Cây xanh, công viên, mặt nước là những thành tố quan trọng trong cấu trúc đô thị. Đó không chỉ là lá phổi xanh, điều hòa không khí, cải thiện ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan đô thị…, mà còn gắn bó thân thiết với con người, môi trường sống và sự phát triển của đô thị.
Việc đầu tư phát triển cây xanh ở Đà Nẵng thời gian qua tập trung vào các vệt tuyến đường giao thông mới, các khu đô thị và khu dân cư (KDC) mới. Tuy nhiên, việc phát triển đồng loạt một vài loại cây trồng làm không gian cây xanh quá đơn điệu.
Hàng loạt KDC khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đâu đâu cũng thấy lim xẹt (phượng vàng). Không lim xẹt thì trồng cây sao đen. Nhiều KDC mới trên địa bàn huyện Hòa Vang cũng trồng sao đen làm cảnh quan vùng nông thôn lạ lẫm so với hình ảnh bóng cau, rặng dừa. Nhìn vào hiện trạng đầu tư phát triển cây xanh đô thị, nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống cây xanh của Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng về môi trường cảnh quan; tỷ lệ diện tích cây xanh, cơ cấu cây trồng chưa hợp lý.
Công tác quản lý cây xanh cũng đặt ra nhiều vấn đề. Một tháng qua, dư luận bức xúc về việc triển khai kế hoạch cắt tỉa, phòng chống ngã đổ cây xanh trước mùa mưa bão. Công ty Công viên cây xanh, UBND các quận, huyện thực hiện cắt tỉa cây xanh chưa thực sự khoa học. Một số đơn vị, cá nhân được giao hợp đồng xe thu gom cành, máy cẩu cùng lao động phổ thông dùng máy cưa tham gia cắt cành.
Việc thực hiện này bỏ qua các thao tác nghiệp vụ kỹ thuật về chăm sóc phát triển cây xanh, dẫn đến xâm hại cây xanh đô thị. Theo Sở Xây dựng, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ quản lý và phát triển cây xanh còn bất cập, thiếu đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ; bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật lĩnh vực cây xanh cũng thiếu, chưa thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, công nhân lành nghề còn hạn chế.
Tại hội thảo về quy hoạch phát triển đô thị diễn ra trong tháng 8 vừa qua, Tiến sĩ - kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận, phát triển cây xanh đô thị ở Đà Nẵng “thiếu tính chiến lược, giải pháp chưa đồng bộ”.
Với nền tảng đầu tư phát triển đô thị hiện nay của thành phố, vấn đề cấu trúc mảng xanh cho đô thị cần được đặt ra. Chiến lược phát triển cây xanh đô thị cho Đà Nẵng phải mang tính tổng thể và có tầm nhìn đột phá.
Phát triển cây xanh đô thị đã trải qua một giai đoạn khó khăn, đó là giải bài toán trồng cây gì phù hợp với thách thức về điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa có mưa bão ở vùng ven biển của Đà Nẵng. Nhiều kiến trúc sư, chuyên gia đều đề xuất xây dựng chiến lược với 3 nền tảng cốt lõi. Đó là bảo tồn hệ thống cấu trúc khung tự nhiên từ quy hoạch để phát triển bền vững dựa vào lưu vực sông, các dãy núi, gò đồi; cụm tuyến khu vực dân cư, địa danh vùng và xứ đất, xứ đồng.
Quy hoạch phát triển cây xanh cần có tính đột phá để thiết kế trồng cây xanh theo chủ đề từng đoạn đường, góc phố, tránh quy hoạch trồng đại trà, tràn lan để đô thị có đặc tính riêng, bản sắc riêng. Chiến lược phát triển cây xanh cốt lõi của đô thị Đà Nẵng cần khai thác vùng cảnh quan, nhất là mặt nước từ sông, biển, tạo dựng hình ảnh đô thị nước. Một tầm nhìn tổng thể cho phát triển cây xanh đô thị Đà Nẵng có sự chuyển tiếp mạch lạc từ hình ảnh đô thị nước ở vùng sông, biển đến đồng bằng và giao thoa với vùng cảnh quan núi đồi ở phía tây thành phố.
TRIỆU TÙNG