Phát triển vùng dược liệu cho Đà Nẵng

.

Trồng dược liệu nghệ vàng và đinh lăng đang là hướng đi mới của Công ty CP Dược Danapha Đà Nẵng với định hướng tạo ra những giống cây hợp thổ nhưỡng theo quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời giúp tạo việc làm cho người dân địa phương.

Ông Phan Hiền Lương kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây nghệ vàng.
Ông Phan Hiền Lương kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây nghệ vàng.

Chúng tôi đến cánh đồng nghệ vàng của Danapha tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) khi công ty vừa hoàn thành xây dựng vườn ươm giống và trồng được khoảng 1,5ha gốc nghệ vàng. Ông Phan Hiền Lương, Phó Giám đốc Nhà máy Đông dược GMP, Công ty CP Dược Danapha cho hay, dự án trồng dược liệu nghệ vàng và đinh lăng đã được Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), UBND thành phố và Bộ KH-CN phê duyệt, triển khai từ tháng 10-2016.

Dự kiến dự án thực hiện từ tháng 10-2016 đến tháng 4-2020 với quy mô 5ha nghệ vàng và 5 ha đinh lăng. Những gốc nghệ vàng tại đây được trồng từ tháng 4; trong tháng 9 tới, công ty sẽ triển khai trồng 1ha gốc đinh lăng. Những năm tiếp theo, công ty sẽ triển khai đủ diện tích theo quy mô của dự án.

Do đây là mô hình mới, bà con nông dân lâu nay trồng nghệ tại nhà cũng chỉ vài gốc tự phát nên việc chăm sóc vườn nghệ ban đầu gặp khó khăn. Bà Nguyễn Thị Phượng, nông dân chăm sóc nghệ vàng tại vườn cho biết, khu đất này trước đây bỏ hoang do đất đai không màu mỡ. Vì vậy, việc trồng nghệ vàng và đinh lăng phải rất kiên trì mới đạt hiệu quả.

Ngoài đất đai, thời tiết nắng nóng kéo dài cũng gây bất lợi, việc tưới tiêu cho nghệ vàng cần thường xuyên. Cỏ tại vùng này chủ yếu là cỏ chát, cỏ lông heo sinh trưởng rất nhanh nên việc làm cỏ cũng phải kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây nghệ. Mỗi ngày tại vườn có khoảng 5-6 nông dân làm cỏ, bón phân, chăm sóc. Dự án mới triển khai nhưng bước đầu tạo việc làm và thu nhập khá ổn định cho người dân trong vùng.

Hòa Vang là vùng đất có tiềm năng lớn phát triển trồng cây dược liệu nhưng diện tích và mô hình trồng dược liệu trên địa bàn huyện chưa phát triển. Vì vậy, với dự án này, ông Lương cũng cho biết, trong quá trình triển khai, dự án sẽ hỗ trợ cho người dân toàn bộ giống dược liệu nghệ vàng và đinh lăng; hướng dẫn kỹ thuật ươm giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế các dược liệu nghệ vàng, đinh lăng. Đồng thời, khi dự án hoàn thiện, công ty sẽ ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các nông hộ tham gia dự án; tổ chức thêm các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, sơ chế các dược liệu nghệ vàng, đinh lăng theo tiêu chuẩn, thực hành tốt trồng và thu hái cây làm thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (Tiêu chuẩn GACP - WHO).

Hiện nay, nhu cầu sử dụng dược liệu nghệ vàng và đinh lăng làm thuốc rất lớn. Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2030 đối với nghệ vàng cần trồng trên diện tích 1.200ha sản lượng dự kiến cần 24.000 tấn, đinh lăng 600ha sản lượng dự kiến 600 tấn. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng, thực phẩm gia vị, chất màu và các ứng dụng khác của loại dược liệu này cũng rất lớn. Tuy nhiên, diện tích trồng nghệ vàng và đinh lăng hiện chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của ngành dược.

Lãnh đạo Danapha nhìn nhận, việc sản xuất nghệ vàng và đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO là nhu cầu bức xúc của ngành dược cả nước nói chung và Danapha nói riêng nhằm đưa việc sản xuất dược liệu theo hướng hàng hóa, quy mô công nghiệp với chất lượng cao và an toàn.

Vì vậy, để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trồng dược liệu một cách bền vững, Danapha quyết định đầu tư mô hình trồng 2 loại dược liệu này 10ha tại Hòa Vang. Ông Lương cho biết, dự án không những mang lại thu nhập đáng kể cho người lao động, tạo ra hướng mới trong ứng dụng KH-CN vào sản xuất, mà còn góp phần tích cực trong đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

“Khi dự án hoàn thiện, còn cung cấp trực tiếp nguồn nguyên liệu dược liệu có chất lượng cao cho Danapha để bào chế ra nhiều sản phẩm thuốc chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; cung cấp nguồn dược liệu đạt chuẩn cho các đơn vị trong sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và tiêu dùng trong cả nước với giá thành hợp lý…”, ông Lương khẳng định.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.