Cùng với việc đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, công tác quản lý đô thị, trong đó có quản lý về trật tự đô thị, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới. KTS Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, cần kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý trật tự đô thị ở các quận, huyện; qua đó, việc phân cấp quản lý chuyên ngành mới thực sự hiệu quả.
Quản lý trật tự xây dựng đòi hỏi lực lượng có chuyên môn và điều kiện định mức tiêu chuẩn chức danh, chế độ lao động mới phát huy hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong ảnh: Hoạt động xây dựng đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
* Thưa ông, việc thực hiện phân cấp quản lý trong lĩnh vực xây dựng ở thành phố đã được thực hiện như thế nào?
- Những năm qua, Sở Xây dựng đã phân cấp mạnh những nội dung quản lý ngành về các quận, huyện. Trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng thẩm định đồ án, xác nhận quy hoạch, chọn địa điểm quy hoạch... Trên cơ sở các đồ án, dự án quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt đồng thời được chuyển, gửi đến UBND các quận, huyện thực hiện công bố quy hoạch được duyệt, phối hợp các đơn vị liên quan giao mốc quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch. Đây là hoạt động có sự phối hợp xuyên suốt nên lĩnh vực quy hoạch được công khai thông tin và minh bạch.
Trong hoạt động cấp giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng cấp phép đối với công trình công cộng, cấp phép xây dựng nhà ở cho các tuyến đường có lòng đường 10,5m trở lên tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và khoảng 10 tuyến đường có yêu cầu kiến trúc cao ước. Ở các quận, huyện thực hiện cấp phép xây dựng nhà ở các tuyến đường còn lại thuộc địa giới mình quản lý, kể cả trong kiệt, hẻm.
Lĩnh vực hạ tầng đô thị, Sở Xây dựng được UBND thành phố giao quản lý Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị (từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư xây dựng đến vận hành), trong đó nhiệm vụ trực tiếp quản lý, duy trì thường xuyên công trình hạ tầng kỹ thuật tập trung ở các công ty quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật (Công ty Thoát nước và xử lý nước thải, Công ty Điện chiếu sáng, Công ty Công viên cây xanh, Công ty CP Cấp nước). Tuy nhiên, lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng được phân cấp mạnh về quận, huyện. Hiện nay, Phòng Quản lý đô thị của các quận và Phòng Kinh tế hạ tầng (huyện Hòa Vang) thẩm tra, thẩm định đối với các công trình do UBND quận, huyện làm chủ đầu tư. UBND các quận, huyện được giao chủ trì kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình cấp 3, 4 do UBND quận, huyện làm chủ đầu tư.
Về lĩnh vực quản lý trật tự đô thị, từ năm 2010, tại Quyết định số 9365/QĐ-UBND ngày 3-12-2010, UBND thành phố Đà Nẵng phân cấp toàn diện cho Chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã trực tiếp tổ chức xử lý. Theo đó, Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc UBND quận, huyện xử lý hoặc trực tiếp xử lý khi UBND cấp quận, huyện, phường, xã buông lỏng quản lý, không xử lý kịp thời các sai phạm. Đồng thời, tham mưu trình UBND thành phố các biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo quy định tại khoản 4, Điều 10 và Điều 21 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.
Từ những yêu cầu thực tiễn, Sở Xây dựng đã mạnh dạn xây dựng Đề án Phân cấp quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đã trình UBND thành phố xem xét. Theo đó, việc phân cấp được tiến hành trên cơ sở quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân đi lại khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan; giải quyết tình trạng quá tải công việc tại Sở Xây dựng; phân cấp các công việc để các phòng, ban chuyên môn của UBND các quận, huyện đã có đầy đủ điều kiện về nhân lực đảm nhận.
Ngoài công tác quản lý trật tự đô thị, nhiều quận, huyện cần tăng cường nguồn nhân lực quản lý chuyên ngành về hoạt động du lịch - dịch vụ. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
* Việc phân cấp quản lý cụ thể nhưng qua triển khai thực hiện, công tác quản lý trật tự đô thị vẫn có nhiều nỗi lo, chưa thực sự hoạt động hiệu quả?
- Đúng vậy, qua thực tế nổi lên việc quản lý trật tự đô thị chưa chặt chẽ; trong đó có việc phát hiện và ngăn chặn tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Trong 6 tháng đầu năm 2017, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý tổng cộng 326 trường hợp vi phạm hành chính về xây dựng. Số liệu trên cho thấy quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương trong việc xử lý triệt để đối với các công trình vi phạm. Thời gian qua, có một vài công trình nổi cộm được dư luận quan tâm. Các trường hợp này đã và đang được các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương phối hợp, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Với trách nhiệm là người đứng đầu của sở chuyên ngành, theo tôi, việc để xảy ra một số trường hợp xây dựng không phép trên địa bàn thành phố mà báo chí nêu, trách nhiệm chính vẫn do chính quyền UBND cấp quận, huyện. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng có trách nhiệm, cụ thể là mặc dù đã có văn bản đôn đốc xử lý nhưng chưa phối hợp kịp thời với UBND quận, huyện trong quá trình xử lý, không báo cáo UBND thành phố có biện pháp chỉ đạo kịp thời khi UBND quận chậm xử lý.
* Giải pháp tăng cường quản lý trật tự xây dựng cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả phân cấp quản lý trong lĩnh vực xây dựng là gì, thưa ông?
- Sở Xây dựng đã hoàn thành việc tham mưu ban hành các văn bản liên quan về nhiệm vụ phân cấp quản lý xây dựng; theo đó, thực hiện dự thảo chỉ thị về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố, hiện đang trình Thường trực Thành ủy xem xét ban hành. Tiếp theo là Đề án “Một số giải pháp về phòng, chống xây dựng nhà trái phép trong khu quy hoạch trên địa bàn thành phố”. Sở Xây dựng đã trình và chờ ý kiến phê duyệt của UBND thành phố.
Yêu cầu bức thiết hiện nay là cần kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý trật tự đô thị ở cơ sở. Theo báo cáo của quận, huyện, lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có 270 người. Trong đó, cấp quận bình quân có 21 người; cấp phường 127 người/45 phường, bình quân 3,3 người/phường. Số lượng như vậy là không mỏng. Tuy nhiên, năng lực của đội ngũ cán bộ này quá yếu, cụ thể tỷ lệ qua đào tạo chiếm 53,6%; chưa qua đào tạo 46,4% là những con số quá cao. Tỷ lệ cán bộ có chuyên môn về xây dựng từ trung cấp trở lên là 42 người, chiếm 16,6% là tỷ lệ quá thấp. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, về tổ chức, lực lượng này không được quy định trong tổ chức bộ máy hành chính cấp quận, phường nên điều kiện tiêu chuẩn từng chức danh chưa được quy định, chính sách tiền lương, thu nhập chưa tương xứng, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thái độ làm việc và hiệu quả công tác.
Để giải quyết việc này, UBND thành phố đã giao Sở Nội vụ chủ trì, rà soát, đánh giá mô hình tổ chức, tình hình hoạt động và đề xuất, kiến nghị các giải pháp về tổ chức và mô hình hoạt động của các đội kiểm tra quy tắc đô thị quận, huyện. Sau khi tổ chức họp lấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan về dự thảo mô hình tổ chức, hoạt động của lực lượng này vào ngày 1-6-2017, Sở Nội vụ đang hoàn chỉnh, trình UBND thành phố xem xét, quyết định.
* Xin cảm ơn ông!
* Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu: Sẵn sàng thực hiện thí điểm về quản lý trật tự đô thị Việc phân cấp quản lý trong lĩnh vực xây dựng về quận, huyện đã được triển khai hiệu quả. Để tiếp nhận và giải quyết khối lượng công việc khá lớn và yêu cầu cao về chuyên môn, nghiệp vụ, UBND quận Liên Chiểu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị chu đáo về mọi mặt từ kiến thức chuyên môn, con người đến cơ sở vật chất cũng như phương tiện phục vụ cần thiết để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Qua thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực quản lý đô thị: quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng, trật tự đô thị... đã phát huy hiệu quả. Quận Liên Chiểu cũng đã thực hiện thí điểm về công tác quản lý hạ tầng giao thông đến đường có mặt cắt ngang 7,5m; cấp giấy phép xây dựng đến tuyến đường có mặt cắt ngang 10,5m và nhiều nhiệm vụ trong quản lý, phát triển cây xanh đô thị. Việc phân cấp quản lý giúp địa phương chủ động xây dựng đội ngũ quản lý chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian đi lại của công dân, giảm các thủ tục văn bản hành chính, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, trong quản lý trật tự xây dựng đô thị vẫn còn hạn chế nên cần củng cố và nâng cao hơn nữa về trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, nhân viên; cần có cơ chế về chính sách lao động, định mức chức danh. Thời gian qua, quận Liên Chiểu duy trì hiệu quả công tác quản lý đô thị nhờ thực hiện nghiêm việc quy định trách nhiệm người đứng đầu, luân chuyển, xử lý cán bộ quản lý tại các địa bàn vi phạm kéo dài; Đảng ủy các phường ban hành các nghị quyết thực hiện nhiệm vụ tăng cường quản lý trật tự, kỷ cương văn minh đô thị trên địa bàn; triển khai đồng bộ hiệu quả kế hoạch nâng cao năng lực quản lý đô thị các phường. Quận Liên Chiểu hiện mới bảo đảm tối thiểu các tiêu chí để được công nhận quận loại 1. Trong công tác quản lý đô thị, quận cần được bổ sung nhiều nguồn lực để phát triển bền vững. Đối với công tác quản lý đô thị, nhiệm vụ ưu tiên là xây dựng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ được giao, trong đó có các nội dung phân cấp quản lý từ sở chuyên ngành. Là quận đô thị loại 1, quận Liên Chiểu cần có mô hình và hình thức quản lý đô thị mới, trong đó có việc xây dựng lực lượng thanh tra đô thị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. * Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn: Phân cấp quản lý đi đôi với tăng nguồn lực đầu tư Qua thực hiện phân cấp quản lý trong lĩnh vực xây dựng, hiệu quả trong hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính được phát huy. Người dân quận Ngũ Hành Sơn thực sự được hưởng lợi bởi được đáp ứng các dịch vụ công ngay tại địa phương. Công tác quản lý trật tự đô thị đạt được yêu cầu đề ra nhưng thiếu tính bền vững, do thực hiện liên tục dẫn đến có lúc buông lỏng. Nguyên nhân là lực lượng quy tắc đô thị chưa có chế độ chính sách thống nhất... Việc phân cấp quản lý cần đi cùng với tăng nguồn lực đầu tư. Dự án đầu tư được quản lý theo quy hoạch, cân đối chung về kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, phát huy các nguồn lực đầu tư xã hội; tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật liên quan; bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội và bảo vệ môi trường. Quận Ngũ Hành Sơn được định hướng trở thành một quận phát triển về du lịch và dịch vụ. Do đó, công tác quản lý Nhà nước về đô thị cần được tăng cường đầu tư gắn với xây dựng đội ngũ quản lý chuyên ngành, chuyên nghiệp và có chuyên môn cao. Yêu cầu của địa phương không chỉ dừng lại ở việc kiện toàn, nâng cao chuyên môn cho đội ngũ những người làm công tác quản lý đô thị trong lĩnh vực xây dựng mà còn có cả lĩnh vực du lịch - dịch vụ. |
TRIỆU TÙNG thực hiện