Việc giá điện được điều chỉnh tăng 6,08% vào thời điểm cuối năm làm người dân và doanh nghiệp lo ngại. Nhiều khả năng giá điện tăng kèm theo các yếu tố chi phí đầu vào cho sản xuất sẽ khiến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ sớm tăng trong thời gian tới.
Giá điện tăng, doanh nghiệp phải tính toán lại chi phí, tiết kiệm năng lượng để bảo đảm giá thành đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: DUYÊN ANH |
Theo Bộ Công thương, việc điều chỉnh giá bán điện được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016; trong đó xem xét các yếu tố tăng - giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017, theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân. Như vậy, từ ngày 1-12, giá bán lẻ điện tăng lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), so với giá cũ là 1.622,01 đồng/kWh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, hầu hết DN cho rằng, giá điện tăng ở mức này không phải là ít và sẽ gây khó khăn cho nhà sản xuất. Theo tính toán của Công ty CP Đồ hộp Hạ Long Đà Nẵng, trước đây trung bình mỗi tháng DN trả 115 triệu đồng tiền điện.
Nếu tính cụ thể trên giá trị sản phẩm, cứ 1 hộp cá loại 175gram, từ chi phí 335 đồng (tiền điện), nay gánh thêm 20,5 đồng sẽ lên 356 đồng nhân (x) với 600.000 hộp/tháng. Với mức giá mới này, công ty sẽ “đội” thêm 7-9 triệu đồng/tháng tiền điện.
Đây mới là tính toán sơ bộ đối với DN chỉ có 250 lao động. Còn với hàng chục DN quy mô hàng ngàn công nhân tại các khu công nghiệp của Đà Nẵng, con số tiền điện lớn gấp nhiều lần. Đặc biệt, đối với DN sản xuất đặc thù như chế biến thực phẩm, chế tạo máy móc, vật liệu xây dựng như xi-măng, thép..., rất khó có thể tiết kiệm điện bằng cách cho hệ thống máy móc nghỉ hoặc vận hành theo giờ thấp điểm trong ngày.
Giá điện tăng, doanh nghiệp phải tính toán lại chi phí, tiết kiệm năng lượng để bảo đảm giá thành đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: DUYÊN ANH |
Anh Nguyễn Văn Hải, chủ cơ sở gia công tiện trên đường Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) nhìn nhận: “Giá điện tăng bất ngờ nên những hợp đồng gia công cơ khí đã ký với khách hàng không thể thay đổi được. Sắp tới, giá nguyên liệu đầu vào tăng; chúng tôi sẽ xây dựng lại biểu giá và thông tin đến các khách hàng tăng giá gia công sản phẩm. Với tình hình này, lợi nhuận của cơ sở tôi bị giảm, thu nhập của công nhân cố gắng ổn định nhưng đời sống sẽ khó khăn hơn do chi phí sinh hoạt tăng”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, giá điện chỉ là một yếu tố cấu thành chi phí sản xuất của DN, điều lo lắng hơn là những biến động kéo theo của nguyên liệu, nhiên liệu như xăng, dầu, gas luôn tác động đến sự tăng giảm chất lượng, số lượng hàng hóa của nhà sản xuất. Trong khi đó, theo hợp đồng bán hàng cho phía đối tác, nhất là đối với nước ngoài, hầu như không thể tăng giá thành sản phẩm.
Bà Phan Như Yến, Giám đốc Siêu thị Intimex Đà Nẵng bày tỏ: “Là nhà bán lẻ, tôi nhận thấy, trong suốt một năm, hầu như tháng nào cũng có nhà cung cấp hàng hóa đòi tăng giá mặc dù đã có thỏa thuận từ đầu năm. Thế nhưng, việc tăng giá của họ đưa ra có cơ sở thì buộc nhà bán lẻ phải chấp nhận. Nhất là dịp Tết, cuối năm, hàng trăm thứ mặt hàng đều nhích giá, nếu cộng thêm tăng giá nguyên, nhiên liệu thì đúng là người dân phải hứng chịu. Tăng giá điện vào thời điểm này gây nhiều lo ngại”.
Ông Hà Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường chia sẻ: “Giá điện tăng là điều không vui đối với người dân và DN. Việc tăng giá điện vào cuối năm sẽ càng gây ra những khó khăn nhất định cho một số ngành, lĩnh vực. Riêng công ty chúng tôi mỗi tháng phải trả hơn 100 triệu đồng tiền điện, mức tăng hiện nay làm “đội” thêm chi phí.
Nhưng do đã có sự chuẩn bị từ trước nên điều này đối với chúng tôi không quá hụt hẫng. Nhiều năm nay, công ty đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị tiết kiệm năng lượng dù số tiền đầu tư ban đầu không ít. Ngoài ra, chúng tôi còn lắp đặt hệ thống mái che, tận dụng ánh sáng mặt trời để khỏi phải dùng điện trong nhà máy, nhà xưởng...”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hải, chủ cơ sở gia công tiện trên đường Ông Ích Khiêm chọn giải pháp chấp nhận lời ít lại vì không thể giảm tiền lương của công nhân trong giá thành sản phẩm. Nhờ những hợp đồng mua nguyên liệu thô từ trước, anh Hải cho biết sẽ phải tăng giá từ từ, không quá đặt nặng lời lãi để tiếp tục duy trì sản xuất trong thời gian tới và cũng không tăng giá cao đột ngột.
Ở thời điểm này, theo nhận định của hầu hết các DN sản xuất - kinh doanh, giá cả có thể chưa tăng vọt, nhưng khi các loại vật tư, nguyên, nhiên liệu được áp giá ổn định, DN cũng sẽ xem xét để điều chỉnh giá bán vì không thể gồng mình quá lâu. Cuối cùng người tiêu dùng sẽ gánh chịu mọi tác động.
“Ngay khi có thông tin về giá điện tăng, chúng tôi đã chủ động hỏi ý kiến của một số hộ cá thể, doanh nghiệp khách sạn, gia công, bánh, kem… trên địa bàn quận Hải Châu để tìm hiểu và nắm bắt các khó khăn đối với các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở nhỏ lẻ sẽ chịu tác động mạnh, thậm chí có chủ cơ sở bật khóc vì sắp tới không biết nên tăng giá thành sản phẩm hay không do chi phí điện cấu thành lớn trong sản phẩm, dễ dẫn đến sản xuất kinh doanh đình đốn. Đáng mừng là các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh, chủ hộ cá thể cho biết sẽ “thắt lưng buộc bụng”, không giảm lương của công nhân, vì bản thân đối tượng này đã và đang phải gánh chịu chi phí tiêu dùng, sinh hoạt tăng lên” Bà Bùi Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Kinh tế quận Hải Châu |
DUYÊN ANH - HOÀNG HIỆP