Kết nối giao thông

.

Sau ngày thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1-1-1997), cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương, thành phố đã huy động nhiều nguồn khác nhau để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá, góp phần tạo sự thay đổi về tầm vóc, quy mô và diện mạo của đô thị Đà Nẵng; nhiều công trình giao thông đã trở thành biểu tượng, mang dấu ấn năng động, sáng tạo của thành phố.

Hạ tầng giao thông của Đà Nẵng đã đổi thay mạnh mẽ. 		      Ảnh: THÀNH LÂN
Hạ tầng giao thông của Đà Nẵng đã đổi thay mạnh mẽ. Ảnh: THÀNH LÂN

Năm 1997, chiều dài mạng lưới đường bộ trên địa bàn Đà Nẵng chỉ 423,2km; bao gồm 71,2km quốc lộ, 96,5km tỉnh lộ, 115km đường đô thị, 73,5km đường liên xã, 67km đường xã thôn và 3 cầu (dài từ 25m trở lên) là cầu Đỏ, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi với tổng chiều dài hơn 1.290m. Đến nay, chiều dài mạng lưới đường bộ đã tăng gần gấp 3 lần với hơn 1.200km; trong đó quốc lộ (QL) 119,3km, tỉnh lộ 75,2km, đường đô thị 918,86km, 64,6km đường liên xã và 46,1km đường liên thôn…

Trước đây, phần lớn các tuyến đường có chất lượng kém do nhiều năm không được duy tu, bảo dưỡng; nhiều tuyến đường đô thị chưa được xây dựng đồng bộ, thiếu vỉa hè, cống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, thậm chí 20,87% đường đô thị là đường đất; nhiều tuyến tỉnh lộ chỉ khai thác mùa khô. Mạng lưới giao thông đối ngoại gồm 2 tuyến quốc lộ QL1A và QL14B quá nhỏ nên thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông. Đứng trước thực trạng đó, lãnh đạo thành phố chỉ đạo quyết liệt đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội và đô thị.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải nhớ lại: “Ngay trong năm đầu tiên chia tách, lãnh đạo thành phố chỉ đạo ngành triển khai hơn 40 công trình giao thông và liên tục những năm sau đó, mỗi năm đều triển khai thêm nhiều công trình hạ tầng giao thông với quy mô lớn và hiện đại hơn. Đến nay, mạng lưới đường bộ phát triển nhanh theo hướng hiện đại, hầu hết là đường bê-tông nhựa và được xây dựng đồng bộ với hệ thống thoát nước, vỉa hè, chiếu sáng, cây xanh. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 41 cầu từ 25m trở lên với tổng chiều dài 10.795,75m. Các cầu này có kết cấu cơ bản từ cầu bê-tông cốt thép đúc hẫng, dầm bê-tông cốt thép liên tục đến cầu vòm thép, vòm bê-tông cốt thép, cầu dây văng, dây võng, cầu quay… Nhiều cây cầu trở thành biểu tượng của Đà Nẵng như: cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước…

Song song đó, công tác phát triển hạ tầng giao thông nội đô được chú trọng. Trong gần 8.300 giao lộ trên địa bàn thành phố, có 128 giao lộ có đèn giao thông và gần 8.172 nút giao có vòng xoay, tự điều chỉnh; phần lớn các giao lộ là giao nhau cùng mức (trừ các nút giao ngã ba Hòa Cầm, ngã ba Huế, cầu vượt đường sắt Ngô Sỹ Liên và các nút đang triển khai thi công như nút giao thông phía Tây cầu sông Hàn, nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ - Lê Độ).

Các trục giao thông hướng tâm, cửa ô, các nút giao cắt, đường vành đai được cải tạo, nâng cấp và xây mới. Những con đường mới khang trang, những cây cầu mới hiện đại được đầu tư xây dựng như cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Tiên Sơn, cầu Hòa Xuân, cầu Cẩm Lệ, đường Trường Sa, đường Hoàng Sa, đường Võ Chí Công, đường Nguyễn Văn Linh, đường Võ Văn Kiệt, tuyến đường vành đai phía nam, nút giao thông ngã ba Huế... đã mở ra cơ hội phát triển không gian đô thị về đông nam, nam, tây nam, tây bắc thành phố, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Cùng với việc đầu tư phát triển các tuyến đường đô thị, hệ thống giao thông nông thôn và kiệt, hẻm cũng được quan tâm. Các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê-tông hóa và nhựa hóa, một số công trình cầu quan trọng được xây dựng hoặc cải tạo nâng cấp đã phát huy hiệu quả, đáp ứng kịp thời sự phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn, giúp kết nối thông suốt mạng lưới giao thông đến các xã, các thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của nông dân. Đến nay, 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí giao thông.

Không chỉ hạ tầng giao thông đối nội được phát triển mà hạ tầng giao thông đối ngoại cũng được thành phố kiến nghị đầu tư mở rộng nâng cấp và xây dựng mới như QL1A, hầm đường bộ Hải Vân, đường tránh nam hầm Hải Vân, QL14B, cầu Tiên Sơn, nút giao thông khác mức Hòa Cầm, ngã ba Huế… Các công trình lớn khác cũng đang được đầu tư xây dựng như: đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, nâng cấp cảng Tiên Sa - giai đoạn 2, nâng cấp mở rộng Sân bay quốc tế Đà Nẵng, QL14B (giai đoạn 2), QL14D, QL14G, đường vành đai phía tây, đoạn từ QL14B đến đường Hồ Chí Minh…

Theo ông Lê Văn Trung, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông vận tải thời gian đến là tập trung phát triển đồng bộ và có trọng điểm kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông. Theo đó, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư nút giao thông phía tây cầu Rồng trong năm 2017. Phối hợp Sở Xây dựng rà soát, hoàn chỉnh, triển khai quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất đồng bộ với quy hoạch giao thông vận tải. Đặc biệt, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trung hạn 2016-2020; nhất là các đoạn còn lại của tuyến đường vành đai phía bắc, phía tây, nhằm kết nối với đường tránh nam hầm Hải Vân, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và tuyến ĐT 601, kết nối với đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan. Tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương xúc tiến triển khai các dự án: xây dựng cảng Liên Chiểu (GĐ1), di dời ga đường sắt. Nghiên cứu xúc tiến tuyến đường sắt đô thị (monorail) từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đi thành phố Hội An. Triển khai các thủ tục, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng bãi đỗ xe theo lộ trình quy hoạch giao thông tĩnh đã được phê duyệt. Trong đó, năm 2017, kêu gọi đầu tư bãi đỗ xe khu vực Quang Trung - Đống Đa, đề xuất đầu tư xây dựng 3 bãi đỗ xe nổi khu vực trung tâm thành phố…

THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.