Tại buổi gặp mặt, đối thoại của hơn 40 doanh nghiệp (DN) với Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) thành phố diễn ra ngày 10-10, đại diện các DN thẳng thắn đề cập những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp; qua đó mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các sở, ban, ngành để phát triển tốt hơn. Buổi gặp mặt, đối thoại diễn ra nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10; hơn 40 DN tham gia đại diện cho 360 DN đang hoạt động trong các KCN của Đà Nẵng.
Một doanh nghiệp phát biểu tại buổi đối thoại. |
Trên tinh thần tiếp thu và hỗ trợ tối đa cho DN, ông Phạm Việt Hùng, Trưởng Ban quản lý (BQL) các KCN&CX nêu rõ: buổi đối thoại nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN nhưng các DN phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không đánh đổi môi trường.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và thủy sản Thuận Phước đề nghị loại bỏ yếu tố đầu cơ xuất phát từ việc những DN cần đất thực sự thì lại gặp khó khăn về giá thuê đất. “Để giải quyết tình trạng này, BQL ngoài thỏa thuận với các đơn vị khai thác hạ tầng, nên có những ràng buộc nhất định. Thuê đất mà không sử dụng thì bị phạt để nhường đất lại cho những DN đang cần khác”, ông Lĩnh nói.
Về vấn đề xử lý nước thải, ông Lĩnh cho biết, còn nhiều vấn đề về môi trường cần được tính toán. Chẳng hạn, đường sá tại hầu hết các KCN xuống cấp, mùi hôi thối bốc lên ở KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang nhưng chưa có DN nào bị phạt vì để xảy ra mùi hôi. “Các công ty cho thuê hạ tầng phải có trách nhiệm với khu dịch vụ mình quản lý. Nên chăng ngoài việc lo điện nước, phải lo về môi trường (xử lý mùi hôi). Chúng tôi chỉ làm tốt vệ sinh môi trường ở công ty chúng tôi, nhưng ở công ty khác, khu vực khác, công ty khai thác hạ tầng cần phối hợp với DN đầu tư kinh phí làm sạch môi trường ngay”, ông Lĩnh nói thêm.
Đánh giá cao những việc làm của BQL các KCN&CX thành phố, ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Ship cho biết, hoạt động của DN hiện nay khá ổn định, một phần nhờ việc tiếp cận với BQL thường xuyên, thông tin trao đổi hai chiều chủ yếu bằng thư điện tử, hạn chế việc soạn văn bản giấy giúp DN thuận lợi hơn về mặt thủ tục. Tuy nhiên, DN này phản ánh tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo quá nhiều trong năm. Về vấn đề này, lãnh đạo BQL các KCN&CX thành phố đã báo cáo và kiến nghị với thành phố trong các cuộc họp; theo đó, các sở, ngành muốn kiểm tra thì nên gửi kế hoạch để BQL sắp xếp thời gian và có thẩm quyền phối hợp đi cùng.
Góp ý về công tác cải cách hành chính, ông Hồ Sĩ Tân, Phó Giám đốc Công ty Kad Inductrial bày tỏ: “Chúng tôi là DN nước ngoài. Trước đây, việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài là 3 năm, nhưng theo quy định hiện nay chỉ còn 2 năm. Hết hạn lại phải đi gia hạn, gây khó khăn cho những những người nước ngoài. Ngoài ra, các sở, ban, ngành nên cải cách, hoàn thiện một số thủ tục qua mạng khai báo trực tuyến như Hải quan Đà Nẵng đã làm”.
BQL còn nhận được những phản ánh của các DN như: thiếu phổ biến chính sách pháp luật; cơ quan bảo hiểm không linh hoạt trong việc cấp sổ bảo hiểm cho người lao động; nhà đầu tư trường mầm non cho công nhân KCN Hòa Khánh không được hỗ trợ về lãi suất vay vốn; một số DN sản xuất có mùi hôi gây ảnh hưởng cho những đơn vị, khu dân cư lân cận; DN chưa nhận được trả lời từ phía chính quyền thành phố cho trả tiền thuê đất một lần hay từng năm…
Về cơ bản, trong thẩm quyền BQL đã giải quyết khá đầy đủ những thắc mắc, kiến nghị cho DN. Một số nội dung khác, BQL các KCN&CX đã kiến nghị ở cấp Trung ương lẫn địa phương để sớm có câu trả lời. Do đó, hầu hết các DN đều thấy vui vẻ, thỏa mãn với những nội dung phản ánh. Kết thúc đối thoại, lãnh đạo BQL các KCN&CX thành phố nhắn nhủ, sẽ làm cầu nối để đốc thúc các cơ quan liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc với tinh thần “Tất cả phải cùng làm mới hiệu quả”.
9 tháng đầu năm nay, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) và chế xuất Đà Nẵng đã cấp mới 9 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 10,5 triệu USD và 25 dự án trong nước có vốn đầu tư đăng ký trên 544 tỷ đồng. Trong đó, dự án có vốn đầu tư lớn gồm: Công ty CP Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng (vốn 40 tỷ đồng), Công ty TNHH Yusen Logistics Việt Nam (116 tỷ đồng), Công ty TNHH Mighty Hero Holdings (hơn 56 tỷ đồng). Hiện tổng vốn đầu tư vào các KCN (đầu tư mới và tăng vốn) hơn 1.071 tỷ đồng, tăng hơn 33,6 tỷ đồng so với cùng kì năm trước. Các dự án được cấp phép vào KCN có hiệu lực đến ngày 15-9-2017 là 459 dự án. Cụ thể, có 345 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 15.878 tỷ đồng và 114 dự án nước ngoài với tổng vốn hơn 1 tỷ USD. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH