạn hay phải đối phó với tàu lạ, bảo vệ chủ quyền, lập tức các thành viên đều có mặt kịp thời để giúp đỡ. Hiện nay, nhiều tàu cá khác trong tỉnh đang tiếp tục tự nguyện xin gia nhập vào nghiệp đoàn, chúng tôi đang xin phép cấp trên để mở rộng thêm”.

Cũng nhờ những tinh thần và ý chí ấy, ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) - cho hay: “Với mỗi ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và ngư dân miền Trung nói chung, việc vươn biển khơi bám biển là nghề, là nghiệp và nay còn là nghĩa vụ thiêng liêng, là có mặt ở mọi vùng biển của tổ quốc. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều hộ gia đình hoặc nhóm hộ ngư dân đầu tư đóng tàu có công suất lớn để có thể bám biển dài ngày, đó là minh chứng cho ý chí bám biển của ngư dân”.

Chẳng còn gì vui mừng hơn khi những người ngư dân nương tựa nhau trên biển. Thế nhưng, qua những câu chuyện với những người ngư dân ấy, chúng tôi còn thấy ở họ một niềm tin khác, còn lớn hơn rất nhiều. Không ít ngư dân chúng tôi gặp đều đã từng đưa tàu đi gần đi xa, xông pha làm gần như tất cả mọi loại lưới cụ đánh bắt cá, từng thực hiện những chuyến đi biền biệt cả 6 tháng hay ra tận Hoàng Sa, Trường Sa. Khó khăn muôn kể nhưng với họ “có ra với sóng gió thì mới có ăn, có tiền cho con đi học rồi mới có tương lai”.

Vừa thắt lại manh lưới, ông Chín - ngư dân Đà Nẵng - kể với tôi với cái giọng khấp khởi hy vọng. Đứa con gái thứ hai của ông vừa được học bổng học đại học ở Pháp. “Con bé học giỏi lắm, con muốn học thì cha mẹ phải theo.

Mà ở đất này, cứ đứa nào học được thì làm thuê, làm cực mấy cũng cho con học. Cha mẹ cực đời cha mẹ rồi thì phải làm đời con cái đỡ cực hơn. Nghĩ rứa là đi làm”. Nói rồi, ông Chín gọi với lại với người bạn biển cũng dày dặn kinh nghiệm hơn 30 năm đang làm lưới ở đầu tàu, câu nói đùa mà như thật: “Anh ráng làm với tui thêm 5 năm nữa nghe, có anh có em đi cho vui”.

5 năm, đó cũng là khoảng thời gian cô con gái ông Chín hoàn thành việc học. Dày dặn kinh nghiệm, chẳng sợ sóng gió thế nhưng khi nhắc đến con gái, đến gia đình, giọng ông Chín và mọi ngư dân như chùng xuống. Và đâu đó, trong họ cũng có nỗi lo khi biển cả của những năm gần đây ngày càng khó khăn, họ lo hơn cho tương lai của những đứa trẻ. “Càng lo thì càng phải đi, lo cho con, cho gia đình vẫn lớn hơn lo những chuyện kia”, ông Chín cười khà.

Quay sang nhìn những con tàu, những người ngư dân với nước da đen sạm vì nắng gió, sau bóng dáng của họ là hàng nghìn, hàng triệu gia đình, nơi có những đứa trẻ đang cắp sách đến trường, được tự do mơ ước về cuộc đời tương lai. Thế nhưng, cũng chính vì những ước mơ con trẻ ấy mà những lão ngư miền Trung mới có thể chống chọi lại mọi khó khăn. Trong họ luôn có một niềm tin mãnh liệt với biển mà nhiều ngư dân vẫn nhắc nhau: “Biển là nhà, đời ngư dân là ở biển và phận làm con tàu đóng máy là phải ra khơi”.

Bến cá Thọ Quang, Đà Nẵng cuối giờ chiều vẫn nguyên không khí nhộn nhịp, hàng trăm tàu cá nổ máy. Những chiếc bộ đàm, ICOM được bật sáng, nhiên liệu đã đầy ắp và những khoang tàu đang sẵn sàng đón những mẻ cá lớn nhỏ. Những người ngư dân gọi nhau kéo neo, thu dây lên đường cho kịp mẻ lưới đầu tiên vào sáng mai ở ngư trường.

Theo Lao động

;
.
.
.
.
.