Nợ xấu giá bao nhiêu?

.

Theo cách tính thông thường, giá của một khoản nợ vay tối thiểu bằng chính nó cộng với khoản lãi suất phải trả ngân hàng cho một khoảng thời gian sử dụng vốn nhất định. Nhưng khi chuyển sang nợ xấu, người đi vay phải trả bổ sung khoản lãi phạt quá hạn, cao nhất bằng 150% lãi suất trong hạn. Trong trường hợp chậm trả lãi theo cam kết, thì phải thanh toán thêm tối đa 10%/năm trên tổng số nợ lãi đọng theo Thông tư 39 ban hành gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đây là mối quan hệ dân sự trực tiếp, bình đẳng giữa người đi vay/người cho vay, dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận, công khai và minh bạch, được minh định và bảo vệ trong hệ thống luật pháp hiện hành.

Lý thuyết là vậy nhưng trong thực tế một khi nợ xấu phát sinh trên diện rộng, đặc biệt là chuyển sang trạng thái khó đòi có khả năng mất vốn thì ngân hàng ngay lập tức phải đối diện với nguy cơ tổn thất, mất “cả chì lẫn chài”. Nợ lãi và tiền phạt rất khó thu hồi đầy đủ, trong khi nợ gốc gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tiến trình xử lý tài sản thế chấp. Trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm thì tổn thất sẽ càng nặng nề hơn. Nếu quá trình xử lý tài sản diễn ra nhanh gọn thì còn có cơ may thu hồi để quay vòng vốn, tăng hiệu quả kinh doanh, mang lại ích nước lợi nhà. Trường hợp ngược lại, thời gian kéo dài, thủ tục pháp lý nhiêu khê, “tiền mất tật mang”, kéo theo thiệt hại kép cho cả hệ thống tài chính ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.

Lúc này giá của một khoản nợ xấu là bao nhiêu chắc chắn không ai có thể khẳng định được?

Nhớ lại những năm 90 của thế kỷ XX, sau khi sự cố Minh Phụng- Epco bùng nổ, do tính chất đặc biệt nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng về chính trị-xã hội của vụ án, Chính phủ phải thành lập riêng một Ban chỉ đạo xử lý do trực tiếp Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Đây cũng là ban chỉ đạo đầu tiên được thành lập ở cấp Trung ương nhằm chỉ đạo công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên vẫn phải mất gần 11 năm sau mới khắc phục một cách cơ bản những tổn thất rất lớn gây ra với số tiền 3.649 tỷ đồng, 25 triệu USD, 445 lượng vàng SJC, nhưng đến nay vẫn còn 3 ngân hàng chưa thu hồi đủ số nợ tồn đọng hơn 2.000 tỷ đồng. Cái giá của nợ xấu bằng với những tổn thất vô cùng lớn về con người cộng với của cải và giá trị vô hình khác, hầu như không thể cân đo đong đếm được. Cần nhận thức rõ rằng đây chính là cái giá phải trả của cả nền kinh tế đất nước chứ không chỉ của riêng ai. Bài học này tuy quá cũ nhưng xem ra vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến tận ngày hôm nay.

Quan hệ tín dụng, theo thông lệ quốc tế, về bản chất pháp lý là quan hệ dân sự trực tiếp giữa người đi vay/ người cho vay. Lẽ ra nguyên lý này phải được tôn trọng và bảo vệ như là quan hệ pháp luật chủ đạo trong nền kinh tế, từ đó tạo ra quyền và nghĩa vụ để người đi vay/người cho vay chủ động thực thi các biện pháp đã thỏa thuận theo hợp đồng nhằm đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Cơ chế này cho phép rút ngắn thời gian, tinh gọn thủ tục, tiết giảm chi phí, áp dụng triệt để các giải pháp thị trường để giải phóng nhanh khối lượng tài sản bảo đảm tồn đọng kéo dài. Rất tiếc, mối quan hệ dân sự này trên thực tế đã bị vô hiệu hóa phần lớn do nhận thức và khả năng phối hợp thực thi pháp luật yếu kém, các vụ việc tranh chấp dù nhỏ hay lớn gần như phải trông cậy vào sự can dự tuyệt đối của cơ quan tòa án và thi hành án, dẫn đến ôm đồm, quá tải, thậm chí tắc nghẽn.

Năm 2014, đứng trước yêu cầu phải giải quyết hàng loạt khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý nợ xấu, liên bộ Tư pháp - Tài nguyên và Môi trường - Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36 cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) được thực thi quyền thu giữ tài sản để xử lý thu hồi nợ. Tuy nhiên quy định pháp luật này gần như không thể triển khai được vì cơ chế trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chấp pháp với các TCTD không có hiệu quả. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV mới đây đã thống nhất ban hành Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, một lần nữa lặp lại giải pháp thu giữ tài sản với phần lớn nội dung tương tự Thông tư 36. Mặt khác, nghị quyết này thay vì tạo ra áp lực/ động lực tuân thủ pháp luật để góp phần đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ và tài sản thì vẫn còn dành khá nhiều không gian cho sự diễn dịch và vận dụng, khó tránh khỏi tái diễn căn bệnh kinh niên trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đó là tính thiếu đồng bộ, mất nhiều thời gian, chi phí cơ hội do phải chờ đợi các văn bản hướng dẫn thi hành tiếp theo.

Mặc dù sự kỳ vọng lần này của dư luận tương đối tốt, với niềm tin đặt vào cấp thẩm quyền lập pháp cao nhất của đất nước, nhưng hiệu quả thực sự của nghị quyết xử lý nợ xấu sẽ đi đến đâu vẫn là vấn đề lớn với rất nhiều băn khoăn. Tuy nhiên có thể nói nghị quyết này như là bước đi quá độ quan trọng. Trong điều kiện như vậy thì câu hỏi về cái giá của nợ xấu vẫn chưa thể giải đáp một cách đầy đủ và tích cực. Cơ hội mở ra cho người đi vay cũng như năng lực tiếp nhận vốn của nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn bởi vì người cho vay bắt buộc phải lựa chọn giải pháp an toàn là ưu tiên số một.

Tâm Dân

;
.
.
.
.
.