Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Khi mới giành được độc lập năm 1945, Đảng và Bác Hồ đã quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX). Trong kháng chiến chống Pháp, dù chỉ mới hình thành ở vùng tự do hoặc khu căn cứ địa cách mạng, nhưng các tổ kinh tế hợp tác, HTX đã bước đầu tập hợp nông dân, thợ thủ công vào làm ăn tập thể, có những đóng góp nhất định trong việc bảo đảm hậu cần cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hoạt động của kinh tế tập thể vừa tạo việc làm cho xã viên vừa đào tạo nghề cho người lao động. Trong ảnh: Ông Trần Nhật Ninh (phải), Giám đốc Hợp tác xã ô-tô Liên Chiểu hướng dẫn cho các học viên sửa chữa ô-tô. |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, HTX có vai trò to lớn, nhờ phát triển kinh tế HTX, miền Bắc nước ta đã thực sự trở thành hậu phương lớn vững chắc, chi viện sức người, sức của để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hiện nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế hợp tác, HTX đã và đang ra sức nỗ lực vượt qua những khó khăn, vươn lên và có những bước phát triển mới, thể hiện rõ là một lực lượng kinh tế - xã hội sâu rộng, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của mình trong nền kinh tế đất nước.
Kinh tế hợp tác và HTX đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như Hội Nông dân, Hội LHPN Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chú trọng vận động tập hợp nhân dân, nông dân, hội viên, đoàn viên chung tay phát triển, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Năm 1999, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Nghị quyết về “Vai trò và nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam trong hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân và tham gia phát triển kinh tế hợp tác nông nghiệp, nông thôn”. Hội Nông dân Việt Nam đã tư vấn, hướng dẫn các quy định của pháp luật liên quan đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trợ giúp pháp lý cho nông dân; hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, tổ chức dạy nghề bằng nhiều hình thức, trong đó có “cầm tay chỉ việc”; chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ; hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thế, liên doanh, liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh... Xác định nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình là một nhiệm vụ trọng tâm, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam khóa XI đã đề ra một trong 4 giải pháp quan trọng nhằm thực hiện chương trình hành động thực hiện khâu đột phá trong hoạt động của Hội giai đoạn (2012-2017) “Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững”, “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương; hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững”. Nhờ đó, trong các năm 2013 và 2014, 63 tỉnh/thành Hội đã hỗ trợ xây dựng được 170 mô hình HTX/tổ hợp tác/tổ liên kết, trong đó có 29 HTX, 141 tổ hợp tác/tổ liên kết, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp (55%); thu hút 4.396 lao động nữ tham gia, trong đó có 499 người thuộc hộ nghèo (11%), 920 hộ cận nghèo (21%), 713 bà con dân tộc thiểu số (16%); giải quyết việc làm cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, nhất là phụ nữ tuổi trung niên khó có cơ hội việc làm...
Tính đến tháng 6-2014, các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động của 2.758 HTX, tổ hợp tác thanh niên, với giá trị làm lợi 140.796 triệu đồng; thành lập mới 356 HTX, tổ hợp tác thanh niên; thu hút 5.796 đoàn viên, thanh niên tham gia; tạo việc làm thường xuyên cho 1.598 đoàn viên, thanh niên với thu nhập bình quân từ 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu bình quân của HTX thanh niên đạt trên 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân và tỷ suất lợi nhuận (lợi nhuận/vốn) của HTX thanh niên đạt 670 triệu đồng. Các mô hình hợp tác và HTX thanh niên đã có những tác động tích cực đến các hoạt động của Đoàn thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở; góp phần tạo ra quan hệ sản xuất mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế thông qua hoạt động của tổ hợp tác và HTX.
Với vai trò chủ lực hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế tập thể, Liên minh HTX đã xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình hành động nhằm đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức Liên minh HTX các cấp; xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa; xây dựng, phát triển kinh tế Liên minh HTX gắn với nhiệm vụ hỗ trợ phát triển HTX; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX.
Với quyết tâm chính trị cao nhất, mục tiêu là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên, người lao động của khu vực kinh tế hợp tác, nòng cốt là các HTX, góp phần hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Liên minh HTX hy vọng trong thời gian tới nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành trong toàn hệ thống chính trị đưa khu vực kinh tế hợp tác, HTX phát triển lên tầm cao mới và ngày càng trở thành thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Bài và ảnh: THANH THẢO