Cách đây 2 năm, huyện Hòa Vang đã phát triển nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao. Từ hạ tầng khu vực sản xuất được xây dựng bài bản, bao gồm nhà lưới, hệ thống tưới bằng vòi phun sương… khắc phục được yếu tố bất lợi về thời tiết, năng suất và chất lượng nông sản cao hơn hẳn so với sản xuất trong môi trường tự nhiên.
Một mô hình trồng phong lan cắt cành Mokara theo kỹ thuật cao. |
Hoa và rau xanh là 2 loại nông sản được ưu tiên sản xuất tại các mô hình ứng dụng kỹ thuật cao ở huyện Hòa Vang. Năm 2015, từ nguồn hỗ trợ của thành phố, 4 hộ ở hai xã Hòa Tiến, Hòa Khương được hỗ trợ 300 triệu đồng/hộ để xây dựng hạ tầng sản xuất. Đến nay, hoa và rau tại các mô hình này không chỉ vượt trội về năng suất mà chất lượng hơn hẳn so với sản xuất trong môi trường không được đầu tư.
Gần đây, ông Nguyễn Xuân Hùng (ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu) ăn nên làm ra từ mô hình trồng lan cắt cành Mokara tại khu vực ứng dụng kỹ thuật cao được huyện Hòa Vang tạo điều kiện về đất, thành phố hỗ trợ vốn xây dựng hạ tầng. Hiện tại, mỗi ngày ông cắt bán từ 200-300 bông trong khu vườn có hơn 10.000 cây Mokara, thu 3-4 triệu đồng. Là người tiên phong đưa Mokara cắt cành về huyện Hòa Vang, ông Hùng cho biết, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng, kể cả giống. Đến nay, có thể khẳng định, Mokara cắt cành sản xuất trong môi trường nhà lưới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho bông lớn và màu sắc hấp dẫn. Hệ thống tưới tự động giúp cây điều tiết độ ẩm khi thời tiết nắng nóng, nhờ vậy bông nở đều, to và đẹp”.
Từ mô hình trồng Mokara cắt cành hiệu quả kinh tế cao của ông Nguyễn Xuân Hùng, huyện Hòa Vang tiếp tục đầu tư nhiều tỷ đồng với mục tiêu biến vùng trồng hoa hơn 3ha tại thôn Dương Sơn thành khu sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao. Không dừng lại ở những mô hình có diện tích 500-1.000m2, huyện Hòa Vang chủ trương phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao quy mô lớn bằng các mô hình diện tích từ 1ha trở lên. Hiện tại, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện phối hợp với 2 nhóm hộ xây dựng 2 vùng trồng rau cao cấp tại các xã Hòa Phú và Hòa Ninh, dự kiến đầu tháng 6 sẽ xuống giống.
Tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, việc xây dựng nhà kính, hệ thống tưới tự động trên phạm vi 15.000m2 đang vào giai đoạn cuối. Mô hình này có tổng vốn đầu tư 3,57 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 1,4 tỷ đồng, còn lại là vốn của nhóm hộ ông Lê Mạnh Dân và Nguyễn Thắng. Ông Nguyễn Thắng có thâm niên hơn 20 năm trồng rau sạch ở Đà Lạt, một trong 2 hộ đầu tư vùng rau kỹ thuật cao ở xã Hòa Ninh cho biết: “Khi nghe tin huyện Hòa Vang phát triển các mô hình trồng rau kỹ thuật cao, tôi từ Đà Lạt về quê đầu tư sản xuất. Để có vùng rau sạch như ý, yếu tố quan trọng nhất là hạ tầng phải hoàn thiện, hiện đại, trong đó nhiều khâu tự động hóa. Với vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng, mô hình này chắc chắn đem lại sản lượng rau cao cấp rất lớn cho thị trường đô thị. Đầu tháng 6 tới sẽ đưa giống ớt chuông, xà lách lô lô xanh, tím, dưa lưới giống Hàn Quốc… về trồng. Tại đây sẽ có khu vực chuyên trồng rau thủy canh. Theo kế hoạch, mỗi năm vùng rau cung cấp cho thị trường 350-400 tấn rau sạch các loại”.
Tương tự, tại thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, hạ tầng vùng rau kỹ thuật cao cũng đang hoàn tất các hạng mục để đầu tháng 6 tới xuống giống. Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết: “Qua thực tiễn sản xuất nhận thấy, rau và hoa sản xuất tại khu vực được đầu tư hạ tầng bài bản cho năng suất cũng như chất lượng vượt trội. Từ đó, huyện ưu tiên đầu tư phát triển các mô hình sản xuất kỹ thuật cao. Hai mô hình, với tổng diện tích 3ha ở các xã Hòa Phú, Hòa Ninh, chỉ là bước khởi đầu. Trong tương lai không xa, nhiều mô hình tương tự nối tiếp ra đời, huyện Hòa Vang sẽ là nơi cung cấp lượng lớn nông sản sạch cho thị trường đô thị Đà Nẵng”.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU