Văn hóa chợ và văn minh đô thị

.

Chợ không chỉ đơn thuần là lĩnh vực kinh tế mà còn là biểu trưng văn hóa Việt rõ nét. Chợ là nơi cung cấp hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm chủ yếu cho các khu vực dân cư, đồng thời giúp thỏa mãn nhu cầu thiết yếu, sở thích mua sắm. Đặc biệt, xét dưới góc độ văn hóa, chợ lưu giữ phong tục tập quán của một vùng miền, đôi khi còn góp phần lưu giữ gần như “độc quyền” một giá trị văn hóa nào đó.

Chợ Hàn nằm ở trung tâm thành phố.  	                 Ảnh: KHÃ THỊNH
Chợ Hàn nằm ở trung tâm thành phố. Ảnh: KHẢ THỊNH

Do vậy, bất kỳ nơi nào nếu đã hình thành điểm dân cư đều có một cái chợ riêng cho mình, yếu tố “thị” có ý nghĩa quan trọng ghi dấu lịch sử hình thành của một đô thị. Có thể vì lẽ đó mà chợ có sức lôi cuốn, hấp dẫn đặc biệt không chỉ đối với người dân địa phương mà cả du khách.

Thực trạng chợ hiện nay

Qua khảo sát thực tế một số chợ khu vực nội thị thời gian qua, hình ảnh thường gặp là sự lộn xộn từ trong ra ngoài, từ chuyện đậu, đỗ xe đến hàng quán lấn chiếm vỉa hè, xả rác, buôn bán hàng rong chiếm dụng lòng, lề đường. Vào nhà lồng chợ dễ dàng nhận ra việc sắp xếp quầy hàng thiếu khoa học, hàng tươi sống nằm ngay cạnh hàng thức ăn chín, hàng ăn uống nấu nướng ngay trong nhà lồng chợ rất dễ gây cháy, nổ. Các ki-ốt bán hàng tạp hóa thường rơi vào tình trạng ế ẩm, nhiều ki-ốt phải đóng cửa bởi người ta bày bán đầy bên ngoài khu chợ. Không khí các nhà lồng chợ ngột ngạt, thiếu ánh sáng, thiếu thông thoáng tự nhiên nên người có nhu cầu mua sắm cũng e ngại vào.

Đó là chưa kể cả lối đi lại nhiều khi bị thu hẹp bởi chủ hàng tranh thủ lấn thêm một ít không gian để bày biện hàng hóa. Lo ngại nhất chính là sức khỏe của các tiểu thương buôn bán trong nhà lồng chợ, quanh năm suốt tháng sống trong môi trường ô nhiễm, rủi ro luôn rình rập... Điều đáng nói ở đây chính là do thiếu sự nhất quán, có nơi có chỗ buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng buôn bán ngay trên vỉa hè, lòng đường, kéo theo nhiều hệ lụy trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị mà chính quyền các cấp đang dày công thực hiện. Quan trọng hơn, nó góp phần nuôi dưỡng thói quen tùy tiện rất cần phải gạt bỏ khi trở thành người dân thành thị. Người mua nghĩ rằng, việc gửi xe sẽ mất thời gian và phải chui vào cái nhà lồng chợ làm gì cho nóng nực, người bán thì cố gắng chui ra khỏi cái nhà lồng chợ để bảo đảm sự “tiện ích” cho người mua. Vậy là sinh ra cảnh nhốn nháo, mất trật tự, hàng hóa thiếu kiểm soát về an toàn thực phẩm... Hơn nữa, mấy ai nghĩ rằng chính sự tùy tiện đó không chỉ gây nên hình ảnh khu chợ nhếch nhác, mà sâu xa hơn còn tạo điều kiện để duy trì nếp sống rất thiếu văn minh, tiện đâu làm đó, bạ đâu bày biện đó, thói quen vài phút tranh thủ tạt ngang tiện mua vài thứ, chen nhau từng khoảng trống vỉa hè, lòng đường để mong bán được đắt hàng... Vậy là chiếc xe máy vẫn là phương tiện phù hợp nhất cho lối sống kiểu “tiện đâu ghé đó” và tất yếu những kế hoạch phát triển giao thông công cộng tiêu tốn bao nhiêu tiền của sớm muộn gì cũng thất bại.

Suy ngẫm về một số giải pháp

Để thay đổi một thói quen, hay hình thành hình ảnh văn minh tại các chợ không phải nói là làm được ngay, càng không phải thay đổi một sớm một chiều. Để dần có những thay đổi nhất định, tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, về quy hoạch, nên chăng cần rà soát quỹ đất hiện có xung quanh khu chợ, bổ sung đất đai để mở rộng quy mô đối với các chợ có nhu cầu mua bán lớn, bổ sung các hạng mục chức năng phụ trợ như bãi xe, khu vực bán hàng tươi sống, khu chứa rác thải... Nghiên cứu giải pháp hình thành thêm khu chợ đêm tại các chợ thuận lợi thu hút khách du lịch đến mua sắm, ăn uống nhằm bổ sung dịch vụ cho hoạt động du lịch của thành phố.

Về góc độ kiến trúc, sớm cải tạo các nhà lồng chợ bảo đảm thông thoáng tự nhiên, bổ sung các trang thiết bị cứu hỏa, tuân thủ các quy chuẩn trong thiết kế bảo đảm nghiêm các điều kiện về thoát người khi có sự cố và nhất là tăng cường các giải pháp thu thoát nước bảo đảm vệ sinh môi trường; tổ chức sắp xếp, bố trí lại các gian hàng bảo đảm khoa học và hiệu quả trong kinh doanh, thực tế không gian tầng 2 các khu nhà lồng chợ khai thác rất kém hiệu quả. Đối với các loại hình kinh doanh dễ gây cháy nổ, cần bảo đảm cách ly an toàn để hạn chế thấp nhất các rủi ro.

Về quản lý, thực tế cho thấy, việc giao cho các Ban quản lý chợ chịu trách nhiệm quản lý trong khuôn viên chợ, phần lòng đường và vỉa hè phía khu phố chợ lại chịu sự quản lý của phường/xã là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, đậu đỗ xe tràn lan, mất vệ sinh, cạnh tranh không lành mạnh, đùn đẩy trách nhiệm... Thiết nghĩ thành phố sớm rà soát và có giải pháp quản lý bảo đảm chặt chẽ và khoa học hơn, có sự phân cấp quản lý và trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.

Cuối cùng, mặc dù mạng lưới siêu thị và trung tâm thương mại hiện phát triển rộng khắp trên địa bàn thành phố, nhưng chợ vẫn là nơi mua sắm chủ yếu của người dân. Ngoài ra, chợ còn là nơi giải quyết số lượng lớn việc làm cho người lao động, tạo kế sinh nhai cho hàng vạn người dân của thành phố. Do đó, các giải pháp lập lại trật tự khu chợ, phố chợ nên chú trọng đến vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho những người dân đang sống bằng nghề buôn bán tại các chợ.

Theo thống kê hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng có tất cả 70 chợ (8 chợ loại 1, 22 chợ loại 2 và 40 chợ loại 3) phân bổ đều khắp trên địa bàn (54 chợ nội thị, 16 chợ nông thôn); trong đó một số chợ đã được đầu tư mới hoặc nâng cấp sửa chữa, chỉnh trang, góp phần đáp ứng yêu cầu phân phối hàng hóa, nơi giao thương mua bán. Một số chợ đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư (chợ Mai, chợ Mới Ba xã) và chợ đầu mối nông sản Hòa Phước.

TÔ HÙNG

;
.
.
.
.
.