Với các chương trình “Điểm hẹn mùa hè”, khai trương mùa du lịch biển..., mùa hè năm nay, Đà Nẵng “bội thu” nguồn khách cả trong nước và quốc tế.
Mỗi ngày có hàng chục chuyến bay thẳng tới Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, đưa lượng khách lớn đến với thành phố biển. |
Công suất phòng khách sạn đạt cao
Theo thống kê của Sở Du lịch, 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng đón hơn 3,2 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khách quốc tế hơn 1,2 triệu lượt, tăng 72,2%; khách nội địa hơn 2 triệu lượt, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 9.400 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016. Một số khu, điểm du lịch như Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, biển Mỹ Khê… luôn đông khách. Tại các cơ sở lưu trú, hè năm nay, lượng khách đến lưu trú, tham quan du lịch đều tăng mạnh.
Lý giải về điều này, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho rằng, Đà Nẵng là điểm đến có sức hút; so với các địa phương lân cận, Đà Nẵng có cơ sở vật chất, hạ tầng tốt, nhiều hoạt động, lễ hội được tổ chức thường xuyên. Các đơn vị lữ hành tập trung khai thác khách đoàn, khách đi theo teambuilding, lượng khách teambuilding của Vitours tăng khoảng 15-20%. Bên cạnh đó, những chuyến bay thẳng mới từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thường xuyên được đưa vào khai thác cũng là cơ hội để tăng nguồn khách đến Đà Nẵng.
So với cùng kỳ năm 2016, Đà Nẵng có thêm 81 cơ sở lưu trú với 3.994 phòng, trong đó có 29 khách sạn quy mô từ 3-5 sao, một số khách sạn như Grandvrio, Seven Sea, Adamo, Luxtery, Paracel... mới đi vào hoạt động nhưng đều có chiến lược kinh doanh tốt, công suất phòng cao, thu hút khá đông khách lưu trú. Khách sạn Seven Sea (đường Võ Nguyên Giáp) dù mới đi vào hoạt động hơn 3 tháng nhưng công suất buồng phòng khá ổn định. Ông Nguyễn Minh, Tổng Giám đốc khách sạn cho biết, công suất buồng phòng của Seven Sea đạt khoảng 93%, lượng khách chủ yếu là khách nội địa, khách Hàn Quốc và Nhật Bản. Để thu hút khách, khách sạn tập trung nâng cao chất lượng và dịch vụ nhằm mang đến sự hài lòng cao nhất cho khách. Ngoài ra, khách sạn còn tham gia các chuyến đi xúc tiến, khai thác các thị trường khách mới, ký kết hợp tác với các hãng lữ hành... để bảo đảm nguồn khách ổn định.
Sẵn sàng phục vụ những sự kiện lớn
Đại diện các cơ sở lưu trú cho rằng, mùa cao điểm khách du lịch là dịp để các khách sạn kiểm tra lại năng lực thực tế của mình, sẵn sàng cho những sự kiện lớn, nhất là Tuần lễ Cấp cao APEC sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Bà Dương Thị Thơ, Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho hay, hiện nay, các khách sạn lớn hay khu nghỉ dưỡng Furama, Hyatt Regency, Intercontinental... đều chuẩn bị rất chu đáo; một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao đã mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất như xây thêm các hội trường, các cơ sở dịch vụ, nhà hàng... để sẵn sàng phục vụ khách của sự kiện APEC. Đồng thời, các khách sạn 4-5 sao do các tập đoàn lớn quản lý đều có chính sách đào tạo đội ngũ nhân viên.
Ông Nguyễn Minh, Tổng Thư ký Hội Khách sạn Đà Nẵng cho rằng, các khách sạn đều có sự chủ động trong việc chuẩn bị đón các sự kiện lớn như liên kết với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo nhân viên; nhất là huấn luyện nhân viên theo tiêu chuẩn riêng các khối thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, những dòng khách đến từ đạo Hồi, Hindu… Khách sạn Seven Sea chú ý đến vấn đề tôn giáo, bố trí 2 phòng cầu nguyện (tối đa 150 khách/phòng) cho dòng khách này.
Theo anh Phạm Việt Cương, Giám đốc khách sạn Sea Phoenix, Tuần lễ Cấp cao APEC là sự kiện quan trọng, có nhiều thị trường khách khác nhau. Vì vậy, các khóa tập huấn ngắn hạn cho nhân viên của các cơ sở lưu trú về việc tiếp đón, phục vụ khách rất cần thiết, giúp khách sạn cập nhật kịp thời thông tin mới; từ đó, cơ sở lưu trú sẽ có sự chuẩn bị, bố trí để đón tiếp khách một cách chu đáo nhất.
Bài và ảnh: THU HÀ