Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, khẳng định Đà Nẵng tạo mọi thuận lợi và có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Ươm mầm nhân lực Selfwing Việt Nam. Ảnh: THÀNH LÂN |
Ông Trần Văn Sơn cho biết:
- Nhìn chung, các dự án FDI đầu tư vào Đà Nẵng trong thời gian gần đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp. Ở mỗi giai đoạn kết quả kêu gọi đầu tư có khác nhau do nhiều yếu tố, có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Nhưng dẫu kết quả thế nào thì thành phố cũng không đánh đổi lợi ích kinh tế trước mắt để hủy hoại môi trường.
Thời gian đến, Đà Nẵng có nhiều lĩnh vực kêu gọi đầu tư với mục tiêu phát triển bền vững. Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao và công nghệ cao (CNC) của Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố đã định hướng và ưu tiên thu hút các dự án trong lĩnh vực CNC gồm: công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ vật liệu mới; các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện - điện tử; các ngành dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là thương mại, du lịch, logistics, y tế và giáo dục.
* Thưa ông, chúng ta đã chuẩn bị những gì để kêu gọi, thu hút đầu tư trong thời gian tới?
- Để tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, Đà Nẵng đang đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; trong đó, tập trung các thị trường trọng điểm, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp (DN).
Thành phố đã xây dựng các khu, cụm công nghiệp với các ưu đãi đáng kể về giá thuê mặt bằng, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để giao đất kịp thời cho việc triển khai các dự án. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng như sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, du lịch dịch vụ, thương mại.
Đồng thời, với đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thành phố đẩy mạnh công tác hoàn chỉnh quy hoạch quỹ đất ngoài khu công nghiệp (KCN), Khu CNC, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch để thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm, giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian đưa ra quyết định đầu tư.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh; đăng tải công khai, minh bạch các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến đất đai, thủ tục hành chính…
* Ông có thể cho biết một số chính sách ưu đãi đầu tư trong thời gian đến?
- Thời gian đến, Đà Nẵng có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm phục vụ định hướng phát triển thành phố. Chẳng hạn, DN đầu tư vào Khu CNC được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN, được miễn toàn bộ tiền thuê đất trong suốt thời hạn hoạt động của dự án hoặc miễn tiền thuê đất từ 13-19 năm tùy loại dự án và lĩnh vực đầu tư theo quy định hiện hành.
Tiền thuê đất chỉ từ 0,23 - 0,45 USD/m2, phí sử dụng hạ tầng 0,2 USD/m2/năm, được miễn hoặc giảm 50% trong trong thời gian từ 2-5 năm tùy loại dự án. Các thủ tục đầu tư sẽ được thực hiện theo cơ chế “một cửa” tại Ban quản lý Khu CNC Đà Nẵng. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được hỗ trợ về thủ tục xuất nhập cảnh, tuyển dụng lao động, vay vốn đầu tư.
Trong lĩnh vực CNTT, các DN xuất khẩu phần mềm được hưởng ưu đãi về tiền thuê mặt bằng và các chi phí vận hành hạ tầng CNTT trong trường hợp dự án đặt tại các Khu CNTT tập trung của thành phố. Ngoài ra, DN được hỗ trợ kinh phí đào tạo ban đầu; hỗ trợ từ 50-100% các chi phí liên quan xúc tiến thương mại, bao gồm: chi phí đăng ký bảo hộ quyền phần mềm trong nước, thuê mặt bằng các hội chợ, triển lãm chuyên ngành quốc tế trong nước, chi phí quảng cáo.
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chính quyền thành phố cam kết hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ; chuyển giao, đổi mới, cải tiến công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Ở lĩnh vực xã hội hóa (giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, giám định tư pháp), nhà đầu tư sẽ được giảm từ 30-100% tiền thuê đất tùy vào địa điểm thực hiện dự án. Riêng đối với lĩnh vực môi trường được miễn 100% tiền thuê đất.
Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, được hỗ trợ sau đầu tư các hạng mục như: xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống tưới tự động, đóng gói, bảo quản sản phẩm, đầu tư thiết bị sản xuất, xây dựng hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, chuồng trại chăn nuôi, mua thiết bị, giống sản xuất; lãi suất vay vốn đầu tư.
Đối với hoạt động khởi nghiệp, tháng 1-2016, thành phố đã thành lập Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng. Đồng thời, thành phố cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp như cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ về tài chính, mặt bằng sản xuất kinh doanh, phát triển công nghệ mới, ứng dụng CNTT, xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường năng động và sáng tạo phát triển khởi nghiệp tại Đà Nẵng.
* Xin cảm ơn ông!
THÀNH LÂN thực hiện