.
SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Tạo chuyển biến "Năm Nông nghiệp 2017"

.

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, không thể tồn tại cách làm cũ theo kiểu “con trâu đi trước, cái cày theo sau” như trước đây, mà phải tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường cơ giới hóa và trang thiết bị tưới tiêu hiện đại để tăng năng suất cây trồng, con vật nuôi.

Lãnh đạo huyện Hòa Vang thăm mô hình sản xuất rau theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel tại xã Hòa Khương.  						                 Ảnh: VIỆT DŨNG
Lãnh đạo huyện Hòa Vang thăm mô hình sản xuất rau theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel tại xã Hòa Khương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Mở rộng, thành lập mới nhiều vùng chuyên canh

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của Huyện ủy và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND của HĐND huyện Hòa Vang về triển khai chủ đề Năm Nông nghiệp 2017, UBND huyện Hòa Vang xây dựng kế hoạch thực hiện với nội dung bám sát tình hình thực tiễn địa phương nhằm đưa nông thôn Hòa Vang từng bước phát triển toàn diện với diện tích, năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp và thu nhập từ ngành nông nghiệp ngày càng tăng.

Để triển khai và  thực hiện kế hoạch theo từng bước cụ thể, huyện Hòa Vang tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị. Mục tiêu đó, huyện chỉ đạo tập trung mở rộng và thành lập mới nhiều vùng sản xuất chuyên canh, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất rau, hoa, lúa, cây ăn quả chất lượng cao.

Trước mắt, huyện cùng với các đơn vị của thành phố xây dựng 2 điểm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh và thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú. Huyện sẽ mở rộng vùng trồng hoa thương phẩm tại thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu; nhân rộng mô hình kinh tế có hiệu quả, ít nhất từ 5-10 địa điểm; tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi cá leo, cá diêu hồng... Huyện cũng phát triển mô hình chăn nuôi dê, thâm canh, trồng thanh long, chăn nuôi gà đồi, các mô hình trồng cây ăn quả; xây dựng nhà nuôi trồng nấm linh chi ứng dụng công nghệ cao tại HTX nấm Nhơn Phước; phối hợp với các doanh nghiệp đủ điều kiện để triển khai thực hiện trồng cây dược liệu tại các xã Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Bắc.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản cũng là một nhiệm vụ được huyện Hòa Vang đặc biệt chú trọng, nhằm bảo đảm 100% các cơ sở sản xuất rau an toàn được kiểm tra và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau. Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ sẽ đưa vào điểm giết mổ tập trung. Các cơ sở thuộc ngành quản lý đã có Giấy đăng ký kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo theo Thông tư số 51/2014/TT-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, huyện mạnh dạn xây dựng phương án tích tụ ruộng đất để sản xuất tại các vùng sản xuất lúa, vùng sản xuất rau chuyên canh nhằm tạo quy mô sản xuất lớn, thuận lợi ứng dụng cơ giới hóa, thu hút đầu tư, tạo sản phẩm mang giá trị hàng hóa.

Ứng dụng công nghệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, không thể tồn tại cách làm cũ theo kiểu “con trâu đi trước, cái cày theo sau” như trước đây, mà phải tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường cơ giới hóa và trang thiết bị tưới tiêu hiện đại để tăng năng suất cây trồng, con vật nuôi. Song song với kêu gọi đầu tư, huyện đẩy mạnh thực hiện đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị”.

Để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, đối với sản xuất rau, huyện chỉ đạo thực hiện xây dựng 2 mô hình thí điểm chuyển giao nhà kính, công nghệ tưới tiết kiệm nước, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại thôn Trung Nghĩa xã Hòa Ninh, với quy mô 1ha và thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, với quy mô 1ha; hỗ trợ giàn che, hệ thống tưới tiết kiệm tại các vùng Ninh An (Hòa Nhơn), Phú Sơn Nam (Hòa Khương), Túy Loan (Hòa Phong). Đối với sản xuất hoa, huyện khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất hoa tại vùng hoa Dương Sơn, xã Hòa Châu theo quy hoạch đã được phê duyệt... Đối với sản xuất lúa, huyện triển khai vùng sản xuất 40ha lúa giống, 50ha lúa hữu cơ tại các xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong. Đối với cây ăn quả, huyện triển khai dự án trồng bưởi da xanh tại xã Hòa Ninh với quy mô 10ha, trong đó tập trung giống chất lượng. Tại các vùng sản xuất; vùng ứng dụng công nghệ cao, nông dân sẽ được các chuyên gia sản xuất rau, hoa tập huấn, hướng dẫn trực tiếp để nâng cao kỹ thuật sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, số lượng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa nhiều, diện tích chưa lớn. Do vậy, để phát triển khoảng 250ha đất nông nghiệp được thành phố quy hoạch, huyện sẽ tập trung cải tạo, quy hoạch các vùng chuyên canh mới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nuôi trồng.

Tín hiệu đáng mừng là ngoài một số doanh nghiệp đã đầu tư vốn, công nghệ vào sản xuất hoa, rau chuyên canh, thì hiện nay đã có nhà đầu tư có kinh nghiệm nhiều năm trong sản xuất rau thủy canh, hoa, cây ăn quả tại tỉnh Lâm Đồng xúc tiến đầu tư tại một số xã của Hòa Vang như: Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Khương. Tính từ năm 2015 đến nay, mỗi năm các doanh nghiệp cho ra thị trường hàng trăm tấn sản phẩm hàng hóa nông sản có chất lượng với doanh thu hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng; góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả tại hệ thống các siêu thị và chợ trên địa bàn thành phố. Điều này có thể khẳng định, đầu tư vào nông nghiệp đang là xu hướng mới nhiều tiềm năng trong những năm gần đây và ở Hòa Vang đã có doanh nghiệp đầu tư thành công, có lãi chỉ trong một đến hai năm đầu tư.

ĐẶNG THƯƠNG

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang

;
.
.
.
.
.