Sau gần 7 năm vào đất liền, 120 hộ dân làng Vân thuộc quận Liên Chiểu đã ổn định cuộc sống. Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ của thành phố, từ năm 2016, nhiều hộ tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng chính sách từ 30-50 triệu đồng/hộ kèm lãi suất ưu đãi để chuyển đổi ngành nghề.
Chị Nguyễn Thị Hương (tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) được giải ngân 30 triệu đồng vốn vay để chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống. |
Đến UBND phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) nhận giải ngân 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), chị Nguyễn Thị Hương (30 tuổi, trú tổ 9 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) bày tỏ: “Đây là lần thứ hai tôi được vay tiền từ chính sách hỗ trợ của thành phố, lần đầu vay 50 triệu đồng (năm 2016) để mua sắm ngư lưới cụ phục vụ việc đi biển. Ở làng Vân cũ, vợ chồng tôi cũng sống bằng nghề này nhưng làm nhỏ vì vốn ít. Sau khi chuyển vào đất liền mất 2-3 năm đầu mới ổn định cuộc sống, tôi thử buôn bán nhưng không hiệu quả nên quay về nghề cũ”.
Có vốn để đầu tư trang thiết bị, vợ chồng chị Hương mạnh dạn cùng vài người bạn đồng trang lứa trong khu tái định cư của người dân làng Vân thành lập nhóm nhỏ chuyên tổ chức đánh bắt gần bờ bỏ sỉ cho các tiểu thương ở chợ Hòa Khánh và một số chợ lân cận trên địa bàn quận Thanh Khê.
Công việc đánh bắt và chạy chợ khá thuận lợi đã mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập ổn định từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày, nhờ đó 3 đứa con của chị được đến trường và chăm sóc tốt hơn. “Sau 7 năm chuyển vào đất liền, cuộc sống của gia đình tôi hiện ổn định. Con đầu vào lớp 5, đứa nhỏ nhất đi học mẫu giáo. Chừ tôi vay thêm 30 triệu đồng với lãi suất 0% trong 36 tháng đầu để nâng cấp phương tiện đánh bắt”, chị Hương phấn khởi cho hay.
Cũng là cư dân của làng Vân cũ, sau thời gian an cư tại khu nhà liền kề được thành phố cấp ở tổ 9 phường Hòa Hiệp Nam, ông Nguyễn Văn Xứng (80 tuổi) cho biết, trong đợt giải ngân lần này, ông nhận 30 triệu đồng để mua bò.
“Hồi còn ở làng Vân, tôi nuôi cả nhà và mấy đứa con bằng nghề chăn bò. Năm nào cũng nuôi 2-3 con bò, sau đó bán cho thương lái. Từ khi chuyển vào đất liền, tôi không nuôi bò nữa, nhưng nay muốn nuôi lại cho vui và cũng để kiếm thêm thu nhập”, ông Xứng bày tỏ.
Để giúp người dân làng Vân hòa nhập và ổn định cuộc sống sau khi chuyển vào đất liền, thành phố đã có chủ trương hỗ trợ vốn vay với mức 30 triệu đồng và 50 triệu đồng/hộ. Theo Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Đà Nẵng, chủ trương này có từ thời điểm người dân làng Vân bắt đầu định cư ở khu nhà liền kề mới được cấp và đến năm 2016 nguồn vốn này được giải ngân đến tận tay người vay.
Theo đó, tổng số vốn UBND thành phố ủy thác qua Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Đà Nẵng là 2,63 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 2 tỷ đồng. Mức cho vay mỗi hộ là 30 triệu đồng và được hỗ trợ lãi suất 0% trong 3 năm đầu. Đợt 1 vào đầu năm 2016, giải ngân 1,4 tỷ đồng, cho vay 47 hộ thuộc khu tái định cư phía bắc Trường Cao đẳng Giao thông vận tải 2 (quận Liên Chiểu). Đợt 2 với 1,23 tỷ đồng, cho vay 41 hộ làng Vân về khu liền kề phường Hòa Hiệp Nam.
Trực tiếp tham gia công tác cho vay vốn, bà Hoàng Thị Giáo, Tổ trưởng tổ vay vốn số 10 phường Hòa Hiệp Nam cho biết, tổ hiện có 34 thành viên vay vốn từ Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Đà Nẵng, trong đó có 9 hộ là người dân làng Vân (cũ) đã vay nguồn hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề ở đợt 1, đợt 2 này có 26 hộ vay.
Tổng số tiền đã giải ngân cả hai đợt là 410 triệu đồng. Các hộ vay trong tổ chủ yếu buôn bán nhỏ, gia công, dịch vụ, chăn nuôi. Vốn vay đã đến tận tay người dân làng Vân kịp thời, giúp họ có vốn làm ăn, chuyển đổi ngành nghề và ổn định cuộc sống.
Bà Lưu Thị Nhi, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH quận Liên Chiểu nhìn nhận, qua gần 2 năm triển khai cho các hộ dân làng Vân vay vốn để chuyển đổi ngành nghề đã giúp họ chủ động hơn trong làm kinh tế.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Liên Chiểu, nguồn vốn này không chỉ giúp người dân cải thiện môi trường sống, đầu tư làm kinh tế gia đình mà còn góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội như vay nóng, bài bạc. Bên cạnh đó, thời gian qua, quận Liên Chiểu cũng có nhiều chương trình quan tâm đến người dân làng Vân cũ như thăm, tặng quà vào các dịp lễ, Tết; đề xuất các chủ trương nâng mức hỗ trợ đối với người bị bệnh phong nặng, lâu năm…
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA