Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, sáng 15-5, tại Hà Nội, Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đã khai mạc.
Phát biểu tại đối thoại, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là hội nghị mở đầu cho 8 hội nghị cấp bộ trưởng trong Năm APEC Việt Nam 2017; thể hiện nỗ lực không ngừng của cộng đồng APEC cũng như của Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực.
Theo Phó Thủ tướng, nguồn nhân lực luôn là trung tâm của sự phát triển, đặc biệt là trong kỷ nguyên số. Sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT), đã mang tới nhiều yêu cầu, điều kiện mới để phát triển nguồn nhân lực.
Vấn đề này không chỉ đặt ra với những nhân lực có trình độ làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao, mà còn liên quan đến tất cả các tầng lớp lao động, bao gồm lao động giản đơn. Khu vực APEC phát triển rất năng động.
Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng ở các nền kinh tế thành viên APEC đều cao hơn mức trung bình. Điều này không chỉ góp phần tăng năng suất lao động, phát triển CNTT, mà còn tạo sự thuận lợi trong kết nối phương tiện để mở ra cơ hội mới cho mỗi cá nhân và cộng đồng, với mục tiêu tất cả mọi người được chia sẻ, giao lưu, tiếp cận, đóng góp chung vào thành tựu văn minh nhân loại của toàn cầu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc kết nối, mở rộng mạng lưới, tăng cường hợp tác giữa các trung tâm đào tạo trong khu vực và trên thế giới đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề rất quan trọng; giúp bảo đảm sự hợp tác thực chất hơn giữa các thành viên với cộng đồng doanh nghiệp.
Các đại biểu tham gia các phiên thảo luận tập trung vào một số nội dung chính: phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo sự năng động mới để tăng trưởng; thúc đẩy cam kết của các bên liên quan trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực; thông qua khuôn khổ hợp tác APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, các tiến bộ khoa học - công nghệ đang tác động mạnh mẽ lên toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của các nền kinh tế thành viên APEC. Trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, việc ứng dụng công nghệ và số hóa là cơ hội mới góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng kinh tế; tạo điều kiện cho việc ra đời, phát triển mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và những cơ hội việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đặt ra nhiều thách thức mới do sự gia tăng của tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, chế tạo; do thay đổi, phát sinh trong thị trường lao động, quan hệ lao động và nhu cầu của các nghề mới...
TTXVN