Mặc dù thành phố đã mở ra các kênh hỗ trợ vay vốn cũng như nhiều ngân hàng thương mại đều có những gói tín dụng ưu đãi nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay nhưng trên thực tế số lượng doanh nghiệp thực sự hưởng được các ưu đãi này rất hạn chế. Vướng cơ chế, năng lực tài chính hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ luôn trong tình trạng “khát” vốn.
Vướng cơ chế và hạn hẹp về năng lực tài chính khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, cơ sở kinh doanh luôn trong tình trạng “khát” vốn, khó khăn trong tiếp cận nguồn hỗ trợ. |
Đầu năm 2017, cơ sở sản xuất nước mắm Nam Ô dì Sáu có nhu cầu vay 400-500 triệu đồng nhằm luân chuyển nguồn vốn, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng qua tiếp cận tại Quỹ đầu tư và phát triển thành phố, cơ sở không đáp ứng được yêu cầu do không có phương án đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh khả thi. Bà Đ.H, chủ cơ sở sản xuất bày tỏ, bản thân có thể thế chấp sổ đỏ để vay vốn ở các ngân hàng nhưng vì kỳ vọng sự hỗ trợ từ thành phố, mong muốn được vay với lãi suất thấp để giảm áp lực về vốn.
Cơ sở sản xuất nước mắm Nam Ô dì Sáu là một trong rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang cần vay vốn nhưng chưa thể tiếp cận được nguồn vay. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thủy, Chánh Văn phòng Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, hiện nay, nhu cầu vay vốn của hội viên khá nhiều, từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay rất khó. Năm 2015, khi Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời, một số doanh nghiệp hội viên của Hội Doanh nhân trẻ đã tiếp cận được nguồn vốn vay này dưới hình thức vay tín chấp, nhưng sang năm 2016 vì vướng cơ chế nên hoãn lại.
Hiện có nhiều kênh vay vốn để doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh tiếp cận. Ngoài các Quỹ tín dụng của thành phố, các ngân hàng đều có các gói tín dụng ưu đãi. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Bắc Đà Nẵng vừa gửi đến Hội Doanh nhân trẻ thành phố chương trình tín dụng ưu đãi đối với các hội viên trong hội như cho vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp có doanh thu từ 20-200 tỷ đồng, vay với lãi suất 6,5% (kỳ hạn 6 tháng), 7,5% kỳ hạn 9 tháng và 8,0% kỳ hạn 12 tháng. Doanh nghiệp thuộc nhóm, ngành thương mại, phân phối được vay với điều kiện vòng luân chuyển vốn nhanh, mức lãi suất vay dưới 1 tháng: 5,5%, từ 1 đến 3 tháng: 5,7%.
Mặc dù có nhiều kênh hỗ trợ nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh không thể vay vốn vì không bảo đảm yêu cầu về tài sản để thế chấp cũng như có phương án kinh doanh khả thi. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ đầu tư và phát triển thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, đơn vị tiếp nhận khá nhiều hồ sơ vay vốn từ các doanh nghiệp cũng như các sơ sở kinh doanh nhưng nhiều trường hợp không đáp ứng yêu cầu nên không giải quyết được. “Theo quy định của Quỹ đầu tư và phát triển, chỉ giải quyết vốn vay đối với các đơn vị có dự án đầu tư các công trình xây dựng, thời gian vay trung hạn và dài hạn (từ 2 năm trở lên) và vay theo hình thức thế chấp hoặc các đơn vị phải có dự án sản xuất kinh doanh khả thi. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thường không có tài sản thế chấp, lại muốn vay trong thời gian ngắn, rủi ro cao. Nắm bắt khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, năm 2015, thành phố cho ra đời Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (trực thuộc Quỹ đầu tư và phát triển). Quỹ đã hỗ trợ vay tín chấp cho một số đơn vị có nhu cầu nhưng sau đó Bộ Tài chính không cho phép. Cơ chế quy định như vậy nên chúng tôi không thể làm khác được”, ông Tâm cho biết.
Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn vay vì thiếu tài sản bảo đảm cũng như dự án khả thi cho việc hoàn trả vốn. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Ông Tâm cũng phân tích thêm, hiện nay, ngoài các nguồn quỹ của chính quyền, nhiều ngân hàng đều có các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn nhưng lãi suất ưu đãi chỉ một vài tháng đầu tiên, những tháng sau lại quay về với lãi suất thị trường. Hơn nữa, doanh nghiệp muốn vay phải có tài sản thế chấp, trong khi các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thường không có tài sản thế chấp (hoặc có nhưng giá trị tài sản không cao).
Với chức năng cho vay đầu tư xây dựng mở rộng hoạt động kinh doanh, sản xuất, đến nay, tổng nguồn vốn huy động thực có tại Quỹ đầu tư và phát triển là 534 tỷ đồng. Năm 2016, quỹ đã phê duyệt cho vay 16 dự án với tổng mức 375 tỷ đồng, đạt 102,2% kế hoạch đề ra. Một số doanh nghiệp đã được giải ngân cho vay như dự án Trung tâm Logistics tại khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm với giá trị 60 tỷ đồng của Công ty CP Bình Vinh; dự án xây dựng Trường mầm non Nốt Nhạc Xanh KCN Hòa Khánh của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Bạch Hải với trị giá hợp đồng tín dụng 18 tỷ đồng; dự án di dời nhà máy cơ khí chính xác từ đường Nguyễn An Ninh và KCN Hòa Khánh của Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Huỳnh Đức với hợp đồng tín dụng vay 25 tỷ đồng… Trong đó, nguồn vốn vay của Quỹ đầu tư và phát triển hỗ trợ xây dựng 33 công trình trường học bảo đảm yêu cầu học ngày 2 buổi và Trường tiểu học Hai Bà Trưng. Quỹ đầu tư và phát triển đang thẩm định 3 dự án với tổng trị giá đề nghị vay 202,7 tỷ đồng, gồm dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 với trị giá 180 tỷ đồng; dự án xây dựng hệ thống điện dọc đường Nguyễn Tất Thành và khu vực chân cầu Thuận Phước trị giá 13 tỷ đồng; dự án Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Khánh mở rộng trị giá 9,7 tỷ đồng.
Ông Tâm cũng chia sẻ thêm, nguồn vốn từ Quỹ đầu tư và phát triển phần lớn được điều tiết từ ngân sách Nhà nước, hỗ trợ được cho doanh nghiệp là niềm vui nhưng cũng tạo áp lực thu hồi ngân sách cho địa phương. Thực tế, có những doanh nghiệp sau khi nhận nguồn vốn hỗ trợ lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng sử dụng không hiệu quả, dẫn tới quỹ gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hồi nợ, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao 2,37% (so với chỉ tiêu đặt ra là 1,2%); nhiều dự án đã rót vốn về nhưng hoạt động đầu tư qua nhiều năm chưa thực hiện; các doanh nghiệp tham gia góp vốn hoạt động chưa hiệu quả, chưa bù được lỗ của những năm trước…
Để góp phần giải quyết về nguồn vốn cho các hội viên, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đã tích cực làm cầu nối trong việc giới thiệu các hội viên có nhu cầu và hội viên có khả năng cho vay; đồng thời, giới thiệu các nguồn tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo doanh thu, góp phần giúp doanh nghiệp xoay vòng được nguồn vốn. Tuy nhiên, đây chỉ là cách làm tạm thời, giải quyết cho số lượng rất nhỏ các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn. Các kênh hỗ trợ được mở ra nhưng chỉ số lượng nhỏ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn phải tự xoay xở.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA