Nhiều năm nay, các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa tại Đà Nẵng luôn đẩy mạnh phát triển thị trường, chú trọng xây dựng thương hiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm… nhưng vẫn rất khó đạt các danh hiệu mong muốn.
Không nhiều doanh nghiệp địa phương có sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền như Công ty CP Cao su Đà Nẵng. |
Trong số hơn 20.000 DN đang hoạt động tại Đà Nẵng, mới chỉ 10 DN thuộc lĩnh vực sản xuất hàng dược, thực phẩm, tiêu dùng đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, 4 DN đạt Thương hiệu quốc gia.
Bà Trần Thị Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế bày tỏ: “Sản phẩm của chúng tôi lâu nay được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và độ tin cậy. Không chỉ tiêu thụ nội địa, mà sản phẩm còn được xuất khẩu tại hơn chục quốc gia ở châu Á và châu Âu. Nhưng chúng tôi chưa đạt được danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao mà không hiểu vì lý do gì.
Dù đã trực tiếp gửi hồ sơ theo hướng dẫn của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao) tại TP. Hồ Chí Minh và được xác nhận là thành viên ứng cử dự khuyết nhưng chúng tôi cứ phải chờ đợi. Hồ sơ phải hoàn thiện mỗi năm một lần nên rất dễ nản lòng. Nhiều lúc nghĩ, cứ dành thời gian tập trung phát triển thị trường hơn là loay hoay ứng cử danh hiệu”.
Mong muốn sản phẩm được chứng nhận danh hiệu, thương hiệu để DN có cơ hội thâm nhập vào các thị trường lớn, có nhiều đối tác tiềm năng là lý do chính đáng của DN. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, với các điều kiện xét chọn như hiện nay, rất khó để DN đạt danh hiệu này. Ngay cả các DN đã đạt danh hiệu cũng khó duy trì qua mỗi năm.
Thực tế, chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao không yêu cầu DN phải hoàn thiện bất kỳ thủ tục xin cấp nào, chứng nhận này hoàn toàn dựa vào kết quả bình chọn từ khách hàng. Do đó, điều kiện cần là bản thân DN phải liên tục cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hệ thống phân phối, nhận diện thương hiệu và hoạt động marketing nhằm mang lại cho khách hàng sự hài lòng tối đa khi sử dụng sản phẩm của DN.
Với sản phẩm giày BQ, 6 năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại BQ chia sẻ: “Để có được thành tích này, ngoài việc tập trung đầu tư chất lượng sản phẩm, gia tăng dịch vụ bán hàng và hệ thống phân phối, điều quan trọng nhất của chứng nhận này là sự yêu mến và tin dùng của khách hàng dành cho chúng tôi”.
Cũng nằm trong số ít các DN ở địa phương 2 năm liên tiếp đạt Thương hiệu quốc gia, lãnh đạo Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho biết, DN phải đạt nhiều tiêu chí khắt khe như: bảo đảm uy tín chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống sản xuất; quản trị kinh doanh tiên tiến, hiện đại; hoạt động tài chính minh bạch, lành mạnh; sản xuất sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; cải tiến công nghệ kỹ thuật để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh… Phải có quá trình nỗ lực phấn đấu mới có danh hiệu, song đổi lại, khi đạt những danh hiệu này, DN có thể tự tin bước ra sân chơi lớn với vai trò đại diện điển hình cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Tuy nhiên, nghịch lý về danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng được các DN chỉ ra. Đó là, dù sản phẩm tốt và chất lượng nhưng nếu chỉ chú trọng xuất khẩu hoặc không được tiêu thụ tận tay người tiêu dùng thì rất khó “được phiếu”.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đà Nẵng, điều kiện tiên quyết là thương hiệu của DN phải được người tiêu dùng nhớ, nhận diện đầu tiên khi nhắc đến sản phẩm. Hiện nay, không ít DN của thành phố quan tâm danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng sản phẩm của họ chỉ được biết đến ở một vài địa phương và quá mới mẻ với người tiêu dùng trong nước.
Dựa trên kết quả bình chọn, lý do khiến Đà Nẵng không có nhiều DN đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao là đa số DN có quy mô nhỏ nên việc đầu tư xây dựng và quảng bá thương hiệu gặp nhiều khó khăn, hệ thống phân phối cũng chưa được phủ sóng cả nước.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sản phẩm chưa được nhiều người biết đến, theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam, Trưởng đại diện khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đó là không ít DN tự cho mình nhỏ bé, tiềm lực yếu cùng với cơ chế, chính sách, môi trường chưa bảo đảm điều kiện hỗ trợ DN thúc đẩy thương hiệu. Muốn xây dựng thương hiệu, chủ DN phải có tầm nhìn và chiến lược phát triển dài hạn, nếu muốn tồn tại lâu dài thì không thể làm ăn chụp giật. Sản xuất, kinh doanh phải trung thực, xây dựng uy tín, niềm tin ngày càng lớn để khách hàng nhận biết sản phẩm, từ đó mới “giữ chân” được người tiêu dùng…
Qua 21 năm bình xét danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, số doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng đạt danh hiệu này khá khiêm tốn và chủ yếu trong nhóm DN hàng thực phẩm, may mặc, dược phẩm và một số ít hàng công nghiệp. Điều này đặt ra vấn đề: Các DN cần đẩy mạnh, đầu tư tiếp thị sản phẩm, nhãn mác, bao bì cũng như kênh phân phối rộng khắp để nhiều người biết đến và bình chọn sản phẩm. |
"Việc đạt được các chứng nhận uy tín là lợi thế cho sản phẩm của doanh nghiệp (DN), nhưng đó không phải là yếu tố quyết định cuối cùng đến vị thế của sản phẩm và thương hiệu DN trên thị trường. DN cần đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng thông qua sản phẩm và dịch vụ mình cung cấp mới là điều quan trọng” Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại BQ |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH