Dự án di dời ga Đà Nẵng: Bao giờ khởi công?

.

Dự án di dời ga đường sắt là công trình trọng điểm của Đà Nẵng. Trước đây, theo quy hoạch, dự án được thực hiện trước năm 2020 nhưng không tìm được nguồn lực tài chính nên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị giãn ra sau năm 2020.

Tuy nhiên, xét thấy tính cấp bách của công trình trọng điểm này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, năm 2017, Bộ GTVT và UBND thành phố họp bàn, quyết tâm thực hiện sớm dự án, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo phải khởi động dự án, chuẩn bị đầu tư, tìm nguồn lực…

Ga Đà Nẵng được thiết kế để đón, chờ vài trăm khách, nay nhu cầu lên đến gần 2.500 lượt người mỗi ngày.
Ga Đà Nẵng được thiết kế để đón, chờ vài trăm khách, nay nhu cầu lên đến gần 2.500 lượt người mỗi ngày.

Theo dự kiến, nguồn lực đầu tư di dời ga Đà Nẵng theo hình thức xã hội hóa. Về quy mô dự án, sẽ xây mới tuyến đường sắt tránh trung tâm thành phố dài 18,26km, xây mới ga hành khách thay thế khu ga Đà Nẵng hiện tại, nâng cấp ga Lệ Trạch; xây mới cầu Nam Ô và Quan Nam, 1 cầu vượt đường sắt và 4 đường ngang tại các điểm giao cắt, xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ phục vụ chạy tàu; xây dựng ga hàng hóa Kim Liên, đường bộ kết nối ga hành khách với quốc lộ 1A... Về phương án tài chính, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có xã hội hóa, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Tuy vậy, mới đây xuất hiện những tín hiệu không thuận lợi cho phương án và nguồn vốn đầu tư dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng. Cụ thể, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ để góp ý cho phương án đầu tư dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi khu vực nội đô do Bộ GTVT đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) khẳng định, việc sử dụng vốn đầu tư công cho công trình này trong giai đoạn 2016-2020 không khả thi.

Theo Bộ KH-ĐT, hiện nguồn vốn đầu tư công, bao gồm ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 đã được phân bổ hết và chưa có chủ trương sử dụng vốn dự phòng. Bên cạnh đó, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương nên không có căn cứ để bố trí vốn cho dự án này.

Do đó, để việc di dời ga có tính khả thi, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng rà soát, tính toán lại quy mô, phương án đầu tư dự án phù hợp với cân đối, bố trí nguồn vốn.

Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung cho biết: “Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian để triển khai dự án, từ khâu xin chủ trương, khảo sát quy hoạch, đến tìm nhà đầu tư, nguồn vốn Trung ương, thành phố đã có hàng chục cuộc họp liên quan đến vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa khởi công”.

Nếu theo kiến nghị của Bộ KH-ĐT, trường hợp không thể bố trí vốn trong giai đoạn trước năm 2020, UBND thành phố cùng các đơn vị liên quan đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho chủ trương về bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (từ ngân sách hoặc ODA) giai đoạn 2020-2025 để Bộ GTVT và UBND thành phố có cơ sở triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.

TS. KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị- HĐND thành phố cho rằng, trước hết, cần rà soát lại quy hoạch, đánh giá sự phù hợp của nhà ga với thực tiễn phát triển của thành phố, xem xét tương quan nhà ga với các nhân tố mới (khu công nghiệp, khu đô thị...), với các đầu mối giao thông khác (ga hàng không, cảng, bến xe liên tỉnh) và hệ thống giao thông kết nối đô thị (BRT, xe buýt, tàu điện...).

Trong định hướng phát triển, khi quy mô dân số tăng lên 2-3 triệu người và nhất là xem xét Đà Nẵng trong vai trò trung tâm khu vực, liên kết vùng là mục tiêu quan trọng. Kế đến, cần xác định đây là dự án trọng điểm sớm được triển khai để giải quyết nhiều mục tiêu như đã nói ở trên.

