Áp lực giao thông gia tăng: Bài toán khó cho phát triển đô thị

.

Một trong những khó khăn hiện nay của thành phố là khu vực trung tâm đang chịu áp lực ngày càng gia tăng về điều kiện hạ tầng giao thông do số lượng các tuyến đường làm mới chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số.

Áp lực giao thông khu vực trung tâm thành phố ngày càng gia tăng.
Áp lực giao thông khu vực trung tâm thành phố ngày càng gia tăng.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2010-2015, ở hai quận Thanh Khê và Hải Châu, tỷ lệ tăng chiều dài đường khu vực chỉ khoảng 1,63%. Mật độ đường cấp khu vực mới đạt từ 6,15 - 7,25km/km2, còn thấp so với quy định (từ 10,5 - 14,5km/km2).

Năm 2015, Đà Nẵng có 1,029 triệu dân; trong đó gần 40% tập trung ở hai quận Hải Châu và Thanh Khê (hơn 400.000 người), tăng gần 7% so với năm 2010. Đặc biệt, dân cư ở 9/13 phường thuộc quận Hải Châu và 4/10 phường thuộc quận Thanh Khê có mật độ hơn 500 người/km2. Khu vực này có lưu lượng người tham gia giao thông rất lớn. Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số ở các quận còn lại cũng khiến áp lực giao thông tăng theo...

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lê Văn Trung cho biết, thành phố đang tập trung các nguồn lực phát triển, nâng tầm kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, văn minh, tiện ích. Đà Nẵng luôn xác định hạ tầng đô thị nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng là khâu đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhanh, bền vững. Về đường bộ, đến nay, thành phố có gần 1.300km; trong đó, gần 1.000km đường đô thị, hầu hết là đường bê-tông nhựa, đồng bộ hệ thống điện, nước, cây xanh; nhiều công trình trọng điểm hoàn thành, đưa vào khai thác như cầu vượt ngã ba Huế, nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn, hầm chui Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ... Đà Nẵng cũng đã tổ chức thực hiện có kết quả các quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông đối nội, đối ngoại; góp phần mở rộng không gian đô thị. Tuy nhiên, cũng như nhiều thành phố khác trên cả nước, áp lực hạ tầng giao thông khu vực trung tâm thành phố luôn là bài toán khó trong quá trình phát triển đô thị.

Để khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng đô thị trong thời gian tới, Sở GTVT đã trình UBND ban hành kế hoạch triển khai theo lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông thành phố đến năm 2020. Theo đó, đồng bộ giải pháp từ ý thức đến hạ tầng, quản lý, phân luồng, tổ chức giao thông (30 tuyến đường cấm đỗ ngày chẵn - lẻ, 6 tuyến đường 1 chiều), phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Hiện Đà Nẵng có 13 tuyến xe buýt, trong đó có 5 tuyến xe buýt trợ giá. Thành phố đang xúc tiến đầu tư thêm 6 tuyến xe buýt trợ giá và triển khai hợp phần phát triển hệ thống xe buýt nhanh (BRT) thuộc Dự án phát triển bền vững, dự kiến hoàn thành năm 2018. Các đề án kiểm soát phương tiện cá nhân; triển khai quy hoạch điều chỉnh hệ thống giao thông tĩnh thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt gồm 2 bến xe khách liên tỉnh, 5 bến xe vận tải, 167 vị trí các bãi đỗ xe trên địa bàn các quận, huyện. Trong bối cảnh quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng còn hạn chế, nhất là khu vực trung tâm, tình trạng dừng, đỗ xe tràn lan trên các tuyến phố chính xảy ra thường xuyên, dễ xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, ngoài 2 nút giao thông khác mức phía tây cầu Sông Hàn, hầm chui Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ, giai đoạn năm 2016-2020, thành phố nghiên cứu thêm nhiều hầm chui khác tại nút giao thông phía tây cầu Rồng, nút giao đường Duy Tân và đường 2 Tháng 9, nút giao phía tây cầu Tiên Sơn, nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành... Sau năm 2020, sẽ tính đến tuyến đường hầm qua sân bay; xây dựng hệ thống tàu điện ngầm nhằm kết nối 3 khu đô thị tập trung của thành phố gồm: khu đô thị phía Bắc, khu đô thị trung tâm và khu đô thị phía Nam; hầm chui dành cho người đi bộ tại một số vị trí khu vực trung tâm thành phố, góp phần nâng tầm giao thông đô thị tiện ích, hiện đại trên địa bàn.

Thống kê cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, số lượng phương tiện đăng ký mới trên địa bàn Đà Nẵng không ngừng gia tăng. Phương tiện tăng bình quân từ 8,58 - 10,46%/năm, trong đó tăng trưởng ô-tô trung bình qua các năm khoảng 7,46%/năm, mô-tô 12,25%/năm. Số hộ gia đình sở hữu ô-tô tăng từ 1,5% (năm 2008) lên 2,10% (năm 2016). Riêng lượng mô-tô các loại đăng ký năm 2016 có dấu hiệu tăng đột biến đến gần 20%. Đến cuối năm 2016, tổng số phương tiện cơ giới thuộc phạm vi quản lý là hơn 868.640 xe các loại. Song song đó, tổng số đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn thành phố là 436 đơn vị với 1.818 xe...

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.