.

Tạo dựng thương hiệu cho lúa giống

.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một giải pháp quan trọng, một hướng đi đúng để tạo ra sự biến đổi căn bản về chất của nền nông nghiệp huyện Hòa Vang trong thời kỳ mới. Sản xuất lúa giống cũng nằm trong “tầm ngắm” đó.

Máy sấy lúa của HTX Hòa Tiến 2 sẽ được nâng cấp để góp phần tạo nên sản phẩm lúa giống có thương hiệu ở Hòa Vang.
Máy sấy lúa của HTX Hòa Tiến 2 sẽ được nâng cấp để góp phần tạo nên sản phẩm lúa giống có thương hiệu ở Hòa Vang.

Ở Đà Nẵng, nếu mô hình sản xuất lúa hữu cơ chỉ mới được trồng thí điểm từ năm 2013 tại xã Hòa Tiến, do Hội Nông dân thành phố phối hợp Tập đoàn Quế Lâm triển khai thì cũng tại địa phương này, theo ông Nguyễn Văn Chức, phụ trách kỹ thuật HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (Hòa Tiến 1), sản xuất lúa giống đã được nông dân thực hiện từ năm 1984.

Lần đầu tiên làm lúa giống, phải biết chọn giống, chọn đất, chọn vị trí đất sao cho cách xa khỏi các ruộng lúa khác. Nhiều giống lúa qua tay nông dân, nhưng ông Chức nhớ nhất là giống lúa Lai và lúa Thuần.

Lúa Lai làm cực mà vui, xen kẽ 6 hàng lúa mẹ là 1 hàng lúa bố. Lúa không tự thụ phấn, tới kỳ, nông dân phải lấy sào rung cho phấn từ lúa bố bay sang lúa mẹ. Lúa Thuần thì nhẹ công hơn, không phải rung lắc gì; ban đầu cứ mỗi sào đem 4-5kg lúa giống gieo mạ rồi nhổ mạ cấy xuống ruộng; về sau gieo thẳng lúa giống xuống ruộng.

Có thể nói gieo thẳng là một bước nâng cao kỹ thuật với nhiều ưu điểm: Không phải làm mạ, không mất nhiều công để cấy và lúa phát triển nhanh hơn. Đặc biệt là năng suất lúa gieo thẳng dù ở vụ xuân hay vụ mùa đều cao hơn lúa cấy. Một sào ngày trước phải gieo mạ 5-6kg giống, cấy dày nên lúa “ăn” nhiều phân bón, lại dễ bị dịch bệnh. Nay với kỹ thuật gieo thẳng, nông dân giảm lúa giống mỗi sào xuống còn 3-4kg, giảm gần một nửa so với kỹ thuật cũ.

Hiện HTX Hòa Tiến 1 tập trung trồng 70ha các giống lúa trung và ngắn ngày để giảm công lao động, giảm đầu tư phân bón và tiết kiệm nước tưới. Ông Chức cho biết, so với lúa dài ngày, sản xuất lúa trung và ngắn ngày cho năng suất tương đương, thậm chí có cao hơn ở vụ đông xuân, nhất là với giống lúa Thiên Ưu 8.

Công đoạn cuối cùng của sản xuất lúa giống là sấy khô. HTX có 4 lò sấy thủ công dùng trấu, phải có người túc trực khuấy liên tục cho lò nóng đều. HTX đang đề nghị xin huyện thay hệ thống đun thủ công bằng hệ thống đun tự động, tự điều chỉnh nhiệt độ để nâng cao tỷ lệ lúa khô đều và tỷ lệ lúa nẩy mầm từ 92% (sấy thủ công) lên 95-99% (sấy tự động).

Theo ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng NN&PTNT Hòa Vang, ngoài xã Hòa Tiến đã làm lúa giống từ lâu, trong năm nay, sẽ xây dựng dự án lúa giống chất lượng cao áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Châu. Để đạt mục đích đến năm 2020 tăng diện tích sản xuất hằng năm, có thương hiệu lúa giống bán ra thị trường nhằm tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đơn vị sẽ áp dụng chính sách khuyến nông theo chương trình “3 giảm - 3 tăng”: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế.

HTX Hòa Tiến 1 triển khai làm lúa giống từ năm 2010, ngay sau đó được Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng hỗ trợ một máy sấy lúa đến nay vẫn chạy tốt. Ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc HTX Hòa Tiến 2 cho biết đơn vị đang sản xuất 20ha lúa giống, gồm 5ha giống trung ngắn ngày và 15ha giống thương phẩm. Dù “đi sau”, nhưng ông Dũng hy vọng HTX Hòa Tiến 2 sẽ không “tụt hậu” trong việc sản xuất lúa giống chất lượng cao, góp phần tạo nên thương hiệu lúa giống cho Hòa Vang.

Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.