Chiều 12-10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức chương trình đối thoại về công tác vay vốn thực hiện chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn thành phố.
Tại buổi đối thoại, các cá nhân, tổ chức, địa phương như quận Sơn Trà, Thanh Khê đề cập những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay để phục vụ đóng mới, sửa chửa và nâng cấp tàu cá. Cụ thể như, thời gian các ngân hàng thương mại thẩm định phương án sản xuất và vay vốn còn kéo dài, hồ sơ thủ tục kèm theo nhiều hơn so với quy định hiện hành; một số ngân hàng yêu cầu phải có tài sản bảo đảm ngoài tài sản thế chấp là chiếc tàu hình thành từ vốn vay. Nhiều ý kiến cũng đề nghị kéo dài thời gian trả nợ (thay vì quy định 15 năm như hiện nay) vì số vốn vay quá lớn, ngư dân gặp khó khăn trong việc hoàn trả. Đồng thời, đề nghị ngân hàng có chính sách khoanh nợ cho ngư dân với việc không thu nợ gốc, không áp dụng lãi phạt trong mùa mưa bão hoặc tàu gặp sự cố bị hư hỏng nặng, phải nằm bờ không đi khai thác...
Báo cáo từ Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trực thuộc thực hiện việc cấp tín dụng vay vốn đóng tàu mới và cấp vốn nâng cấp tàu cá. Đã có 24 hồ sơ của 4 tổ chức và 20 cá nhân đáp ứng đầy đủ điều kiện để được vay vốn đóng mới tàu cá. Trong đó, tính đến ngày 30-9, tổng số tiền các ngân hàng thương mại cam kết cho 7 tổ chức, cá nhân vay vốn đóng mới tàu cá là 120,39 tỷ đồng, đã giải ngân 107,44 tỷ đồng. Có 4 hồ sơ được chấp thuận cho vay nâng cấp, sửa chữa tàu, trong đó đã giải ngân 1,85 tỷ đồng cho 2 tổ chức vay nâng cấp tàu.
HOÀNG LINH