Tận dụng nguồn lực quốc tế để hỗ trợ khởi nghiệp

.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành điểm đến khởi nghiệp và sáng tạo của khu vực ASEAN vào năm 2030, Đà Nẵng cần rất nhiều sự hỗ trợ của các nguồn lực khởi nghiệp quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Võ Duy Khương (thứ hai, từ trái sang) cùng chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Dominic Mellor (giữa) và lãnh đạo Vườn ươm doanh nghiệp thành phố tham quan gian hàng tại Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp SURF 2017.
Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Võ Duy Khương (thứ hai, từ trái sang) cùng chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Dominic Mellor (giữa) và lãnh đạo Vườn ươm doanh nghiệp thành phố tham quan gian hàng tại Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp SURF 2017.

Nhớ lại thời điểm cuối năm 2014 khi hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng còn trong giai đoạn phôi thai, chị Phạm Thùy Liên, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo (Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng) cho hay: “Cột mốc đầu tiên là lúc chương trình “Đối tác đổi mới sáng tạo Phần Lan (IPP)” (được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Phần Lan đồng tài trợ) tổ chức hội thảo “Hợp tác đổi mới sáng tạo” lần đầu tiên tại Đà Nẵng. Hơn một năm sau đó, IPP cùng Câu lạc bộ Kiến tạo khởi nghiệp Đà Nẵng 9StartLab và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố phối hợp tổ chức nhiều sự kiện, xây dựng các chương trình đổi mới sáng tạo với mục tiêu cho ra đời một hệ sinh thái năng động, kết nối và hiệu quả”.

Ra đời khá muộn so với nhiều hệ sinh thái khởi nghiệp khác trong nước và khu vực, môi trường khởi nghiệp Đà Nẵng có lợi thế khi có được sự đồng hành của chính quyền thành phố. Trong đó, vấn đề hợp tác quốc tế được chú trọng và đẩy mạnh. Bằng việc tham gia và mở rộng các mạng lưới nhà đầu tư, nhà tư vấn, vườn ươm, chương trình tăng tốc…, Đà Nẵng có cơ hội trao đổi, học tập mô hình hoạt động khởi nghiệp và xây dựng cơ chế hợp tác.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố, kể từ năm 2015, Đà Nẵng đã tiếp đón và làm việc với gần 20 đối tác quốc tế về khởi nghiệp, trong đó có Đại sứ quán Israel, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Dự án Sáng kiến khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI), Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP), Viện Nghiên cứu khởi nghiệp Zifet (Đức), Đại học Arizona (Mỹ)… Việc xây dựng mạng lưới kết nối quốc tế giúp giới thiệu chương trình khởi nghiệp của thành phố, vận động nguồn tài trợ, đào tạo nhân sự khởi nghiệp, hỗ trợ tư vấn, chuyển giao công nghệ…

TS. Vũ Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (Vườn ươm doanh nghiệp thành phố) nhận định: “Nếu chỉ dựa vào nội lực với dân số hơn 1 triệu người, Đà Nẵng khó có thể bứt phá sau giai đoạn phát triển nhanh chóng ban đầu. Phải tính đến việc thu hút các nguồn lực quốc tế, đặc biệt là sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được áp dụng đầy đủ vào năm 2018”. Điều này được thể hiện rõ qua việc Đà Nẵng lấy “liên kết, hợp tác” làm một trong 5 trụ cột lớn của Đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, bên cạnh việc liên kết để được hỗ trợ về vốn và nhân sự, khởi nghiệp Đà Nẵng còn cần các chương trình kết nối nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ với các nguồn cung ứng có sẵn ở các quốc gia khác, trong đó chú trọng các lĩnh vực ưu tiên của thành phố. Hiện tại, Đà Nẵng chú trọng phát triển khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, với chương trình tăng tốc kinh doanh dành riêng cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo ngành du lịch tiểu vùng Mekong (MIST) được triển khai từ đầu năm 2017.

TS. Vũ Xuân Trường cho biết, Vườn ươm doanh nghiệp đã có bước đi tiên phong khi trở thành đối tác chính thức tại Việt Nam của chương trình MIST (do MBI và Văn phòng Điều phối du lịch vùng Mekong tổ chức). Các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực này cũng chiếm tỷ trọng ổn định (2-3 dự án/khóa) trong các khóa ươm tạo của Vườn ươm.

Trong thời gian đến, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng sẽ mở rộng kết nối với cộng đồng “du mục kỹ thuật số” (digital nomads). Họ là những người nước ngoài làm việc trong nhiều lĩnh vực và làm từ xa, chỉ cần các thiết bị kỹ thuật số cần thiết. Tại Đà Nẵng, số thành viên “du mục” ước tính khoảng trên 300 và có sự kết nối tốt nhờ mạng xã hội. Cũng theo TS. Vũ Xuân Trường, sự xuất hiện của “du mục kỹ thuật số” tại Đà Nẵng là động lực tốt cho hệ sinh thái khởi nghiệp nếu biết cách tận dụng tri thức của họ. “Cộng đồng này cần tương tác nhiều với cộng đồng khởi nghiệp địa phương để tạo sự giao thoa về văn hóa và phong cách khởi nghiệp. Nhờ đó, khởi nghiệp Đà Nẵng có thể phát triển được tư duy quốc tế hóa. Sự thay đổi tư duy và con người là yếu tố then chốt kích hoạt các sự thay đổi khác về sau”, TS Vũ Xuân Trường nói.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội thành phố, kể từ năm 2015, Đà Nẵng đã tiếp đón và làm việc với gần 20 đối tác quốc tế về khởi nghiệp.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.