Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước, sau gần 3 năm triển khai vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ nhằm hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu vỏ thép để khai thác hải sản xa bờ với mức cho vay lên tới hàng chục tỷ đồng, bước đầu đã có kết quả. Tuy nhiên, thực tế ở Đà Nẵng, số lượng hồ sơ đáp ứng yêu cầu cũng như số trường hợp đã được giải ngân không nhiều so với nhu cầu thực tế và có xu hướng giảm qua từng năm.
Nhiều tổ chức, cá nhân gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 67 do những vướng mắc về khả năng tài chính và phương án trả nợ. TRONG ẢNH: Ngư dân quận Thanh Khê khai thác bằng tàu gỗ. |
Năm 2015, ông Trần Văn Được (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) làm hồ sơ vay vốn từ Nghị định 67 hơn 15 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Đà Nẵng để đóng mới tàu vỏ thép. Tuy nhiên, ông không đáp ứng các yêu cầu về tài chính do còn dư nợ ở một số tổ chức tín dụng khác; đồng thời, phương án sản xuất không bảo đảm hiệu quả, khả năng trả nợ cho ngân hàng không bảo đảm.
Cùng hoàn cảnh như trên là hàng chục cá nhân, tổ chức hoạt động khai thác nghề cá trên địa bàn Đà Nẵng đều không tiếp cận được nguồn vốn từ Nghị định 67, phần lớn do những vấn đề như trường hợp ông Được.
Ông Trần Văn Thành, Phó phòng Kinh tế quận Sơn Trà cho biết, thời gian đầu (năm 2015), khi Nghị định 67 mới được ban hành, ngư dân trên địa bàn quận háo hức tìm hiểu, hàng chục hồ sơ vay vốn được gửi với hy vọng vay nguồn vốn lớn ưu đãi về lãi suất nhằm nâng cao quy mô hoạt động khai thác. Thế nhưng, số hồ sơ đáp ứng yêu cầu để vay vốn rất ít, số lượng hồ sơ đăng ký cũng giảm dần theo từng năm. Cụ thể: năm 2015 có 10 hồ sơ, năm 2016 giảm còn 5 hồ sơ và đến năm 2017 chỉ còn 2 hồ sơ.
Từ năm 2015 đến nay, qua rà soát, Phòng Kinh tế quận đã chuyển lên UBND thành phố 15 hồ sơ vay vốn nhưng chỉ 5 hồ sơ được phê duyệt, giải ngân. Năm 2017, hai hồ sơ được gửi lên nhưng không có trường hợp nào đáp ứng yêu cầu. 5 hộ đã được vay vốn từ Nghị định 67 trên địa bàn quận bao gồm: hộ ông Lê Văn Nhắn (phường Nại Hiên Đông) được vay 6,6 tỷ đồng để đóng mới tàu khai thác hải sản vỏ gỗ có công suất 1.000 CV; hộ ông Trần Văn Mười (phường Mân Thái) được vay 17,230 tỷ đồng đóng mới tàu vỏ thép có công suất 822 CV; hộ ông Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông) được vay 17,6 tỷ đồng đóng mới tàu vỏ thép công suất 820 CV và vay tiếp lần hai hơn 4,2 tỷ đồng để đóng mới tàu vỏ gỗ có công suất 1.030 CV; hộ ông Võ Thế (phường An Hải Đông) vay nâng cấp ngư lưới cụ.
Trên địa bàn quận Thanh Khê, từ năm 2016 đến nay, có 7 hồ sơ vay vốn theo Nghị định 67 nhưng chỉ 2 trường hợp được phê duyệt và giải ngân từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Đà Nẵng. Đó là ngư dân Lê Văn Thương (phường Hòa Khê) được vay 800 triệu đồng để mua sắm ngư lưới cụ và ngư dân Đào Ngọc Minh Tâm (phường Thanh Khê Đông) được vay 16,4 tỷ đồng trong vòng 15 năm để đóng mới tàu vỏ thép công suất 822 CV.
Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê nói rằng, nhiều ngư dân háo hức với việc vay vốn từ Nghị định 67 vì được Nhà nước hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên thực tế, rất ít hồ sơ thẩm định đạt yêu cầu của các ngân hàng, chủ yếu do không chứng minh được nguồn vốn đối ứng, phương án sản xuất và không bảo đảm phương án trả nợ. Bên cạnh đó, mặc dù số vốn được vay theo Nghị định 67 khá lớn nhưng nhiều ngư dân e ngại khi tiếp cận vì lo sợ không đủ khả năng trả nợ gốc và lãi.
Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại kêu khó khi không thể khai thác được nguồn khách hàng theo Nghị định 67. Đại diện Agribank - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, qua 3 năm, đơn vị này chưa giải ngân được trường hợp nào mặc dù nguồn vốn không thiếu.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng, trong 3 năm qua, đơn vị đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố thực hiện chính sách tín dụng trong đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67.
Tính đến tháng 10-2017, có 24 hồ sơ của 4 tổ chức và 20 cá nhân đáp ứng đầy đủ điểu kiện quy định vay vốn theo Nghị định 67, trong đó có 23 hồ sơ được vay vốn để đóng mới tàu vỏ thép và 4 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite với số tiền đã giải ngân hơn 107 tỷ đồng; có 2 trường hợp được cấp vốn mua sắm trang thiết bị khai thác và ngư lưới cụ với tổng vốn đã giải ngân 1,85 tỷ đồng, chủ yếu ở 3 quận Hải Châu, Sơn Trà và Thanh Khê. Song, con số này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực sự của ngư dân.
Tại cuộc đối thoại do Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào tháng 10 vừa qua, các địa phương và ngư dân đã trình bày rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay vốn từ Nghị định 67, trong đó nhấn mạnh thời gian ngân hàng thương mại thẩm định phương án sản xuất và vay vốn của các tổ chức cũng như cá nhân kéo dài, hồ sơ thủ tục nhiều hơn quy định hiện hành.
Theo quy định, việc đóng mới phương tiện phải sử dụng máy mới, trong khi việc đầu tư máy mới tốn nhiều tiền, nâng tổng vốn đầu tư đóng tàu lên rất cao, khiến ngư dân e ngại khả năng trả nợ vốn. Một số ngân hàng yêu cầu ngoài chiếc tàu hình thành từ nguồn vốn vay làm tài sản thế chấp, còn phải có tài sản bảo đảm khác. Ngoài ra, ngư dân vốn quen vận hành tàu vỏ gỗ nên khi chuyển sang tàu vỏ thép thì họ gặp khó khăn.
Ông Trần Văn Mười (ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà) là một trong 5 ngư dân được vay 17,23 tỷ đồng từ Nghị định 67 để đóng mới tàu vỏ thép với công suất 822 CV, đến nay đã đi vào hoạt động. Song, điều khiến ông Mười lo lắng nhất là khả năng trả nợ.
Ông Mười kiến nghị, cần kéo dài thời gian trả nợ, hiện nay là 15 năm, bởi với số vốn vay đóng mới tàu vỏ thép rất lớn, trong khi việc đánh bắt, khai thác hải sản chỉ có một khoảng thời gian nhất định trong năm. Nhất là những thời điểm mùa mưa bão hoặc tàu bị sự cố hư hỏng phải nằm bờ lâu ngày để sửa chữa, bảo dưỡng, không thể hoạt động thì ngân hàng không nên thu nợ gốc, không áp dụng lãi phạt.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH