Tại hội thảo “Hợp tác và phát triển dịch vụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây” (EWEC), do Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố tổ chức chiều 10-8, các chuyên gia đã phân tích những tác động của cộng đồng kinh tế ASEAN sau năm 2015 đối với các địa phương trên tuyến EWEC và chương trình phối hợp của Chính phủ Việt Nam; cơ chế, chính sách xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn; triển vọng phát triển thương mại xuyên biên giới; liên kết du lịch và phát triển dịch vụ logistics của các quốc gia trên tuyến EWEC. Trên cơ sở đó, các đại biểu đưa ra một số giải pháp thúc đẩy hợp tác mạnh hơn trong phát triển thương mại - dịch vụ.
Theo đánh giá chung, việc hợp tác của các nước trên tuyến EWEC trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại từ việc phát triển tuyến hành lang này còn nhiều bất cập, nhiều rào cản chưa thể giải quyết như vấn đề cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và logistics, hoàn thiện cơ chế chính sách, thủ tục hải quan cũng như giải quyết các vấn đề xã hội.
Đà Nẵng hiện có gần 30 doanh nghiệp có quan hệ ngoại thương với các nước trên EWEC. Quan hệ hợp tác thương mại giữa Đà Nẵng và các địa phương các nước trên tuyến EWEC trong những năm qua có bước phát triển. Việc trao đổi, mua bán thuận lợi hơn, kim ngạch mua bán xuất khẩu hai chiều tăng qua các năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang các nước EWEC năm 2016 ước đạt 32,3 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 27,6 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu từ các nước EWEC vào Đà Nẵng năm 2016 ước đạt 32 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 18,5 triệu USD.
DUYÊN ANH