Việc áp dụng sáng kiến tại các cơ quan, đơn vị để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và mang lại lợi ích xã hội. Theo đó, các sở, ngành cần phối hợp để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sáng kiến, lao động sáng tạo trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Chị Võ Thị Tuyền và chị Lê Thị Thu Thủy đang hoàn thiện lại nội dung và hình thức của video “Chỉ cần nở nụ cười”. |
Năm 2016, một trong những sáng kiến được thành phố ghi nhận là sáng kiến “Truyền thông thay đổi ứng xử giao tiếp của công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp (video “Chỉ cần nở nụ cười”)” của Sở Nội vụ. Video đồ họa dài gần 3 phút được Sở Nội vụ thực hiện và gửi đến các cơ quan, đơn vị, qua đó nhắc nhở cán bộ, công chức nở nụ cười khi tiếp dân. Chị Võ Thị Tuyền, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ cho biết: “Xuất phát từ thực tế tuyên truyền cải cách hành chính theo lối truyền thống khô khan và chưa mang tính rộng rãi, chúng tôi thực hiện video này; qua đó người dân sẽ cảm thông phần nào với những áp lực mà cán bộ tổ “một cửa” gặp phải; cán bộ tổ “một cửa” cũng nhìn lại mình, điều chỉnh hành vi, thái độ ứng xử sao cho hài hòa, phù hợp và văn minh hơn”.
Chị Lê Thị Thu Thủy, chuyên viên Phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ, người đưa ra ý tưởng và thực hiện ý tưởng nói trên cho biết thêm: “Ban đầu, chúng tôi chỉ nghĩ làm video cho cán bộ ở bộ phận “một cửa, nhưng không ngờ khi phát hành, video nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo mọi người; các tỉnh, thành phố khác cũng về học tập và trao đổi kinh nghiệm”.
Một trong những sáng kiến hữu ích phải kể đến nữa là sáng kiến “Những chú cánh cam thông minh và ngộ nghĩnh” do 3 cô giáo Trường mầm non 20-10 là Nguyễn Thị Hồng Phấn (Hiệu trưởng), Nguyễn Thị Mai Hà (Phó Hiệu trưởng) và Lê Thị Ngọc Dung (Phó Hiệu trưởng) sáng tạo. Nói về ý tưởng ban đầu, cô Phấn cho biết, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn dạy và học, làm sao có đồ dùng dạy học vừa đẹp, vừa bền, giá thành rẻ, tạo cho trẻ hoạt động tích cực, mang tính giáo dục cao, các cô đã nghiên cứu, đầu tư và thiết kế bộ đồ dùng dạy học “Những chú cánh cam thông minh, ngộ nghĩnh”. Bộ đồ dùng này tích hợp nhiều chức năng cho trẻ học tập, cho cô giáo giảng dạy các môn học và tổ chức nhiều hoạt động khác nhau.
Cùng trực tiếp tham gia sáng tạo sản phẩm, cô Hà cho biết thêm, khi sử dụng bộ đồ dùng học tập giải trí “Những chú cánh cam thông minh và ngộ nghĩnh”, trẻ có thể học tập, vui chơi một mình, hoặc nhiều trẻ cùng chơi, học một lúc, tăng cường yếu tố kích thích thi đua giữa các đội chơi; khuyến khích nâng cao kỹ năng tư duy, phát triển khả năng ghi nhớ, phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp…
Ngoài 2 sáng kiến trên, năm 2016, còn có 9 sáng kiến khác của các đơn vị, sở, ngành được công nhận có tác dụng đối với thành phố như: “Xây dựng hệ thống trợ giúp ngữ âm cho trẻ khiếm thính” của Trường Chuyên biệt Tương Lai; “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi kết quả xử lý các góp ý, phản ánh của công dân, tổ chức của các cơ quan Nhà nước” của Sở Thông tin và Truyền thông; “Giải pháp quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tham gia cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích” của Sở Tài chính… Những sáng kiến này góp phần nâng cao hiệu suất làm việc, lao động; giảm chi phí đầu tư, quản lý; nâng cao chất lượng công việc, dịch vụ, hiệu quả kỹ thuật; cải thiện điều kiện, tinh thần, trách nhiệm làm việc tại các đơn vị…
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), việc áp dụng sáng kiến tại các cơ quan, đơn vị không nằm ngoài mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế và lợi ích xã hội. Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, những năm gần đây, hoạt động sáng kiến ngày càng nhận được sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố và dần trở thành hoạt động thường niên, thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng. Hiện nay, Đà Nẵng có hơn 1.800 sáng kiến được cơ quan, tổ chức của thành phố công nhận.
Tuy nhiên, theo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công tác sáng kiến tại đơn vị vẫn có những khó khăn liên quan đến điều kiện, thủ tục, quy trình xét công nhận sáng kiến ở cơ sở và sáng kiến có sức ảnh hưởng. Hơn nữa, các sở, ngành, quận, huyện cũng cho rằng, hoạt động sáng kiến chưa thật sự được quan tâm và đầu tư. Việc đăng ký sáng kiến hầu hết liên quan đến công tác thi đua như được công nhận lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua. Ngoài ra, kinh phí xét duyệt sáng kiến chưa được hướng dẫn nên vẫn còn lồng ghép trong việc xét đề tài. Các sáng kiến viết xong, có sáng kiến được triển khai trên địa bàn, một số sáng kiến lại không được triển khai khiến người thực hiện sáng kiến không hào hứng… Vì vậy, bà Vũ Thị Bích Hậu cho biết thêm, các sở, ngành cần phối hợp để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sáng kiến, lao động sáng tạo trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thời gian đến, Sở KH-CN sẽ tổ chức tổng kết hoạt động sáng kiến của thành phố; đồng thời khen thưởng các tác giả có sáng kiến có sức ảnh hưởng để nhân rộng, phát huy phong trào sáng kiến sâu rộng.
Bài và ảnh: THANH TÌNH