Anh Lê Bá Minh, Phó trưởng bộ phận kỹ thuật sản xuất guồng quay cước, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, là một đại diện đầy tự hào cho lực lượng CNVCLĐ thành phố Đà Nẵng khi có sản phẩm được trưng bày tại triển lãm “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam”, một chương trình vinh danh bàn tay tài hoa, tình yêu nghề và trí tuệ của người lao động Việt Nam.
Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen cho 10 cá nhân, tập thể có sản phẩm xuất sắc, tiêu biểu nhất trong chương trình “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam”, anh Lê Bá Minh đứng ở vị trí thứ 3 từ trái sang. |
Trong 30 sản phẩm được chọn ra từ 80 sản phẩm đề cử trong cả nước đại diện cho bàn tay, trí tuệ sáng tạo của người lao động để vinh danh, sản phẩm có tên gọi “Thiết kế, chế tạo máy phay - cắt linh kiện tự động” ở Công ty TNHH Daiwa Việt Nam đã tạo được nhiều ấn tượng bởi giá trị áp dụng vào thực tiễn mà sản phẩm đem lại. Đây cũng là sản phẩm lọt vào Top 10 xuất sắc được nhận Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2017.
Sản phẩm “Thiết kế, chế tạo máy phay - cắt linh kiện tự động” ra đời từ thực tế tại công ty khi có nhiều linh kiện quan trọng đang gia công bằng phương pháp tiên tiến, sử dụng máy CNC hiện đại; trong đó có nhiều linh kiện phức tạp, thời gian gia công một sản phẩm (hay còn gọi là ST) rất dài, mặc dù được thực hiện trên máy móc hiện đại. Điều này dẫn đến năng suất thấp. Một trong các linh kiện phức tạp đang gia công trên máy CNC hiện đại với ST dài là linh kiện “Trục răng xoắn của máy câu cá” - thường gọi là Pinion.
Pinion là linh kiện quan trọng và có giá thành sản xuất cao nhất trong số những linh kiện lắp ráp thành máy câu cá nên luôn được yêu cầu khá cao về độ chính xác. Khi sản lượng tăng cao, máy CNC không đáp ứng được cho sản xuất nên cần phải có máy gia công cắt gọt hỗ trợ. Trước thực trạng đó, anh Minh đã mày mò nghiên cứu, thiết kế máy phay - cắt mặt vát trên linh kiện Pinion.
Để giảm thiểu ST trong quá trình cắt thì trên hành trình cắt, phôi phải được đưa vào vị trí cắt với tốc độ khác nhau. Khi lưỡi dao chạm vật liệu thực hiện việc cắt kim loại thì sản phẩm phải được đưa vào chậm, khi dao hết chạm vật liệu thì phải di chuyển nhanh để tiết kiệm thời gian.
Đối với mô hình máy có sẵn chỉ dùng động cơ thủy lực nên khó khăn trong việc hiệu chỉnh tốc độ cắt; anh Minh nghiên cứu, cải tiến, đưa vào sử dụng động cơ servo và cơ cấu vitme, khắc phục được hoàn toàn nhược điểm của máy cũ. Kết cấu của máy cũng đã đơn giản, ít cồng kềnh và hiệu quả hơn.
Sản phẩm chế tạo thành công, đưa vào vận hành góp phần giảm chi phí đầu tư máy ngoại nhập, tăng năng suất, servo và vitme dễ dàng điều chỉnh, độ chính xác cao, bảo đảm chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, đã tiết kiệm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp 264 triệu đồng; ngoài ra, còn có khả năng áp dụng cho các doanh nghiệp khác để gia công những chi tiết dạng trụ tròn và có mặt vát.
Nói về những trăn trở, nỗ lực nghiên cứu để máy móc vận hành tốt, tạo sản phẩm chất lượng ra thị trường, anh Lê Bá Minh phấn khởi chia sẻ: “Lúc nghiên cứu, cải tiến, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ được giải thưởng này kia; chỉ nghĩ làm thế nào cho máy móc vận hành tốt, sản phẩm đạt chất lượng cao nhất để đưa ra thị trường, bảo đảm uy tín cho công ty. Có như vậy, không chỉ riêng cá nhân tôi mà gần 2.000 người lao động của công ty cũng sẽ có việc làm, thu nhập ổn định”.
Với suy nghĩ tốt đẹp đó, thành quả lao động cuối cùng của người thợ chính là sản phẩm chất lượng và uy tín của công ty. Đây chính là nguồn động lực để họ tiếp tục lao động và cống hiến cho doanh nghiệp và đất nước.
Trà Giang