Nhân lực cho Khu công nghệ cao

.

Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng đang được xây dựng và hoàn thiện về cơ sở hạ tầng lẫn giá trị thương hiệu. Đây cũng là giai đoạn cần tập trung thu hút nguồn nhân lực cho hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D).

Hợp tác đào tạo nhân lực nghiên cứu và phát triển là yêu cầu cấp thiết đối với phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng.  TRONG ẢNH: Giám đốc Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam (trái) và Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng Phùng Tấn Viết ký kết thỏa thuận hợp tác.
Hợp tác đào tạo nhân lực nghiên cứu và phát triển là yêu cầu cấp thiết đối với phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Giám đốc Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam (trái) và Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng Phùng Tấn Viết ký kết thỏa thuận hợp tác.

Điểm lại các chức năng của Khu CNC Đà Nẵng, Phó Ban quản lý Khu CNC Đoàn Ngọc Hùng Anh nói: “Ưu tiên hàng đầu là chức năng nghiên cứu và phát triển, ươm tạo CNC, bởi đây chính là yếu tố phân biệt giữa một khu CNC và một khu công nghiệp CNC”. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, các bài học thành công từ một số khu CNC thế giới như thung lũng Silicon (Mỹ), khu Pangyo Technovalley (Hàn Quốc) đều có điểm chung: cần một hệ thống R&D theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có sự gắn kết bền vững giữa khu CNC, trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực.

Cần nhiều chính sách thu hút, đào tạo nhân lực

Sau 7 năm kể từ khi có quyết định thành lập, Khu CNC Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ đầu tư chậm, quy mô chưa phát triển tương ứng với tiềm năng, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Trưởng ban Kế hoạch-Đầu tư Khu CNC nhận định: “Hiện nay, việc tham gia của các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu vào sự phát triển của Khu CNC Đà Nẵng còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở việc thiết lập mối quan hệ hợp tác, phối hợp triển khai một số hoạt động”. Ông Đại lý giải, để có thể đi sâu vào hoạt động đào tạo nhân lực, nghiên cứu CNC, cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, có cơ chế phối hợp đào tạo, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Thực tế, Đà Nẵng có nhiều chính sách tiên phong trong việc thu hút và đào tạo nguồn nhân lực nhưng con số này không nhiều đối với nhân lực tại Khu CNC. Chẳng hạn, Quyết định 36/2013/QĐ-UBND của Đà Nẵng cho phép các chuyên gia trong nước và nước ngoài làm việc tại các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp trong Khu CNC được hỗ trợ tiền thuê nhà trong 6 tháng làm việc đầu tiên (không quá 2 triệu đồng/tháng), giải quyết một phần vấn đề nhà ở. Tuy nhiên, các vấn đề về thu nhập, điều kiện làm việc, môi trường sống vẫn chưa có chính sách nổi trội so với các địa phương khác. Điều này gây khó khăn cho Khu CNC trong việc thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc.

Cần thu hút nhân lực nghiên cứu - phát triển tại Khu công nghệ cao ngay trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tránh bỏ lỡ cơ hội.  												         Ảnh: KHANG NINH
Cần thu hút nhân lực nghiên cứu - phát triển tại Khu công nghệ cao ngay trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tránh bỏ lỡ cơ hội. Ảnh: KHANG NINH

Hợp tác với các trường đại học

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chính vì Khu CNC Đà Nẵng đang trong giai đoạn xây dựng nên mối quan hệ với các tổ chức nghiên cứu, trường đại học cần được xem xét ngay từ giai đoạn đầu để tránh bỏ lỡ cơ hội. Thực tế cho thấy, chu kỳ công nghệ của thế giới đang ngày càng được rút ngắn nên bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể gây ảnh hưởng đến việc phát huy lợi thế (tính mới, tính tiên phong) của công nghệ; thậm chí có thể mất cơ hội tạo ra lợi nhuận độc quyền và phải trả chi phí khắc phục chậm trễ. Theo ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, năm 2013, Ban quản lý Khu CNC khảo sát 12 cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố, vừa bước đầu tạo quan hệ, vừa thu thập cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động thu hút đầu tư và triển khai các kế hoạch hợp tác lâu dài về sau. Hiện tại, Khu CNC có 2 trường đại học xây dựng dự án đầu tư cơ sở đào tạo và nghiên cứu.

Nhìn nhận chiến lược phát triển Khu CNC Đà Nẵng đến năm 2030, Trưởng Ban quản lý Khu CNC Phùng Tấn Viết khẳng định: Việc định hướng tham gia của các trường đại học, tổ chức nghiên cứu vào Khu CNC Đà Nẵng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, thương mại hóa CNC, ươm tạo doanh nghiệp phục vụ cho sự phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.

Đầu tháng 8 này, Ban quản lý Khu CNC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Đà Nẵng nhằm xác định mục tiêu, tầm nhìn phát triển chung giữa hai bên. GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhận định, đối với các trường đại học, việc liên kết với Khu CNC mang lại nhiều lợi ích như: phát huy nguồn lực giáo viên và sinh viên, hình thành rõ ràng bộ tiêu chuẩn đào tạo nguồn nhân lực CNC, tạo động lực cho nhà trường đầu tư đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy… Đối với Khu CNC, việc hợp tác này cũng là tiền đề để thành lập 3 trung tâm R&D trong tương lai, gồm Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp CNC và Trung tâm Đào tạo trong khu CNC. “Việc kết hợp mạng lưới đối tác quốc tế của Đại học Đà Nẵng và Khu CNC cũng sẽ mở ra định hướng mới để thu hút các nguồn lực nghiên cứu tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thương mại hóa công nghệ - không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, ông Phùng Tấn Viết nói.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.