Mô hình hoạt động nào cho quỹ đầu tư phát triển địa phương?

.

1. Cuối năm 2004 trước khi thôi nhiệm vụ giám đốc Sở Tài chính, tôi đã đại diện cho thành phố ký vay đến 2.200 tỷ đồng của một số ngân hàng thương mại trên địa bàn để bổ sung vốn đầu tư cho các công trình của thành phố.

Thời kỳ này, cả Đà Nẵng là một công trường, hằng năm có cả trăm dự án, công trình hạ tầng giao thông, đô thị được triển khai, vốn đầu tư được phân bổ hằng năm chẳng thấm vào đâu. Việc thành phố có chủ trương đi vay thương mại để đầu tư hạ tầng lại chưa có tiền lệ, và về nguyên tắc tài chính cũng không cho phép ngân sách đi vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn.

Vấn đề khá rắc rối nên việc phân công ai đứng ra ký vay nợ cũng phải thảo luận mất nhiều phiên họp của UBND thành phố. Chủ tịch hay một phó chủ tịch nào ký? Cuối cùng thống nhất Giám đốc Sở Tài chính sẽ ký vay.

Quỹ Đầu tư phát tiển Đà Nẵng làm việc cùng các cơ quan tại Pháp.
Quỹ Đầu tư phát tiển Đà Nẵng làm việc cùng các cơ quan tại Pháp.

Đến khi đi thương lượng với các ngân hàng thương mại, không phải ngân hàng nào cũng mặn mà, chỉ có vài ngân hàng tích cực thuyết phục được Hội sở ủng hộ, nhưng họ cũng đặt ra những điều kiện rất ngặt. Ví dụ như trong khế ước vay thì ngoài Giám đốc Sở Tài chính ký vay nợ, phải có Chủ tịch thành phố ký cam kết trả nợ; các ngân hàng chỉ đồng ý cho vay và trả nợ trong 12 tháng mà không cho vay trung hạn…

Để bảo đảm điều kiện này, tôi đã tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố dựa vào Quỹ dự trữ tài chính tích lũy hằng năm của ngân sách thành phố và nguồn khai thác quỹ đất thông qua đầu tư hạ tầng. Tuy vậy, cũng có năm huy động không đủ tiền trả nợ phải sử dụng các nguồn khác kịp trả nợ, dù biết làm vậy không đúng quy định. Từ bối cảnh như vậy, thành phố đã bàn bạc cần sớm có một quỹ đầu tư từ đầu những năm 2000, nhưng mãi hơn 5 năm sau khi được Chính phủ có chủ trương mới thành lập được quỹ.

2. Trong tổng vốn hoạt động hiện nay của quỹ, có khoảng 36% là vốn huy động được từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Hoạt động huy động vốn của quỹ được xem là một ưu tiên và cũng đã được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá khá tốt về hiệu quả sử dụng vốn. Vì vậy, tháng 9-2015, AFD đã tài trợ cho đoàn cán bộ của quỹ chuyến đi nghiên cứu kinh nghiệm tại Pháp, chuyến đi đã cho chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.

Ấn tượng sâu sắc nhất chúng tôi đã rút ra được trong chuyến đi này là những điều khá mới mẻ về mô hình ngân hàng công và cơ quan tài chính địa phương của Pháp, cũng như phương thức kết hợp hài hòa rất sáng tạo giữa khu vực công và khu vực tư của nước bạn.

Chúng tôi đã dành một tuần làm việc liên tục với Ngân hàng công quốc gia-CDC, Công ty Tư vấn dịch vụ công-SCET, Tổng cục Mạng lưới và vùng lãnh thổ (thuộc Bộ Sinh thái và Năng lượng), Cơ quan Tài chính địa phương-AFL, Trung tâm thông tin về quy hoạch, kiến trúc và phát triển đô thị Paris, Viện nghiên cứu phân quyền về hợp tác công tư-IGD, và cuối cùng là AFD.

Lịch trình làm việc dày đặc với cường độ cao, nên đoàn chỉ còn tranh thủ thăm thú Paris vào ban đêm là chính. Đây cũng là trải nghiệm lần đầu của đoàn về  tác phong làm việc công nghiệp mà còn lâu lắm đất nước ta mới theo kịp. Kết quả cuối cùng của chuyến đi là chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với AFD về gói tín dụng ưu đãi (giai đoạn 2) 30 triệu euro dành cho Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng.

3. Trong các mô hình nghiên cứu của bạn, có những mô hình rất mới mẻ và khá hay mà nước ta có thể tham khảo. Đó là mô hình Tập đoàn CDC nguyên là một ngân hàng công đã 200 năm tuổi, có 118.000 người làm việc. Là tập đoàn duy nhất nước Pháp có chức năng phục vụ lợi ích công cộng và sự phát triển kinh tế của quốc gia, CDC quản lý một số quỹ dưới các tài khoản tiết kiệm và đầu tư cho các dự án công của các địa phương.

Nó hoạt động như một ngân hàng công cho hệ thống an sinh xã hội, cung cấp các khoản vay cho chính quyền địa phương đầu tư các lĩnh vực y tế, nhà ở xã hội và góp vốn vào các dự án kinh tế hỗn hợp v.v... Tập đoàn có nhiều công ty con quan trọng tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế, nhà ở xã hội, bảo hiểm, vận tải hành khách, kỹ thuật và hạ tầng, môi trường, CNTT, du lịch và giải trí, cung cấp các dịch vụ cho chính quyền địa phương…

Nói cách khác, CDC vừa là tập đoàn công đa ngành, đa lĩnh vực, vừa là định chế tài chính đặt biệt, có cơ chế hợp tác rất sáng tạo với các công ty tư nhân để thực hiện các dự án công ở các địa phương của Pháp. Điều rất đặc biệt là nguồn vốn hình thành của CDC lại chủ yếu huy động ngắn hạn dưới tài khoản tiết kiệm trong dân cư nhưng có thể cho vay ưu đãi đầu tư dài hạn từ 15 - 40 năm với lãi suất do Nhà nước quy định cho các dự án phát triển đô thị, phát triển kinh tế các địa phương.

Một mô hình khác cũng rất mới là Công ty Tư vấn dịch vụ công và chuyên gia cho các vùng lãnh thổ- SCET, nguyên là công ty con của CDC, nhưng nay đã được thoái 100% vốn cho tư nhân. Đây là một công ty tư vấn và cung ứng dịch vụ đa dạng cho lĩnh vực công của chính quyền địa phương. Hai lĩnh vực hoạt động chính của công ty là tư vấn dự án và quản lý dịch vụ.

SCET cung ứng các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho mạng lưới 290 doanh nghiệp hỗn hợp ở các địa phương, gồm các doanh nghiệp công và doanh nghiệp tư nhân. Đây là mô hình kết hợp hài hòa giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư rất thành công.

4. Vậy mô hình hoạt động của quỹ Đầu tư phát triển địa phương ở nước ta trong dài hạn nên như thế nào? Tham khảo thêm hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng của các nước trên thế giới, tôi thấy mô hình hợp tác công tư nên là mô hình hoạt động thích hợp của quỹ trong giai đoạn sắp đến.

Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan… là những nước có trình độ phát triển nhất định nhưng đều không coi ngân sách Nhà nước là kênh chủ yếu để đầu tư hạ tầng mà họ kêu gọi vốn từ thành phần tư nhân trong và ngoài nước là chính thông qua các định chế tài chính công. Nước ta mới ở giai đoạn phát triển trung bình, lại đang có nợ công cao, trong khi nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng của đất nước và các địa phương rất lớn. Vì thế, việc Chính phủ và chính quyền các địa phương cần củng cố các Quỹ đầu tư phát triển đủ mạnh để đảm nhận vai trò quan trọng trong đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội địa phương là chủ trương rất đúng đắn hiện nay.

Các quỹ cần được xây dựng theo hướng:

- Mở rộng chức năng huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hiện nay luật pháp chỉ mới cho phép huy động từ các tổ chức. Trong những năm đến, cần xem đây là kênh quan trọng trong huy động vốn cho các quỹ đầu tư. Lợi thế cạnh tranh của quỹ khi huy động vốn là quỹ có nguồn vốn điều lệ do ngân sách cấp bảo đảm, và cho vay đầu tư hạ tầng bao giờ cũng có nguồn thanh toán chắc chắn từ ngân sách hoặc thu phí.

- Cần sớm cho Quỹ phát hành trái phiếu Quỹ đầu tư để tham gia đầu tư vào các công trình có vốn lớn nhưng thu hồi chậm như bãi đỗ xe đô thị, nhà ga, cảng biển, cầu đường giao thông…

- Có quy chế cho quỹ áp dụng mô hình hợp tác công tư (PPP) trong đầu tư trực tiếp. Quỹ có thể góp vốn cùng tư nhân lập công ty có vốn hỗn hợp để triển khai dự án; hoặc thông qua đấu thầu để giao cho các công ty tư nhân thay quỹ triển khai dự án, còn quỹ chỉ tài trợ vốn cho các dự án.

Trong 10 năm qua, Quỹ đầu tư phát triển đã có đóng góp đáng kể cho việc phát triển một thành phố đáng sống. Và trong 10 năm nữa, liệu quỹ có đủ sức vươn lên xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của một thành phố giàu mạnh và văn minh?

Võ Duy Khương

Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.