Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ

.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân từng nhận định, doanh nghiệp KHCN là hội tụ của 3 giá trị nổi bật: sức trẻ, sức sáng tạo; lấy tri thức KHCN làm nòng cốt và có tinh thần doanh nghiệp. Được kỳ vọng là thế hệ doanh nghiệp mới trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp KHCN được ưu tiên phát triển mạnh mẽ với những chính sách ưu đãi về thuế, quy trình thành lập, kinh phí hỗ trợ…

Bộ phận kỹ thuật Công ty CP Công nghệ QCM vận hành thử nghiệm máy đóng gói cháo tự động.
Bộ phận kỹ thuật Công ty CP Công nghệ QCM vận hành thử nghiệm máy đóng gói cháo tự động.

Chính sách đột phá với nhiều ưu đãi

Theo số liệu từ Sở KH&CN, đến nay sở đã cấp 4 giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN, gồm Công ty CP KHCN An Sinh Xanh, Công ty CP Dược Danapha, Công ty TNHH Châu Đà, Công ty CP Công nghệ QCM và đang thẩm định hồ sơ để cấp giấy chứng nhận cho Công ty CP Bê-tông nhẹ Đà Nẵng.

Thực tế, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách mang tính đột phá nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp KHCN, trong đó doanh nghiệp KHCN được chọn hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời gian 15 năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ các hoạt động này; hoặc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế nếu đáp ứng được điều kiện về tỷ lệ doanh thu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp KHCN được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hưởng các hỗ trợ ưu đãi từ Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia theo cơ chế tài chính của các quỹ này. Doanh nghiệp cũng được hưởng các dịch vụ tư vấn, đào tạo từ các cơ sở ươm tạo, được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm trọng điểm, cơ sở ươm tạo.

Công ty CP Công nghệ QCM được thành lập năm 2011 bởi một nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Năm 2014, nhận thấy nhu cầu sử dụng máy phân loại cỡ tôm của thị trường rất lớn, công ty đã nghiên cứu, thiết kế cho ra đời các loại máy sản xuất phân cỡ tôm. Tuy nhiên, trong thời gian đầu hoạt động, công ty gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn đầu tư, không có xưởng sản xuất, chưa tạo được niềm tin ở khách hàng do còn non trẻ…

Nhận thấy đây là doanh nghiệp cần được ươm tạo về công nghệ, Sở KH&CN Đà Nẵng đã chủ động hỗ trợ Công ty CP Công nghệ QCM ươm tạo công nghệ theo Quyết định 08/2012/QĐ-UBND. Tháng 12-2015, công ty được hỗ trợ 150 triệu đồng cho dự án nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt và chuyển giao máy phân cỡ tôm điện tử. Nhờ đó, công ty đã sản xuất thành công sản phẩm máy phân cỡ tôm điện tử và hiện trở thành đối tác phân phối các sản phẩm phân loại tôm, băng chuyền… cho các công ty chế biến thủy sản không chỉ tại Đà Nẵng mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành phố phía nam.

Ông Nguyễn Thành Chương, Giám đốc Công ty CP Công nghệ QCM cho biết, để có những thành công như ngày hôm nay, một phần nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của quỹ để đầu tư nghiên cứu chế tạo thành công máy phân cỡ tôm điện tử. Việc trở thành doanh nghiệp KHCN cũng mang lại nhiều thuận lợi, trong đó phải kể đến việc được tiếp cận vốn vay từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, được miễn phí giới thiệu sản phẩm thông qua các hội nghị, hội thảo về KHCN…

Cần sự chủ động từ doanh nghiệp

Theo ông Phạm Tiên Phong, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở KH&CN Đà Nẵng, doanh nghiệp KHCN là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KH&CN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động trong việc đầu tư nghiên cứu KHCN để tạo ra các sản phẩm mới.

Mặc dù có những chính sách ưu đãi nhưng vẫn có không ít doanh nghiệp tỏ ra e ngại khi phải xây dựng dự án sản xuất kinh doanh, đồng thời chứng minh việc sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp các kết quả nghiên cứu KHCN. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu nên không quan tâm đăng ký và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không đủ điều kiện được chứng nhận doanh nghiệp KHCN.

Mặt khác, có những doanh nghiệp KHCN vẫn trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ phía Nhà nước mà chưa chủ động đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất. Các doanh nghiệp KHCN đều hiểu đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ hiện đại là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển nhưng lại không đủ bản lĩnh để đầu tư và theo đuổi bài bản, bởi đây là hoạt động không phải trong thời gian ngắn đã mang lại hiệu quả. Vì vậy, cần có sự chủ động cũng như quyết tâm từ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp KHCN để có thể trở thành ngôi sao sáng trên con đường hội nhập và phát triển.

Bài và ảnh: TRẦN HIẾU

;
.
.
.
.
.