Trong phiên giao dịch ngày 10-8, giá vàng thế giới tăng phiên thứ ba liên tiếp và chạm mức cao nhất trong hai tháng, giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã thúc đẩy hoạt động mua vào vàng như một "kênh trú ẩn" an toàn trong thời kỳ bất ổn.
Giá vàng thế giới cao nhất trong hai tháng. |
Tại New York (Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.284,71 USD/ounce sau khi có thời điểm vọt lên 1.287,73 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 8/6. Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao tháng 12/2017 tăng 0,8% và đóng cửa ở mức 1.290,10 USD/ounce.
Ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia tăng cảnh báo đối với Triều Tiên, nhấn mạnh rằng lời đe dọa trút "lửa cháy và thịnh nộ" lên Bình Nhưỡng có thể chưa đủ cứng rắn. Cùng ngày 10/8, Triều Tiên thông báo chi tiết rằng quân đội nước này đang lên kế hoạch bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào Guam vào giữa tháng Tám này. Trước đó, Triều Tiên tuyên bố đang nghiên cứu kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương bằng tên lửa chiến lược tầm trung Hwasong-12.
Theo nhà phân tích Fawad Razaqzada, thuộc Forex.com, cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục chi phối tâm lý của giới đầu tư. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã sụt giảm khá mạnh và các nhà giao dịch đang chuyển sang đầu tư vào các tài sản an toàn hơn như vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,1% lên 17,08 USD/ounce, sau khi có thời điểm tăng lên 17,24 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 14/6. Trong khi giá bạch kim tăng 0,8% lên 979,85 USD/ounce, sau khi có lúc vọt lên 983,60 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 18/4.
Trong khi đó, giá dầu thế giới đảo chiều giảm trong phiên giao dịch ngày 10/8 sau khi các số liệu mới nhất cho thấy sản lượng khai thác dầu mỏ của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng lên trong tháng Bảy.
Trong phiên này tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2017 giảm 0,97 USD (gần 1%), xuống 48,59 USD/thùng. Trong khi tại London, giá dầu Brent giao tháng 10/2017 cũng giảm 0,80 USD, xuống 51,90 USD/thùng vào cuối phiên giao dịch.
Theo một báo cáo hàng tháng của OPEC, tổ chức này đã tăng sản lượng khai thác thêm 173.000 thùng/ngày, nâng tổng mức khai thác của OPEC lên 32,87 triệu thùng/ngày. Việc sản lượng khai thác dầu thô tăng lên cho thấy các nước thành viên OPEC đang gặp khó khăn trong việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung để góp phần cân bằng thị trường dầu thô.
Hồi tháng Năm vừa qua, các nước thành viên OPEC và một số quốc gia khác, trong đó có Nga, đã nhất trí duy trì cam kết cắt giảm sản lượng khai thác đến đầu năm 2018 nhằm giảm tình trạng nguồn cung dư thừa, nguyên nhân khiến dầu mỏ rớt giá. Mặc dù giá dầu thô đã nhích lên đôi chút song không thể tiếp tục tăng mạnh do một số nước xuất khẩu dầu mỏ đã khai thác nhiều hơn so với mức đã cam kết hồi tháng 11 năm ngoái, làm tăng nghi ngờ khả năng thực thi thỏa thuận của các nước thành viên OPEC.
Theo baotintuc.vn