Dawaco lý giải nguyên nhân thiếu nước sạch ở một số khu vực: Do máy bơm tăng áp

.

LTS: Sau khi đăng bài điều tra “Khách sạn “hút” nước sạch?” (số báo ra ngày 13-6-2017), Báo Đà Nẵng nhận được sự phản hồi từ bạn đọc với mong muốn báo tiếp tục đi tìm sự thật và có những bài viết phản ánh vì sao nhiều khu dân cư, hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đà Nẵng tiếp tục tìm hiểu, lý giải vì sao một số khu vực tại Đà Nẵng thiếu nước sạch.

 Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra ở nhóm hộ gia đình không có điều kiện mua máy bơm tăng áp. Trong ảnh: Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (trú kiệt 321/9 Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà) phải hứng từng giọt nước từ vòi để sử dụng.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra ở nhóm hộ gia đình không có điều kiện mua máy bơm tăng áp. Trong ảnh: Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (trú kiệt 321/9 Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà) phải hứng từng giọt nước từ vòi để sử dụng.

Tại Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hoạt động sản xuất, truyền dẫn trên hệ thống và phân phối nước được triển khai hiệu quả. Cán bộ kỹ thuật Phòng Điều độ cấp nước của Dawaco dễ dàng có đủ cơ sở dữ liệu từng mét khối nước vận hành qua tổ máy; biết áp lực nước trên hệ thống và biết… cả việc khách hàng mở vòi sử dụng nước. Việc nhận biết thông tin cung cấp nước cơ bản có 2 màu, màu xanh là tín hiệu báo nước đầy trên hệ thống truyền dẫn, màu đỏ là khu vực bị tụt áp lực và thiếu nước. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật cũng dễ dàng quan sát, điều hành hệ thống cấp nước trên điện thoại thông minh (smartphone) kết nối internet.

Một sáng đầu tháng 6-2017, tại Phòng Điều độ cấp nước Dawaco, những đốm sáng màu đỏ loang nhanh trên màn hình và bao phủ ở hệ thống cấp nước. Theo đó, khu vực các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn là những địa bàn thiếu nguồn nước cấp. Kịch bản về điều độ là giải pháp xử lý liên lạc qua bộ đàm, điện thoại để yêu cầu các tổ kỹ thuật cấp nước ngoài hiện trường hay các xí nghiệp cấp nước khu vực thực hiện đóng van ở những nơi đang no nước và đẩy nước về những nơi thiếu.

Tuy nhiên, hiện rất nhiều hộ dân phản ánh về tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Điều đáng nói là trên cùng tuyến dân cư, cùng mạng cấp nước nhưng có hộ thiếu nước, hộ không. Bà Nguyễn Thị Hoa (trú kiệt 321/9 Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà) phản ánh, suốt cả tuần qua, gia đình bà thiếu nước sinh hoạt, các vòi nước trong nhà cứ nhỏ từng giọt. Để có đủ nước tắm giặt, có khi mọi người trong gia đình phải thức đến 24 giờ để hứng nước.

Thiếu hụt nước trầm trọng nhất là khu vực tổ dân phố số 8, phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà). Hay tại khu vực kiệt K45/H39 Lê Độ (quận Thanh Khê) bị cúp nước 6 ngày nay. Một người dân nơi đây phản ánh: “3 ngày đầu, khoảng 2 giờ sáng nước còn chảy nhỏ giọt để hứng dự trữ nhưng mấy ngày sau thì mất nước hẳn. Tôi đã gọi điện báo với Xí nghiệp Cấp nước Thanh Khê. Ngày 8-6, đơn vị này cử một nhân viên đến kiểm tra, ghi nhận tình hình và hứa hẹn hôm nay (13-6) sẽ có. Nhưng đến nay nước vẫn chưa chảy, dù là nhỏ giọt!”.

“Độc chiếm” nguồn nước cấp

Lý giải hiện tượng trên, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho biết, đó là do nhóm khách hàng có điều kiện về kinh tế và ở khu đô thị mới đã trang bị máy bơm để hút nước trực tiếp từ hệ thống cấp nước. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự thiếu nước cục bộ ở một nhóm đối tượng khách hàng không sử dụng máy bơm trong cùng khu vực cấp nước. Dawaco không thể ngăn chặn việc sử dụng máy bơm tăng áp ở nhóm khách hàng có điều kiện đầu tư giải pháp kỹ thuật này, bởi khách hàng lắp đặt sau đồng hồ nước. Việc gia tăng sử dụng máy bơm tăng áp ở hộ gia đình gây rối loạn hoạt động điều độ cấp nước, phân phối nước bình đẳng đến khách hàng.

Quan sát tại nhiều khu dân cư, khu đô thị mới, trên nhiều nóc nhà cao tầng xuất hiện nhiều bồn chứa. Ông Hồ Hương cho biết thêm, những năm trước, các hộ gia đình đầu tư thêm bể chứa ngầm, nay đưa thẳng máy bơm vào đường ống.

Một hộ dân ở khu vực đang thiếu nước sinh hoạt lý giải về kế hoạch đầu tư “độc chiếm nguồn nước” bằng việc mua một bồn chứa 1.000 lít cỡ 7-8 triệu đồng, một máy bơm tăng áp tầm 3 triệu đồng. Thế là chẳng lo việc thiếu nước sinh hoạt trong bất kỳ thời điểm nào (!?).

Ông Hồ Hương cho rằng, mạng cấp nước thành phố sẽ sập với hệ thống máy bơm tăng áp đang ào ạt sộc vào đường ống nước sạch. Hơn 10 ngày qua, Dawaco thực sự “bó tay” với nhóm khách hàng có điều kiện đầu tư máy bơm độc chiếm nguồn nước cấp đang xuống thấp trên hệ thống. Hoạt động của máy bơm tăng áp, rút nước trên hệ thống theo chế độ tự động nên càng làm công tác điều độ phân phối cấp nước vô cùng khó khăn.

Giải pháp của Dawaco đang triển khai là cung cấp nước qua hệ thống xe bồn lưu động đến các khu dân cư có hộ gia đình thiếu nước phục vụ sinh hoạt; tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, nếu thiếu nước mở rộng hơn thì sẽ “vỡ trận”.

“Trong điều kiện nguồn cung nước sinh hoạt đang thiếu trên hệ thống bởi nhu cầu sử dụng nước tăng cao, Dawaco mong muốn mọi khách hàng chia sẻ khó khăn bằng việc sử dụng nước tiết kiệm. Dawaco khuyến nghị khách hàng không sử dụng hệ thống bơm tăng áp trực tiếp vào đường ống cấp nước mà đầu tư bể chứa nước ngầm riêng để bơm. Đây là hành động chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng trong mỗi hộ gia đình qua việc sử dụng dịch vụ cấp nước công”

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng

Bài và ảnh: Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.