Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, tự do, sáng tạo, an toàn

.

Sáng 17-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành Trung ương, 63 tỉnh, thành địa phương cùng 2.000 doanh nghiệp (DN) cả nước, trong đó có khoảng 1.500 DN tư nhân, còn lại là khối (DN) Nhà nước và FDI. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận.               Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với DN lần thứ nhất được tổ chức năm 2016, số DN thành lập mới đạt 110.000 DN, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% so với năm 2015. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ, ngành và địa phương đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần trong Chính phủ “không có chỗ để bàn lùi” và “Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng thực sự tiếp sức cho DN”.

Song, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, thực tế còn không ít khó khăn. Cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực sự đồng hành với DN bằng những việc làm cụ thể.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vướng mắc nhất của DN là vấn đề thủ tục hành chính, đất đai, thuế... Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành địa phương lưu ý các kiến nghị của DN: tăng cường đối thoại, có trao đi đổi lại, không nói một chiều, áp đặt; phát huy vai trò của các hiệp hội trong giải quyết vướng mắc của DN.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề cập việc Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo điều kiện cho DN phát triển; các cơ chế chính sách phải phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế; huy động mọi nguồn lực, trí tuệ của người dân để phát triển kinh tế; tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhũng nhiễu doanh nghiệp…

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các DN phải có tầm nhìn xa, làm ăn bài bản, mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ, nắm vững các quy định... để sản xuất, kinh doanh bền vững, hiệu quả.

Tại Đà Nẵng, thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng như cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN; hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN…

Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng, tình hình thực hiện Nghị quyết 35 đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Qua đó, thu ngân sách Nhà nước do DN đóng góp trên tổng số thu nội địa toàn thành phố năm 2016 đạt 58%, tăng 5% so với thực hiện năm 2015.

4 tháng đầu năm 2017, thu ngân sách Nhà nước do DN đóng góp đạt trên 3.272 tỷ đồng, chiếm trên 56% tổng số thu toàn thành phố (trừ đất). Về đăng ký thành lập DN, đến thời điểm này, thành phố có 20.556 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký đạt trên 103.374 tỷ đồng.

Số lượng DN đăng ký thành lập tăng khá cao so với cùng kỳ nhờ môi trường thuận lợi cho khởi sự DN. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước khả quan. Trong 4 tháng đầu năm 2017, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư 690.000 USD, tăng 125% về dự án và tăng trên 118% về vốn so với cùng kỳ năm 2016. Hiện Đà Nẵng có 479 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 3,2 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện ước đạt 1,986 tỷ USD, chiếm 60,8% tổng vốn đăng ký.

Năm 2016, thành phố đã tiếp nhận tổng cộng 201 kiến nghị từ cộng đồng DN. Trong đó, 200 kiến nghị đã được xử lý; 1 kiến nghị đang được xử lý; 7 kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý của các bộ, ngành Trung ương, sở, ban, ngành thành phố đã tham mưu UBND thành phố có văn bản gửi lên bộ, ngành Trung ương. Đến nay đã có 1 vướng mắc của DN được giải quyết. 

Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, thành phố tiếp nhận 69 kiến nghị, vướng mắc của DN, các hội, hiệp hội DN trên địa bàn. Sau khi tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị của DN, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan xử lý thông tin, trả lời thắc mắc của DN. Những nội dung DN quan tâm chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, mặt bằng, đơn  giá thuê đất, thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho DN…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: DUYÊN ANH
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: DUYÊN ANH

Đối với việc đẩy mạnh hoạt động đăng ký kinh doanh qua mạng, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới phương thức hỗ trợ, khuyến khích DN đăng ký kinh doanh qua mạng ở mức 4. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển khởi nghiệp; tập trung hỗ trợ DN kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm thương hiệu, tư vấn pháp lý.

Để giải quyết kịp thời những khó khăn về vốn, thành phố giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng triển khai giải pháp hỗ trợ kịp thời thông qua các chương trình kết nối ngân hàng - DN, áp dụng lãi suất cho vay hợp lý… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 35, thành phố cũng gặp những khó khăn và vướng mắc cần kiến nghị các bộ, ngành xem xét sửa đổi theo hướng đơn giản hóa hồ sơ cho phù hợp.

Một trong những động thái thể hiện quyết tâm đồng hành với doanh nghiệp (DN) của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đó là ký ban hành Chỉ thị số 20/2017 (lúc 13 giờ 17-5) quy định không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần. Đây là vấn đề đã được nhiều DN cho rằng còn tình trạng chồng chéo và gây khó cho nhiều đơn vị.

Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương khẩn trương rà soát, điều chỉnh các chính sách pháp luật của Nhà nước để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt là các lĩnh vực: thủ tục đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tham mưu chính phủ tháo gỡ khó khăn liên quan đến hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa; các bộ, ngành cũng sớm có văn bản phản hồi và giải quyết nhanh kiến nghị của DN theo đúng thẩm quyền để DN ổn định phát triển sản xuất - kinh doanh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết: Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.

Theo Thủ tướng, trong 1 năm qua, Chính phủ, bộ ngành các địa phương đã “gãi đúng chỗ, chứ không ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. Về cải cách thể chế, đã ban hành 50 nghị định cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Về cải cách thủ tục hành chính, 4.500 thủ tục đã được xử lý và bãi bỏ, qua đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Số lượng DN thành lập trong năm 2016 là trên 110.000 DN; 4 tháng năm 2017 là trên 40.000 DN.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận diện các mặt hạn chế: thể chế, chính sách chưa giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn của các văn bản dưới luật, chính sách vẫn còn đi sau thực tiễn; thuế và phí vẫn còn cao, chi phí không chính thức vẫn đè nặng lên vai doanh nghiệp; khả năng tiếp cận tín dụng còn nhiều rào cản về cơ chế tài sản, nợ xấu…

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết 2 vấn đề then chốt: Một là tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật thông qua các thông qua ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, tinh thần thượng tôn pháp luật, đấu tranh với nhũng nhiễu, tiêu cực; tạo cơ hội cho mọi thành phần kinh tế; không phân biệt công tư. Hai là nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong đó, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của Nhà nước và của DN để tương thích với yêu cầu phát triển nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và xu hướng tương lai.

“Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến đất nước ta, tôi tin tưởng các bạn, những DN sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam. Đó chính là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Địa phương để thanh tra chồng chéo phải chịu trách nhiệm

Trong buổi họp báo tối 17-5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh lại quan điểm của Chính phủ thanh tra doanh nghiệp 1 năm không quá 1 lần, lãnh đạo địa phương nào cố tình để chồng chéo trong thanh tra sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

Cụ thể, thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố là đầu năm phải duyệt kế hoạch thanh tra của các đơn vị chức năng như: thuế, hải quan, xây dựng, công an, tài nguyên môi trường… Việc thanh tra đột xuất ngoài kế hoạch chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, dấu hiệu vi phạm ở đây là phải có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: Nếu các địa phương, cơ quan không thực hiện chỉ thị Thủ tướng Chính phủ, tùy thuộc mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật. “Nếu cố tình, biết mà vẫn để thanh kiểm tra chồng chéo thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, nếu vi phạm pháp luật thì sẽ xử lý theo đúng quy định”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.TTXVN

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.