Điều này nghĩa là phải có quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền. Cuối cùng, để tránh những bất cập trong quản lý đô thị, công tác quy hoạch, công bố quy hoạch và quản lý hoạt động xây dựng của địa phương phải được tăng cường, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, trái phép ở khu vực triển khai dự án.

Vì chưa tìm ra nguồn vốn đầu tư khả thi nên dự án được Bộ GTVT nghiên cứu phương án phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.724 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 gần 3.400 tỷ đồng.

Song, do tính chất đặc thù của ngành đường sắt, cộng với tổng vốn cao nên các phương án đầu tư theo cơ chế đối tác công - tư với các hình hợp đồng như BT, BLT, BOT, BT kết hợp BLT; BT kết hợp BOT… rất khó khả thi về tài chính. Bên cạnh đó, việc vay vốn thương mại từ các tổ chức tín dụng cũng không mấy khả quan.

Tại buổi làm việc giữa UBND thành phố với Bộ GTVT vào cuối tháng 5-2017, hai bên đã thống nhất xây dựng dự án theo hình thức đầu tư công, sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có xã hội hóa, ngân sách Trung ương và địa phương.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, dự kiến nguồn thu từ khai thác quỹ đất nhà ga (hiện tại) là 1.192 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng là hạng mục khó khăn nhất. Nếu phương án trên được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, thành phố sẽ triển khai giải phóng mặt bằng trước để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại nhà ga sẽ di dời, đảm bảo đến năm 2019 có mặt bằng sạch cho dự án. Đây là bước đi cuối cùng thể hiện quyết tâm di dời Ga Đà Nẵng ra địa điểm mới.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng phải xem xét để bảo đảm tính phù hợp trong tổng thể đề án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, dự kiến báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 10-2018; kịp thời tiếp thu, chỉnh sửa, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình kỳ họp Quốc hội vào tháng 5-2019.

“Chúng tôi thống nhất khi nghiên cứu phải tính tới yếu tố đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi đâu và Ga Đà Nẵng sẽ di dời như thế nào, chứ không khéo lại chồng chéo lẫn nhau. Yêu cầu Cục Đường sắt làm việc lại với tư vấn, lồng ghép vị trí dự kiến di dời Ga Đà Nẵng trong tổng thể đường sắt cao tốc Bắc - Nam để có sự phối hợp nhịp nhàng, không chồng chéo. Song, hiện nay không có kinh phí thực hiện di dời Ga Đà Nẵng.

Vì vậy, thành phố phối hợp với Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, đề xuất giải quyết đột xuất thông qua vốn dự phòng, vốn tăng thu hoặc các nguồn hóa giá, cổ phần hóa doanh nghiệp…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

“Dự án nhà ga đường sắt mới được xếp vào loại dự án chậm triển khai, “treo” quá lâu. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu nguồn vốn đầu tư, bên cạnh đó còn có nguyên nhân là sự thiếu quyết liệt của các bộ, ngành và của chính thành phố.

Hệ lụy lớn nhất mà thành phố phải đối mặt là tình trạng xây dựng trái phép tại khu vực dự kiến xây dựng nhà ga. Hàng ngàn hộ dân đã làm nhà, đất đai chia tách trái quy định..., nghĩa là kinh phí đầu tư xây dựng nhà ga rất cao, chủ yếu là kinh phí đền bù giải tỏa.

Ngoài ra, việc chậm triển khai dự án đã làm tính phù hợp về mặt quy hoạch tổng thể cần được xem xét. Trước đây, xác định vị trí nhà ga mới nằm ở khu vực ngoại vi thành phố là hợp lý. Nhưng thực tế phát triển đô thị trong thời gian qua, các khu chức năng khác dần hình thành ở khu vực phía tây thành phố, vị trí nhà ga mới lại gần rơi vào nội vi đô thị. Nếu không được cân nhắc thận trọng, sẽ phát sinh những bất cập trong tổ chức giao thông, đô thị trong tương lai không xa”

TS. KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị - HĐND thành phố

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.
.
.