.

Kiểm soát giá mùa du lịch

.

Từ cuối tháng 4, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2017 diễn ra trong 2 tháng, trên địa bàn thành phố sẽ có nhiều chương trình phụ trợ phục vụ mùa du lịch; trong đó, hoạt động thương mại - dịch vụ sẽ nhộn nhịp, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và thực phẩm rất lớn.

Giá dịch vụ lưu trú thường tăng trong mùa cao điểm du lịch. Trong ảnh: Doanh nghiệp du lịch đang tư vấn cho khách du lịch người nước ngoài.
Giá dịch vụ lưu trú thường tăng trong mùa cao điểm du lịch. Trong ảnh: Doanh nghiệp du lịch đang tư vấn cho khách du lịch người nước ngoài.

Dịch vụ đã “lên lịch”

Thời điểm này, các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách, lưu trú… rộn ràng hơn với các đơn đặt hàng, báo giá cho phía đối tác. Các khách hàng thông qua các tour, tuyến đang tìm hiểu mức giá phù hợp cho điểm đến Đà Nẵng trong những ngày tới.

Chị Mai Thị Anh Đào, chủ cơ sở chuyên cho thuê xe du lịch trên đường Âu Cơ (quận Liên Chiểu) cho biết, hơn nửa tháng nay, khách ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh liên tục gọi điện thoại đặt hành trình. Tuy vậy, dù là khách lạ hay quen, họ cũng không đặt ngay mà chỉ tham khảo giá để chọn gói dịch vụ nào có lợi hơn mới “chốt” giá. “Để thu hút khách hàng, tất nhiên mình phải nhìn trước ngó sau chứ không thể hét giá tùy tiện”, chị Đào nói.

Vì nhu cầu đến Đà Nẵng của khách các nơi trong mùa hè này rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã liên kết với nhau để kinh doanh dịch vụ. Anh Nguyễn Văn Trùng (ở Phú Lộc 5, quận Thanh Khê) có đội xe tư nhân gồm hai chiếc 7 chỗ và một chiếc 16 chỗ cũng được bạn bè mời gọi về đầu quân cho một công ty chuyên chạy hợp đồng khách du lịch trong thành phố.

Anh T. chia sẻ: “Ngày thường tôi chỉ chạy đám cưới hoặc những khách hàng quen biết, nhưng với mùa cao điểm trong tháng 4, tháng 5, nếu liên kết với các công ty thì hầu như không có thời gian nghỉ. Dù phải chia phần trăm với bên dẫn mối nhưng vẫn có lời hơn chạy độc lập”.

Dịch vụ lưu trú cũng đang bước vào mùa sôi động. Các khách sạn, nhà nghỉ khu vực xa trung tâm như các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Thanh Khê cũng sẵn sàng đón khách với giá mềm hơn so với khu vực ven biển.

Theo khảo sát của chúng tôi, giá đặt phòng tại khách sạn hạng vừa ở phường Phước Mỹ ở mức 450.000 - 650.000 đồng/ngày đêm thì ở các phường Xuân Hà, Thanh Khê Đông chỉ khoảng 350.000 - 400.000 ngày/đêm.

Anh Bình, quản lý khách sạn H.L trên đường Nguyễn Tất Thành cho rằng: “Nhiều khách đi du lịch Đà Nẵng không nhất thiết muốn ở trung tâm ồn ào; ngược lại, họ thích ở xa một chút, miễn là phòng sạch sẽ, giá cả phải chăng. Để đón lượng khách sắp tới, khách sạn đã chủ động tìm kiếm nguồn khách từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu bố trí nơi ăn, ở cho khách. Hiện chúng tôi có gần 10 đoàn đặt chỗ ổn định vào tháng 5 tới”.

Khách du lịch cập cảng Tiên Sa đổi tiền (Việt Nam đồng) để chi dùng.				                                   Ảnh: XUÂN DUYÊN
Khách du lịch cập cảng Tiên Sa đổi tiền (Việt Nam đồng) để chi dùng. Ảnh: XUÂN DUYÊN

Chú trọng kiểm soát giá cả

Dự báo của các ngành chức năng, lượng khách đến Đà Nẵng sẽ tăng cao trong lễ hội pháo hoa 2017. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, các ngành Tài chính, Du lịch, Công thương đã triển khai kế hoạch bảo đảm giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đại diện Sở Công thương cho biết, từ tháng 3, lực lượng chức năng của sở, Quản lý thị trường phối hợp với Phòng Kinh tế quận, huyện tiến hành chấm điểm theo tiêu chí các nhà hàng, quán ăn và cơ sở lưu trú. Thông qua đó, lồng ghép nội dung tuyên truyền, tập huấn về công tác chuẩn bị lễ hội pháo hoa cho 533 nhà hàng, quán ăn và 516 cơ sở lưu trú trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà.

“Những nội dung trọng tâm được triển khai đến các điểm kinh doanh ăn uống và lưu trú chủ yếu về văn minh thương mại, thái độ ứng xử lịch sự đối với khách hàng, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết… Việc tuyên truyền này được đẩy mạnh từ rất sớm để tránh việc các doanh nghiệp bán giá tour từ trước. Nếu cơ sở nào bị khách hàng phản ánh về giá cả, chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý thật nghiêm nếu vi phạm để giữ hình ảnh đẹp cho du lịch thành phố”, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hà Bắc nhấn mạnh.

Thực tế, qua các kỳ pháo hoa trước, các đối tượng thường lợi dụng sự sôi động của mùa du lịch để tăng giá dịch vụ bất hợp lý, buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm nay, Ban chỉ đạo 389 thành phố phân công từng thành viên tăng cường công tác phối hợp trong điều tra, trinh sát, kiểm soát thị trường.

Ông Trần Phước Trí, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Phó Ban chỉ đạo 389 thành phố cho hay, các ngành đã xây dựng kế hoạch nắm tình hình và chủ động xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá bất hợp pháp, buôn lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố; trong đó, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm chủ yếu, các mặt hàng thực hiện bình ổn giá… nhằm duy trì ổn định giá hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là thời điểm trước, trong và sau khi diễn ra DIFF 2017.

Để tiếp nhận thông tin xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, đầu cơ, găm hàng, nâng giá quá mức quy định, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các tổ chức, cá nhân tham gia lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn thành phố, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng công bố số điện thoại: 0898243333; 0903502480 và 0903503378 hoặc số cố định: 02363.624190

Bài và ảnh:  XUÂN DUYÊN

;
.
.
.
.
.