KHAI THÁC ĐẤT, ĐÁ Ở XÃ HÒA NHƠN (HUYỆN HÒA VANG)

Ruộng vườn bỏ hoang vì bị bồi lấp

.

Đất, bùn đỏ và bột đá từ các mỏ trên địa bàn xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) tràn xuống, bồi lấp đến 29,95ha ruộng và nhiều diện tích vườn, làm người dân không thể sản xuất. Ngoài ra, các xe chở đất, đá cày nát các đường dân sinh, trời nắng phát sinh nhiều bụi, trời mưa đường thành bãi lầy.

Các mỏ đất, đá, trạm nghiền để trôi bùn đỏ, bột đá xuống bồi lấp ruộng vườn của người dân.
Các mỏ đất, đá, trạm nghiền để trôi bùn đỏ, bột đá xuống bồi lấp ruộng vườn của người dân.

3 lần gieo lúa vẫn mất mùa

Phước Thuận là thôn có nhiều mỏ đất, đá đã và đang hoạt động, đồng thời có nhiều tuyến, đoạn đường dân sinh bị cày nát và hơn 19ha ruộng đồng bị bồi lấp bởi đất đá, bùn đỏ, bột đá nên không thể sản xuất. Dù đang thời gian cao điểm làm đất để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân nhưng phần lớn diện tích sản xuất lúa đều bỏ hoang cho cỏ mọc và không mấy nông dân ra đồng làm đất.

“Nhà tôi có 4,5 sào ruộng (1 sào = 500m2 - PV), nhưng bị bồi lấp bùn đỏ sâu đến đầu gối mất 2,5 sào. Cạnh đó, mất thêm 0,5 sào vì không có nước tưới, còn 1 sào chỉ gieo sạ được vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì không có nước sản xuất do các mỏ đào đắp chặn mất khe nước.

Cũng do bị bồi lấp bùn đỏ và bột đá nên phải bỏ hoang 3.370m2 đất vườn vì không trồng rau được, trồng cây ăn quả thì bị còi cọc. Ruộng và vườn đều phải bỏ hoang do bị bồi lấp và thiếu nước tưới nhưng đại diện các mỏ đất, đá nói là do thiên tai, thời tiết, chứ họ không đổ đất, đá xuống ruộng nên không chịu bồi thường thiệt hại cho người dân”, bà Huỳnh Thị Hạ (trú tổ 2, thôn Phước Thuận) bức xúc.

Ông Đặng Lục (trú tổ 2, thôn Phước Thuận) cho hay: “Gia đình tôi có 5 sào ruộng nhưng chỉ sản xuất được 1 vụ đông xuân vì thiếu nước, không được mùa do bùn đỏ và bột đá bồi lấp. Vụ đông xuân vừa rồi phải gieo sạ 3 lần nhưng không thu hoạch được nhiều nên hiện nay phải chạy ra cửa hàng tạp hóa mua 10 cân gạo về ăn. Năm ngoái, dân chặn xe ra vào các mỏ, các chủ mỏ thống nhất làm đường công vụ để khai thác đất, đá, nhưng đến nay tuyến đường này lầy lội, sạt lở do mưa nên các xe ben cứ chạy vào cày nát đường dân sinh”.

Theo UBND xã Hòa Nhơn, tại cánh đồng Hố Rái của thôn Phước Thuận có hơn 4ha ruộng bị bồi lấp do các công ty khai thác mỏ để chảy trôi đất, đá. Đáng nói, trong nhiều năm liền, các đơn vị khai thác mỏ này không chịu chi trả tiền hỗ trợ sản xuất cho người dân.

Năm 2016, UBND xã tổ chức hòa giải tranh chấp giữa các hộ dân và doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp thống nhất phương án chống rửa trôi đất, đá; còn người dân đồng ý chuyển đổi cây trồng phù hợp thay cây lúa và hoa màu. Ngoài ra, còn khoảng 15ha ruộng ở cánh đồng Lương Điền, Hố Bạc, Hố Trầu, Đồng Thung… của thôn Phước Thuận cũng bị bồi lấp và bỏ ruộng hoang.

Đường dân sinh ở tổ 2, thôn Phước Thuận bị các xe ben chở đất, đá phá nát do đường công vụ bị cày thành bãi lầy. 	                  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đường dân sinh ở tổ 2, thôn Phước Thuận bị các xe ben chở đất, đá phá nát do đường công vụ bị cày thành bãi lầy. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đề nghị hỗ trợ vụ mùa không sản xuất được

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Trần Văn Thu, việc khai thác đất, đá của 14 doanh nghiệp trên địa bàn xã không những gây bồi lấp cho diện tích 19ha ruộng của thôn Phước Thuận, mà còn gây bồi lấp và treo nước (do khai thác đất đầu nguồn làm cạn kiệt nguồn nước) cho 10ha ruộng ở các thôn Phước Hậu và Thạch Nham Đông.

“UBND xã đã đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ vụ mùa không sản xuất được cho nhân dân hằng năm. Riêng cánh đồng Hố Rái, xã tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp còn nợ phải chi trả. Bên cạnh đó, kiến nghị UBND huyện Hòa Vang có hướng đề xuất UBND thành phố thu hồi hẳn các diện tích không sản xuất được”, ông Thu cho biết.    

Theo UBND huyện Hòa Vang, trên địa bàn huyện có 25 mỏ khoáng sản được UBND thành phố cấp phép khai thác với tổng diện tích 130,5ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Hòa Nhơn, Hòa Sơn và Hòa Ninh. Trong quá trình hoạt động, hầu hết các đơn vị đều tuân thủ pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với địa phương.

Tuy nhiên, việc hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường của các doanh nghiệp sau khi kết thúc hoạt động khai thác không được thực hiện nghiêm túc, để lại hiện trạng sau khai thác rất nham nhở, khó sử dụng vào mục đích khác, như: Công ty TNHH Đại Hồng Tiến, Công ty TNHH Vạn Tường, Công ty Focosev (khai thác đất đồi tại xã Hòa Nhơn không hoàn thổ).

Vừa qua, UBND huyện Hòa Vang kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực tham mưu trong việc hạn chế cấp phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp tại những vị trí mới; đề nghị các doanh nghiệp đang hoạt động lập bảng niêm yết công bố dự án tại khu vực khai thác; kiên quyết xử lý những đơn vị chây ỳ, không thực hiện đúng nội dung đóng cửa mỏ đã được UBND thành phố phê duyệt.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.