Từ một đô thị nhỏ của khu vực miền Trung, Đà Nẵng nay trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến, là nơi dừng chân của du khách trong nước và quốc tế. Những việc làm được, những thành tựu đáng ghi nhận chúng ta đều đã thấy, nhưng trong quá trình phát triển không tránh khỏi những bất cập, những điều cần được tiếp tục suy nghĩ và giải quyết. Một trong những vấn đề đặt ra là đừng để “tái định cư (TĐC) hóa” vùng nông thôn huyện Hòa Vang.
Với diện tích đất tự nhiên 73.488ha, trong đó đất nông nghiệp 65.316ha được đánh giá thế mạnh là sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích đất nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm do quá trình mở rộng vùng đô thị. Điều đáng nói ở đây, Hòa Vang là nơi “gánh chịu” TĐC gần 200 dự án trên địa bàn, với hơn 15.000 ha đất thu hồi, gần 8.000 hộ giải tỏa và bố trí TĐC.
Về Hòa Vang hiện nay, rất khó tìm lại hình ảnh làng quê trù phú với những xóm làng rợp bóng tre xanh, cò bay thẳng cánh. Hòa Vang giờ đây nhìn đâu cũng chỉ thấy những khu dân cư mới mọc lên theo kiểu phố thị.
Tuy nhiên, với chất lượng xây dựng kém, hình thái không gian chưa được nghiên cứu, mô hình ở mang tính rập khuôn theo kiểu nhà chia lô định hình với những ô phố chia ngang xẻ dọc, giá trị văn hóa đặc trưng nông thôn dần bị xóa bỏ.
Nhất là những khu nhà sinh hoạt cộng đồng được dựng lên với mong muốn mang đến một lối sống mới, tiệm cận văn minh đô thị nhưng lại quá xa lạ với người dân vốn quen cảnh lũy tre làng, cây lúa nước...
Nếu như trước đây, tài sản của người nông dân là mảnh lúa, vườn rau, tuy không có giá trị nhiều về đất đai nhưng có thể tăng gia sản xuất, mang lại nguồn lợi và ít nhiều nuôi sống được bao nhiêu thế hệ, thì nay với chính sách đền bù rất thỏa đáng đã giúp họ có ngôi nhà khang trang hơn kèm theo vài lô đất thành “của để dành”.
Nhưng thực tế thì các lô đất kia, “của để dành” kia chỉ là tài sản bất động, cũng chẳng sinh lợi được gì trong khi miếng cơm manh áo vẫn luôn là áp lực hằng ngày. Vậy là khi không còn ruộng vườn để mưu sinh, tự khắc họ trở thành lực lượng lao động phụ trợ cho các đô thị, phần lớn trở thành công nhân cho các khu công nghiệp hay giúp việc nhà cho những gia đình khá giả nơi thành thị.
Cũng từ việc đi ra làm ăn mưu sinh và gửi tiền bạc về cho gia đình đã cho thấy đời sống vật chất vùng thôn quê dường như khấm khá hơn. Những tiện ích dần xuất hiện trong các ngôi nhà mái ngói sàn bê-tông, nhưng cũng chính nơi này lại trở nên vắng vẻ tiếng cười nói con trẻ, hình ảnh bóng già chiều chiều ngóng tin con từ phương xa…
Đây là thực trạng đã và đang tiếp tục diễn ra ở các vùng nông thôn miền Trung nói chung, Hòa Vang nói riêng, tạo luồng di cư lớn từ nông thôn ra thành thị, khiến các vùng nông thôn đối mặt nhiều khó khăn. Với thực tế phần lớn lao động có sức khỏe và tri thức chuyển sang sống ở thành phố, nông thôn đang thiếu lao động trầm trọng. Tình trạng di cư mang tính tự phát, không kiểm soát, gây hệ lụy cho đô thị và nhiều vấn đề nan giải cho quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trong tương lai.
Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang xác định nhiều mục tiêu: phát triển kinh tế huyện Hòa Vang nhanh và bền vững, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; đầu tư hoàn thiện cơ bản về kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa…
Tất yếu để thực hiện điều đó là cả quá trình cùng với nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, ưu tiên dành mọi nguồn lực, xây dựng kế hoạch chiến lược mang tính lâu dài. Trong khuôn khổ bài viết, tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể trước mắt góp phần khắc phục những tồn tại nêu trên:
Trước hết, cần có quan điểm đúng đắn hơn trong quy hoạch, xây dựng vùng nông thôn của thành phố Đà Nẵng. Xác định rõ tính chất, nghiên cứu mô hình đô thị phù hợp và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đặc thù cho toàn bộ khu vực nông thôn huyện Hòa Vang. Nhất là việc không nên xem Hòa Vang là nơi để giải quyết vấn đề của đô thị trong quá trình phát triển.
Làm thế nào để Hòa Vang phải là một không gian đô thị đặc trưng, bảo vệ hệ khung thiên nhiên cho vùng lõi đô thị. Các đô thị cấp huyện, cụm khu dân cư nông thôn là nơi chứa đậm bản sắc của lối sống người dân xứ Quảng và chính là nền tảng để tiến đến xây dựng một vùng đô thị mới hiện đại trong tương lai.
Thứ hai, cần xem xét một chính sách TĐC phù hợp hơn trong tình hình mới hiện nay. Thay vì giải tỏa đất thì đền bù bằng đất, mỗi gia đình có thể sở hữu vài lô đất nhưng nhu cầu ở thì hạn chế, khả năng thanh khoản thị trường bất động sản chưa tiệm cận các khu vực này, nên chăng quy đổi giá trị đền bù thành tiền với giá trị thích hợp để người dân chủ động trong việc tạo dựng nơi ở mới phù hợp với nhu cầu hiện tại và dự tính trong tương lai.
Ba là, việc đầu tư xây dựng các khu TĐC nếu có cũng dựa trên nhu cầu ở thật để xác định quy mô, bảo đảm hoàn thiện cấu trúc của một khu ở văn minh, hiện đại và tiện nghi cho người dân từ hạ tầng kỹ thuật đến hệ thống các công trình phúc lợi xã hội thiết yếu. Chúng ta không thể để tình trạng đất trống, hoang hóa và xuống cấp hệ thống hạ tầng vì người dân không có nhu cầu ở, đất mất khả năng sản xuất.
Có thể nói, việc triển khai xây dựng các khu TĐC trên địa bàn huyện Hòa Vang cần sớm được rà soát, xem xét, đánh giá tổng thể. Có như vậy mới hạn chế được những bất cập trong quá trình đô thị hóa sẽ để lại di chứng lâu dài cho xã hội. Hơn hết, việc bảo đảm các điều kiện an sinh xã hội cho người dân, hạn chế lãng phí nguồn lực và định hướng đúng đắn cho tiến trình xây dựng huyện Hòa Vang phát triển theo hướng bền vững, trở thành đô thị có bản sắc riêng trong tương lai là câu chuyện cần sự suy nghiệm với nhiều giải pháp vững chắc và lâu dài.
TÔ HÙNG