Tri đề là tên gọi địa phương về thủy nông viên, những người bám ruộng đồng, kênh mương, đêm hôm theo con nước, trổ vào tưới từng thửa ruộng. Thiếu tri đề do ít người chịu làm đã nảy sinh những bất cập trong điều tiết nước tưới, đặc biệt đặt ra vấn đề về việc sử dụng thủy lợi phí.
Xã Hòa Liên không có lực lượng tri đề, phải sử dụng các trạm bơm điện tưới, nên nhiều thửa ruộng trong những năm qua thiếu nước. |
Nơi thiếu nước, nơi ngập úng cục bộ
Trước đây, nhờ có mạng lưới kênh, mương phủ khắp, nước từ hồ Hòa Trung chảy về, người nông dân xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) không cần phải vội trổ nước, bước chân ra đồng là có nước đầy mương. Những năm gần đây, việc san lấp ruộng đồng thi công các khu tái định cư, Khu công nghệ thông tin và Khu công nghệ cao, không những làm sụt giảm diện tích tưới khoảng 200ha, mà còn chặn, cắt đứt nhiều tuyến kênh, mương.
Nước từ hồ Hòa Trung dư phải xả từ cuối vụ hè thu để kịp đón lũ, trong khi phải đặt nhiều trạm bơm điện để đưa nước từ những ao hồ lên tưới ruộng. Nước từ các ao, hồ này không mấy dư dả, thậm chí rất hạn chế, phải tiến hành bơm và điều tiết tưới luân phiên. Việc vừa không có tri đề, vừa phối hợp chưa tốt giữa đơn vị vận hành trạm bơm điện và chính quyền địa phương cùng người nông dân dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu nước…
“Trong 2 vụ sản xuất của năm 2017, nước tưới tại một số cánh đồng không bảo đảm dẫn đến việc thiếu nước vào cuối vụ sản xuất, trong khi đó có nơi bị ngập úng cục bộ. Một số tuyến mương tưới tiêu cũng không bảo đảm nhưng chậm khắc phục.
Hệ thống tưới từ hồ Hòa Trung bị ảnh hưởng do các dự án, phải sử dụng các trạm bơm điện nên nảy sinh hạn chế là trong một khoảng thời gian, nếu bà con nông dân không ra đồng trổ nước vào ruộng hoặc hệ thống kênh mương có vấn đề là ảnh hưởng đến vụ mùa.
Xã Hòa Liên đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng tăng cường công tác quản lý, điều tiết hoạt động bơm phù hợp và sửa chữa khắc phục một số tuyến kênh, đập dâng xuống cấp, hư hỏng”, ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho hay.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Sâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cho rằng, vấn đề nước tưới của xã Hòa Liên là do không có tri đề của từng thôn hoặc hợp tác xã. Các trạm bơm điện hoạt động theo lịch tưới, đợt tưới và căn cứ theo tình hình thời tiết.
Do không có tri đề của địa phương, cán bộ thủy nông của công ty không thể lo nổi việc trổ nước cho 200-250ha lúa của xã. “Công ty cũng đã làm việc với UBND xã Hòa Liên nhưng khi nước về đồng thì nhiều nông dân không ra trổ nước về ruộng. Thời gian tới, công ty sẽ làm việc cụ thể với xã để phối hợp chặt chẽ hơn trong việc cấp nước tưới”, ông Sâm nói.
Cũng theo ông Lê Văn Sâm, trên địa bàn huyện Hòa Vang chỉ có xã Hòa Tiến có lực lượng thủy nông viên cơ sở tương đối mạnh. Nhiều xã thì thôn có, thôn không và cũng có những xã không có thủy nông viên cơ sở.
“Theo quy định, công ty chỉ phụ trách vận hành tuyến đầu mối và tuyến kênh cấp 1, cấp 2; còn tuyến kênh cấp 3 trở xuống và kênh, mương nội đồng là nhiệm vụ của địa phương. Công ty kiến nghị huyện Hòa Vang quan tâm củng cố lại lực lượng thủy nông viên ở cơ sở”, ông Sâm nhấn mạnh.
Thủy lợi phí đi đâu?
Nguyên nhân không có hoặc thiếu tri đề ở nhiều nơi một phần vì nghề này vất vả, đêm dầm mưa, ngày dãi nắng theo con nước về để trổ vào từng thửa ruộng, rồi đắp bờ, vệ sinh kênh mương. Nhọc nhằn là vậy nhưng thu nhập thấp và thường xảy ra va chạm, bị nông dân chê trổ nước chậm, bắt bồi thường vì thiếu nước gây mất mùa. Các tri đề cũng bị mang tiếng là nông dân trả thù lao cao (do nộp thủy lợi phí nhiều) nhưng làm việc kém hiệu quả...
Đặc biệt, nhiều nơi không có tri đề nhưng vẫn thu đủ thủy lợi phí làm dấy lên thắc mắc về việc sử dụng tiền thủy lợi phí.
“Các thôn tự hợp đồng với người phù hợp làm tri đề và căn cứ vào công cán của tri đề để chi trả thù lao từ nguồn thủy lợi phí. Mức đóng góp thủy lợi phí tùy thuộc vào đặc điểm của kênh mương, nguồn nước và số hộ sản xuất. Ở khu vực chuyển tải nước về khó khăn và có ít hộ thì mức đóng góp thủy lợi phí cao; ngược lại, ở những nơi có thủy lợi thuận lợi và đông hộ thì mức đóng góp ít lại. Các thôn điều hành thu, chi nguồn thủy lợi phí, xã thường xuyên kiểm tra, giám sát và kịp thời chỉ đạo khi phát hiện thấy sự không hợp lý”, ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến chia sẻ.
Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay: “Thù lao cho lực lượng thủy nông viên, tri đề lấy từ nguồn thủy lợi phí chi trả. Nhiều nơi không có thủy nông viên cơ sở và cũng không chịu ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng thì thủy lợi phí đi đâu?
UBND huyện sẽ chỉ đạo phòng chức năng kiểm tra cụ thể việc quản lý và sử dụng thủy lợi phí ở một số xã. Trước mắt, chỉ đạo các xã chưa có tri đề, thủy nông viên, khẩn trương tổ chức lực lượng này, đồng thời chỉ đạo các thôn hoặc hợp tác xã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng để bảo đảm phục vụ nước tưới cho kịp thời”.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP