Thêm nguồn lực cho đô thị

.

Sau 10 năm kể từ khi ra đời đến nay (9-10-2007 – 9-10-2017), Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Quỹ) đã từng bước khẳng định được vị trí của mình trong chuỗi hệ thống tổ chức tài chính Nhà nước do địa phương thành lập. Dấu ấn để lại của Quỹ trên con đường 10 năm hình thành và phát triển đó là bóng dáng của những dự án kết cấu hạ tầng đã góp phần giúp đô thị Đà Nẵng thêm ngày một khang trang”.

Quỹ Đầu tư phát triển thành phố ký kết hợp đồng với Công ty CP Cảng Đà Nẵng.
Quỹ Đầu tư phát triển thành phố ký kết hợp đồng với Công ty CP Cảng Đà Nẵng.

Rót tiền đúng chỗ

Báo cáo trong 10 năm qua cho thấy, Quỹ đã cho vay tổng cộng hơn 120 dự án với tổng giá trị hợp đồng tín dụng lên đến 2.116 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị giải ngân đã đạt 1.672 tỷ đồng. Với nguồn vốn được rót từ Quỹ, trên thực tế nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả như: khu chung cư Đại Địa Bảo (quận Sơn Trà), Nút giao thông khác mức ngã ba Huế (quận Thanh Khê), ngầm hóa lưới điện khu phố chuyên doanh đường Lê Duẩn, Trường Đại học Đông Á cơ sở 2 hay Trường mầm non tiểu học chất lượng cao Skyline. Đặc biệt, nhờ từ nguồn vốn này, trong những năm qua, 34 trường tiểu học trên toàn thành phố đã được nâng cấp, xây dựng mới, đáp ứng tiêu chí dạy và học 2 buổi/ngày đúng như tinh thần của Nghị quyết HĐND thành phố đề ra.

Nhờ được định hướng ngay từ ban đầu là tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trong đó ưu tiên cho đầu tư hạ tầng cơ sở nên trong 10 năm qua số vốn rót vào hạ tầng lưới điện chiếm đến 394 tỷ đồng (18,6%); hạ tầng cấp nước là 66,6 tỷ đồng (3,15%); hạ tầng giáo dục 403,6 tỷ đồng (19,07%); hạ tầng và thiết bị y tế là 220,7 tỷ đồng (10,43%); hạ tầng giao thông, đô thị, chung cư chiếm 593,7 tỷ đồng (28,05%); riêng lĩnh vực phát triển kinh tế chiếm 437,4 tỷ đồng (20,65%).

Để có được nguồn vốn dồi dào như vậy, ngay từ khi đi vào hoạt động, Quỹ đã tiến hành kịp thời việc xúc tiến tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Kết quả, chỉ sau 2 năm hoạt động, Quỹ đã được Ngân hàng thế giới (WB) đồng ý tài trợ 216,4 tỷ đồng và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ 317,6 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn tiền trên đều được dồn đổ vào đầu tư các dự án về môi trường, giáo dục, y tế, năng lượng, nhà ở xã hội, cấp nước, điện... Ngoài ra năm 2014, Quỹ cũng đã phát hành thành công trái phiếu chính quyền địa phương, thu về 1.100 tỷ đồng cho ngân sách thành phố.

Ngoài việc đầu tư tập trung vốn cho phát triển hạ tầng đô thị, trong những năm qua, Quỹ đã góp 83,6 tỷ đồng vốn vào 6 doanh nghiệp. Kết quả lợi nhuận từ các doanh nghiệp này nộp về cho Quỹ trong 10 năm qua là 46,4 tỷ đồng. Đồng thời, nhận ủy thác quản lý Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng.

Hướng đến chức năng đầu tư phát triển

Nhờ hoạt động đúng mục tiêu, đúng định hướng, đầu tư đúng lĩnh vực nên hoạt động của Quỹ ngày càng phát triển, các dự án đều được đầu tư đưa vào sử dụng bảo đảm nguồn trả nợ, tốc độ tăng doanh thu bình quân hàng năm 37,3%, lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 35,8%/năm nên nguồn vốn hoạt động của Quỹ ngày càng tăng từ chỗ 200 tỷ đồng nguồn vốn hoạt động của năm 2008, đến nay vốn hoạt động của Quỹ đã  lên đến 1.487 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách 880 tỷ đồng, số còn lại là vốn khác).

Trong 10 năm qua, Quỹ đã thực hiện đúng theo chức năng nhiệm vụ được Chính phủ quy định, tăng nguồn lực đầu tư trên địa bàn thành phố, công tác thẩm định dự án thực hiện khá chặt chẽ, cải cách thủ tục hành chính trong cho vay được thường xuyên điều chỉnh kịp thời, năng lực quản lý điều hành ngày càng nâng lên, nguồn vốn được bảo toàn và phát triển, đảm bảo nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn ưu đãi và ổn định cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Trong thời gian đến, mục tiêu phấn đấu của Quỹ là phải xây dựng Quỹ thành một tổ chức tài chính mạnh của thành phố Đà Nẵng, phát huy tốt vai trò là định chế tài chính của địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Theo đó, những nhiệm vụ chủ yếu cần phải tập trung đó là: đẩy mạnh công tác huy động vốn, trong đó tập trung duy trì mối quan hệ với WB, AFD... cũng như xúc tiến, thiết lập mối quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế khác như ADB, JICA, KFW, IIB,... để tìm kiếm các nguồn vốn vay ưu đãi, phù hợp với hoạt động của Quỹ nhằm tăng quy mô huy động vốn của Quỹ, đáp ứng đủ vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và các dự án quan trọng của thành phố.

Chuyển dịch cơ cấu đầu tư của Quỹ theo hướng nâng cao tỷ trọng của hoạt động đầu tư trực tiếp so với hoạt động cho vay đầu tư. Trong đó, Quỹ giữ vai trò dẫn dắt các hoạt động đầu tư vào các dự án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, Quỹ sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các đơn vị mà Quỹ đã tham gia góp vốn đầu tư, đồng thời tiếp tục đề xuất với UBND thành phố trong việc giao cho Quỹ quản lý phần vốn ngân sách đầu tư tại các doanh nghiệp cho phù hợp.

Để làm tốt những nhiệm vụ trên, điều không thể bỏ qua là phải tập trung kiện toàn công tác cán bộ, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên để nâng cao trình độ, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của Quỹ trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế.

Cuối cùng, mục tiêu hướng đến của Quỹ sẽ là phát triển đơn vị thành một tổ chức tài chính vững mạnh và chuyên nghiệp. Tìm cách tăng quy mô nguồn vốn hoạt động đến năm 2020 lên 1.700 tỷ đồng (trong đó vốn huy động chiếm tỷ trọng từ 40-50%); tốc độ tăng doanh thu bình quân từ 12%-15%/năm; dư nợ cho vay tín dụng đầu tư bình quân đạt 60 - 70% vốn hoạt động. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư trực tiếp sẽ chiếm 30 - 40% vốn chủ sở hữu

Ông Nguyễn Thanh Tâm

Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.