Những ngày giữa tháng 7 này, hàng chục tàu cá của ngư dân miền Trung đánh bắt từ các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc Bộ trở về đất liền bán sản phẩm cho các thương lái. Trên gương mặt của các ngư dân là nụ cười thắng lợi, mặc dù ngoài khơi xa Trung Quốc ngang ngược cấm biển.
Cá thu, cá ngừ đánh bắt từ Hoàng Sa trở về. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Giữa tháng 7, chúng tôi có mặt tại cầu cảng số 3 thuộc Âu thuyền Thọ Quang, có hàng chục tàu cá của ngư dân miền Trung vào neo đậu chờ bán hải sản. Những con tàu làm nghề lưới rê, lưới bùng nhùng, chụp mực và cả tàu giã cào nổ máy chờ đến lượt cân hải sản. Dưới các hầm cấp đông, các loại cá to đánh bắt từ Biển Đông được xếp gọn gàng; một số loại nhỏ hơn xếp vào các khay cá.
Hai tàu cá của lão ngư Lê Văn Xin (quận Sơn Trà) vào cảng từ sớm để cân cá cho thương lái. Ông Xin cho biết, hai tàu cá có công suất trên 500CV/tàu hành nghề chụp mực phía tây bắc ngư trường Hoàng Sa. Chuyến đi khoảng 10 ngày, mỗi lao động có thu nhập trên 6 triệu đồng. “Ở Hoàng Sa mùa này hải sản nhiều. Mặc dù Trung Quốc có lệnh cấm đánh bắt nhưng ngư dân không mấy ai quan tâm bởi thấy lệnh cấm này phi lý”, ông Xin chia sẻ.
Trước đó ít hôm, ngư dân Lê Văn Chiến (quận Thanh Khê) cho tàu trở về để nghỉ trăng. Ông Chiến có nhiều kinh nghiệm đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa nên mỗi chuyến ra khơi ở ngư trường này tàu ông đều khai thác hiệu quả. Trở về sau chuyến biển hơn một tuần, mỗi lao động cũng kiếm được bạc triệu. Giữa tháng 7, tàu ông Chiến đã trở lại Hoàng Sa với mong muốn chuyến biển thắng lợi.
Cũng vào giữa tháng 7, hàng chục tàu Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định về bến và mỗi tàu có ít nhất từ 3-10 tấn hải sản các loại đánh bắt từ Hoàng Sa. Tàu cá QNg 9802 của ông Nguyễn Văn Hòa (trú huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) làm nghề lưới rê ra khơi từ ngày 20-6, đến 12-7 trở về với hơn 12 tấn hải sản các loại. Sau khi bán xong sản phẩm, mỗi lao động nhận hơn 10 triệu đồng tiền công. Trong khi đó, tàu cá của ông Nguyễn Văn Cu (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) hành nghề lưới rê cũng chở về hơn 10 tấn hải sản, trong đó chủ yếu là cá ngừ sọc dưa. Ông Cu cho biết, nhiều tàu trong tổ cũng đánh bắt được nhiều hải sản từ Hoàng Sa.
Lao động trên các tàu cá cho biết, trong thời gian Trung Quốc cấm biển, khu vực Hoàng Sa ít tàu cá hơn trước. Những năm trước, tàu ngư dân Việt Nam ra đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa thường bị tàu Trung Quốc xua đuổi, nhưng những ngày đầu tháng 7 vừa qua thì không có động thái gì. “Năm nào Trung Quốc cũng có hành động cấm biển vào tháng 5 đến tháng 8, trong đó có vùng biển Hoàng Sa. Tuy nhiên, chúng tôi lúc nào cũng có mặt tại ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt hải sản”, anh Nguyễn Văn Hòa cho biết.
Để ngư dân yên tâm bám biển, Hội Nghề cá thành phố đề nghị các lực lượng chấp pháp của Việt Nam cần thường xuyên có mặt trên biển để hỗ trợ ngư dân khi cần thiết. Lực lượng Biên phòng và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn cũng phải sẵn sàng các phương án khi ngư dân có yêu cầu. Có như vậy ngư dân mới thực sự là “cột mốc sống”, những con “mắt thần” kịp thời phát hiện các hành vi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của Việt Nam.
NGỌC PHÚ