Từ sự trợ giúp kinh phí mang tính động lực của chương trình khuyến công, các doanh nghiệp siêu nhỏ, các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đã phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Nhờ đầu tư máy móc, các đơn vị thụ hưởng chương trình khuyến công tăng năng suất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Trong ảnh: Sản xuất bảng tủ điện tại Công ty TNHH sản xuất - thương mại - xây dựng Điện Bích Hạnh (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). |
Ngoài nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2017, Bộ Công thương đã phê duyệt 2 đợt gồm 1,25 tỷ đồng phân bổ cho 3 đề án. Riêng UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Công thương phê duyệt phân bổ hoạt động khuyến công địa phương tổng kinh phí 990 triệu đồng với tổng số 18 đề án. Các đề án đều tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Theo Quyết định số 33/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành quy định chính sách khuyến công trên địa bàn thành phố, chương trình khuyến công không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, mà còn hướng đến hỗ trợ phát triển CNNT; khôi phục, phát triển nghề và làng nghề; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, đầu tư phát triển CNNT.
Với 3 lần nhận kinh phí hỗ trợ gần 500 triệu đồng từ khuyến công quốc gia và địa phương, Công ty TNHH MTV Sản xuất và thương mại Phát Tiến Hưng (gọi tắt là Công ty Phát Tiến Hưng, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) đã dần ổn định sản xuất. Công ty Phát Tiến Hưng vốn là doanh nghiệp siêu nhỏ sản xuất ống nhựa phế liệu với máy móc cũ, chỉ sản xuất mỗi giờ được 30kg sản phẩm. Mặt khác, cơ sở ở vùng huyện rất khó thu hút đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao, chưa kể hệ thống máy vận hành lạc hậu, khi gặp trục trặc phải liên hệ tận TP. Hồ Chí Minh để khắc phục. Hiện nay, trên diện tích 2.000m2 nhà xưởng, được sự hỗ trợ của đề án, công ty đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng nâng cấp công nghệ mới, giảm chi phí sản xuất. Sản phẩm ống nhựa cấp nước cung ứng ra thị trường đạt tiêu chuẩn quốc tế, công suất 700 tấn sản phẩm/năm và giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương.
Với nguồn kinh phí khuyến công được hỗ trợ, cơ sở sản xuất tranh gỗ Bình An của anh Nguyễn Văn An (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) như được tiếp thêm sức mạnh. Anh An cho biết: “Tôi không nghĩ cơ sở của mình được hỗ trợ vì quy mô sản xuất quá nhỏ. Nguồn kinh phí khuyến công đã giúp cơ sở sản xuất của tôi đứng vững, sản xuất ổn định, có sản phẩm ra thị trường”. Tận dụng mặt bằng gia đình tại nông thôn, cơ sở Bình An đang đầu tư một số máy để sản xuất sản phẩm tranh gỗ, Đà Nẵng là thị trường tiềm năng của mặt hàng thủ công mỹ nghệ này.
Chương trình sản xuất sạch hơn cũng là một trong những nội dung mà công tác khuyến công Đà Nẵng chú trọng. Các hộ thụ hưởng tuy sản xuất nhỏ nhưng có ý thức về sản xuất sạch hơn nhằm tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và đưa ra thị trường những sản phẩm thân thiện với môi trường. Công ty TNHH sản xuất - thương mại - xây dựng (SX-TM-XD) Điện Bích Hạnh (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) là một điển hình được Sở Công thương và UBND huyện Hòa Vang chọn xây dựng chương trình trình diễn làm mô hình để nhiều cơ sở khác học tập. Thông qua kỹ thuật sản xuất tủ bảng điện, công ty được nhận kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng để đầu tư hoàn thiện các thiết bị, máy móc sản xuất theo công nghệ châu Á, giúp giảm chi phí đầu vào do sử dụng 100% vật liệu trong nước.
Ông Huỳnh Ngọc Trung, Giám đốc Công ty SX-TM-XD Điện Bích Hạnh chia sẻ: “Đúng là cơ duyên khi chúng tôi được chương trình khuyến công hỗ trợ vốn đầu tư để phát triển. Nhờ đó, chúng tôi có lợi nhuận, lấy lợi nhuận tái đầu tư, giải quyết việc làm cho những lao động vùng nông thôn. Đến nay, doanh nghiệp tôi đã mở rộng nhà máy sản xuất không chỉ trong nước mà còn tại nước bạn Lào, Campuchia, Malaysia...”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương, phần lớn các cơ sở CNNT còn nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất, kinh doanh mang tính hộ gia đình, thiếu vốn đầu tư cũng như khó khăn về huy động vốn; đặc biệt là chưa có khả năng đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại; thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao, dẫn đến hạn chế trong quá trình phát triển của cơ sở. Thực tế này diễn ra từ nhiều năm nay. Ông Đặng Nam Thủy, Giám đốc Công ty Phát Tiến Hưng đề xuất: “Dù khoản hỗ trợ rất nhỏ so với tổng vốn đầu tư nhưng đó là động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Hơn nữa, chúng tôi cũng được sự tư vấn của Sở Công thương để cải tiến kỹ thuật… Tuy nhiên, chúng tôi là những cơ sở, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn nên việc tự vận động rất khó. Nếu các đơn vị cùng liên kết để học tập, chia sẻ kinh nghiệm, hợp lực làm thị trường; đồng thời có sự hỗ trợ kết nối cung - cầu từ thành phố thì chắc chắn cơ sở CNNT sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới”.
Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương Đà Nẵng cho rằng, chương trình khuyến công là chính sách thiết thực, dù khoản kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp không lớn nhưng là động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ, tăng giá trị sản phẩm.
Năm 2016, Đà Nẵng chỉ có 13 đề án khuyến công với tổng kinh phí 1,260 tỷ đồng từ nguồn khuyến công Trung ương và địa phương. Năm 2017 có 24 đề án với tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH