Với tình yêu hoa hồng, chàng họa sĩ trẻ đã tự tay trồng nhiều loại hoa hồng trên mảnh vườn được thuê trong một hẻm nhỏ đường Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu). Đến nay, vườn hồng đã khoe sắc với hàng trăm giống hồng. Cũng từ đây, chàng họa sĩ tìm được hướng đi trên con đường mỹ thuật của mình sau thời gian dài gác “cọ” mưu sinh...
Đóa hồng do chính tay chàng họa sĩ trẻ chăm trồng nay đã đi vào tranh và tạo nguồn cảm hứng sáng tác tranh cho con đường nghệ thuật của anh. |
Dáng người thấp đậm, tóc búi “củ tỏi” như ông đồ xưa, Trần Huy Tuân (sinh năm 1981) chậm rãi kể về vườn hồng của mình. Vốn có tâm hồn nghệ sĩ, Tuân rất thích cỏ cây, hoa lá. Một lần nhìn thấy các loài hoa hồng như hồng cổ Sapa, hồng cổ Vân Khôi từ khu vườn một người quen, anh như bị hút hồn. Từ đó, anh ấp ủ phải có một vườn hoa hồng cho riêng mình. Thế là bao nhiêu tích góp từ những dự án trang trí khách sạn lớn được anh sử dụng vào việc thuê khu đất rộng gần 1.000m2 trong một hẻm nhỏ đường Hoàng Văn Thái để trồng hoa.
Thời gian đầu bắt tay cải tạo khu vườn, anh cùng một vài người bạn xới đất, nhổ cỏ tạo dựng nhà tranh, biến nơi đây thành không gian sáng tác nghệ thuật và thưởng thức hoa; diện tích còn lại dành trồng hoa hồng. “Mọi việc tưởng chừng đơn giản nhưng khi bắt tay vào mới thấy không ít gian nan. Bởi ở Đà Nẵng không bán nhiều giống hoa hồng, mình toàn mua ngoài Bắc hoặc trong Nam, mua ít thì phí vận chuyển rất cao, có khi bằng cả tiền cây. Vậy là một lần nữa lao vào “cày” để có tiền theo đuổi giấc mơ hoa, nhập giống hoa trực tiếp từ Thái Lan về vừa chơi và chia sẻ lại cho các bạn cùng chơi ”, Tuân chia sẻ.
Cũng vì trót yêu hoa hồng, chàng họa sĩ kiêm vai trò người làm vườn. Ngoài thời gian vẽ tranh, anh luôn có mặt tại vườn để chăm sóc hoa và lấy đó làm niềm vui. Theo anh, trồng hoa rất vất vả nhưng khi ngắm nhìn những bông hoa nở rộ, thơm ngát nguyên khu vườn khiến mình cảm thấy phấn chấn và thích thú, tạo hứng khởi trong công việc nghệ thuật.
Theo Tuân, hoa hồng hiện nay đã được lai tạo cả ngàn giống loại khác nhau. Thoạt nhìn tương tự nhưng khi trồng và quan sát mới thấy sự khác biệt từ màu sắc, mùi hương, đến từng cọng gai, màu lá; cách hoa nở cho đến khi hoa tàn đều khác nhau. Trong hàng trăm loại hoa tại vườn, anh có thể đọc vanh vách nhiều tên hoa và mùi hương đặc trưng của nó như: Fair Biance mềm mại, tinh khôi, hương nhẹ nhàng; Double Delight hương thơm mạnh, Rouge Royal hương ngào ngạt, Juliet quý phái như chính biệt danh “bông hồng triệu đô”...
Điều đặc biệt, từ chính tình yêu đối với hoa hồng, mỗi ngày tiếp xúc với các loài hoa đã giúp họa sĩ trẻ Huy Tuân tìm hướng đi mới cho con đường nghệ thuật của mình. Huy Tuân tâm sự, thật ra anh chẳng theo trường lớp mỹ thuật nào cả. Năm 1998, anh nuôi giấc mơ thi vào đại học kiến trúc nhưng không thành. Cuộc đời anh hướng lối khác khi anh được nhận vào làm việc tại các phòng tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó nghề dạy nghề... Hơn mười năm nay, anh về sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Cũng như nhiều họa sĩ khác, sáng tác tranh không đủ sống nên Huy Tuân chủ yếu chép tranh theo đặt hàng và trang trí các khách sạn...
“Thời gian dành cho sáng tạo nghệ thuật không nhiều, chỉ dăm ba bức và vẽ không theo một chủ đề nào cả. Nhưng bây giờ, tôi đã có một niềm đam mê để theo đuổi đó là vẽ hoa hồng. Tôi sẽ vẽ chính những cây hồng tôi trồng, bằng tất cả những gì mà tôi cảm nhận về chúng”, Huy Tuân chia sẻ.
Bức tranh đầu tiên về hoa hồng của anh có tên “Nức hương xưa”, khổ 1mx1,8m là bức họa gần như nguyên vẹn vẻ đẹp của loài hoa hồng Fair Bianca. Đây là loài hoa được nhân giống tại nước Anh, năm 1982, hoa có màu trắng hoặc màu kem, dạng cụp cánh đôi mỗi khi nở thường có đến 60 cánh. Giữa tháng 8, “Nức hương xưa” được chọn tham dự triển lãm mỹ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên mở rộng lần thứ 22 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và được Ban tổ chức chọn giới thiệu tham dự giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.
“Tôi đang hoàn thiện bức thứ hai về hoa hồng. Chưa bao giờ cảm hứng sáng tạo trong tôi lại mãnh liệt đến thế. Giống như tôi tự cởi trói cho mình suốt mấy chục năm trong nghề cầm cọ. Tôi sẽ học hỏi và xin ý kiến thêm của đồng nghiệp để hoàn chỉnh loạt tranh về hoa hồng của mình”, Huy Tuấn nói về dự định sắp tới.
Bài và ảnh: HÀ THU