Doanh nghiệp chịu sức ép của cách mạng công nghiệp 4.0

.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước phát triển, đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp (DN) phải đầu tư khoa học - công nghệ, xem đây là giải pháp chính cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng của từng DN.

Đầu tư trang bị công nghệ giúp nhiều doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, đón đầu làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đầu tư trang bị công nghệ giúp nhiều doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, đón đầu làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Công ty CP Khoa học - công nghệ An Sinh Xanh là một trong số ít DN khoa học - công nghệ hiếm hoi tồn tại và phát triển được từ những sáng chế độc quyền. Ông Lê Đình Phương, Giám đốc công ty này nhìn nhận: “Tâm lý chung” của nhiều DN hiện nay là quen với lối làm ăn truyền thống, ngại thay đổi và sáng tạo. Song, cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế phát triển tất yếu, gây sức ép và bắt buộc DN phải nhanh chóng thích nghi để tồn tại. Theo ông Phương, DN cần mạnh dạn đầu tư, tìm tòi để nắm được cốt lõi của vấn đề và quan trọng là làm chủ công nghệ.

Ở khía cạnh khác, bà Trần Thị Kim Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ du lịch Biển Ngọc cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng rõ nét đối với ngành du lịch, bắt buộc người kinh doanh phải nhanh nhạy nắm bắt và thay đổi kịp thời để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

“Riêng lĩnh vực dịch vụ du lịch, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet, du khách có thể đặt được tour, tuyến, mua vé máy bay, đặt khách sạn… Cách đây khoảng 1 năm, chúng tôi đã thay đổi toàn bộ cách giao dịch để đáp ứng xu thế chung cũng như giữ chân khách hàng”, bà Kim Sơn cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Phước Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Đà Nẵng cho rằng, nhiều DNNVV trên địa bàn Đà Nẵng chưa có nhiều thông tin cũng như sự chuẩn bị tốt để nhập cuộc với xu thế mà cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra. Trong khi đó, ảnh hưởng của nó đã hiện hữu trong tất cả lĩnh vực kinh doanh cũng như tác động lớn đến đời sống của người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam nhìn nhận, đa số DNNVV đang sử dụng công nghệ thập niên 80 của thế kỷ trước, với 52% DN đang sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ 10% sử dụng thiết bị hiện đại.

Cả nước chỉ có trên 2.000 DN khoa học - công nghệ, trong đó có khoảng 400 DN công nghệ cao. Chi phí đầu tư đổi mới khoa học - công nghệ của DN bình quân chiếm khoảng 0,3% doanh thu (tỷ lệ này ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%, Nhật Bản 50%).

Nhiều quốc gia, DN trên thế giới đã sử dụng robot để thay thế con người, robot kiểm soát và điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất. Công nghệ số đang định hình lại các môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người.

Cuộc cách mạng công nghệ số buộc các DN cạnh tranh bình đẳng trong một sân chơi chung. Lợi thế về mặt quốc tịch, sân nhà không còn. Tuy nhiên, phần lớn DNNVV của nước ta hiện chưa thực sự sẵn sàng cũng như chưa có sự chuẩn bị để nhập cuộc với cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại Việt Nam, ảnh hưởng của cách mạng 4.0 đã xuất hiện và tác động đến nhiều lĩnh vực kinh doanh. Tại Đà Nẵng, lực lượng DNNVV chiếm đến gần 90% tổng số DN trên địa bàn. Thành phố định hướng phát triển các lĩnh vực chính: công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, phát triển bền vững nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch; theo đó đòi hỏi DN phải đầu tư, nâng cao năng lực khoa học - công nghệ.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh cũng như định hướng phát triển của DN nhưng đối tượng cuối cùng chịu ảnh hưởng lớn nhất là người lao động. Họ phải không ngừng nâng cao tri thức để cạnh tranh với các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, thích ứng với phương thức tuyển dụng, quản lý và sử dụng mới từ DN.

Dự báo khoảng một thập niên tới, 56% lao động (tương đương 137 triệu người) ở các quốc gia như Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với lực lượng lao động là robot. Nếu không nâng cao trình độ tri thức, thất nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng mang lại không ít cơ hội. Ông Tô Hoài Nam chỉ rõ, thách thức nào cũng đi kèm cơ hội, cho chúng ta chứng kiến sự thay đổi trong cạnh tranh và không phải lúc nào kẻ mạnh cũng thắng… “Trước xu thế chung của toàn thế giới và khu vực, DN nên chủ động nhập cuộc thay vì chịu thua. Thành hay bại là do khả năng thích ứng của chúng ta”, ông Nam nhấn mạnh.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.