Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ này đang chuẩn bị cho việc tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Theo dự kiến, báo cáo tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài sẽ kế thừa kết quả nghiên cứu từ Báo cáo tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài; đồng thời khảo sát và đánh giá thực trạng đầu tư nước ngoài trong 5 năm (2012-2017) trên cơ sở đánh giá tình hình thu hút và quản lý FDI của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia.
Báo cáo bao gồm đánh giá chuyên sâu vào các vấn đề nổi bật của đầu tư nước ngoài trong thời gian qua như công nghiệp hỗ trợ, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, công nghệ và chuyển giao công nghệ, vấn đề môi trường của các dự án FDI, thu hút FDI vào cơ sở hạ tầng, nông nghiệp hiệu quả cao, dịch vụ chất lượng cao, các vấn đề ưu đãi, thuế, công tác quản lý nhà nước về FDI, công tác hỗ trợ nguồn lực đầu vào cho FDI, quan điểm, định hướng thu hút FDI trong thời gian tới...
Luật đầu tư nước ngoài được ban hành vào năm 1987. Trải qua 30 năm thực hiện, khu vực đầu tư nước ngoài đã không ngừng mở rộng và phát triển, đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Đầu tư nước ngoài đã trở thành một khu vực phát triển năng động, đóng góp tích cực vào các thành tựu tăng trưởng, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn xã hội, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, tạo việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cả về máy móc, thiết bị, tri thức và kinh nghiệm quản lý, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế...
Bên cạnh đó, khu vực đầu tư nước ngoài còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Cụ thể là hiệu quả tổng thể vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, giá trị gia tăng và khả năng tham gia chuỗi giá trị thấp; định hướng thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, đối tác còn hạn chế; mục tiêu thu hút công nghệ chưa đạt yêu cầu, hiệu ứng lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế; còn tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường, thuế, chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI...
Hơn nữa, trong những năm gần đây, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới và bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, thời gian tới, xu hướng nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam sẽ giảm dần và không được hưởng ưu đãi cao.
Các nước phát triển và các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới đang điều chỉnh chiến lược đối ngoại và kế hoạch đầu tư.
Các nước đang phát triển luôn chủ trương cải thiện môi trường đầu tư nên tính cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng gay gắt trong khu vực và quốc tế. Việc phân tích, đánh giá tình hình đầu tư nước ngoài 30 năm qua trước những bối cảnh nêu trên là hết sức cần thiết.
Theo Vietnam+