Du lịch Đà Nẵng đang phát triển với tốc độ rất nhanh nhưng loại hình du lịch mua sắm vẫn chưa được đầu tư. Hiện thành phố đã bắt đầu có những cửa hàng mua sắm tập trung nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Du khách trải nghiệm mua sắm tại chợ Hàn. Ảnh: XUÂN SƠN |
Một trong những điểm đến được đông đảo du khách quốc tế lựa chọn là chợ Hàn. Tại đây, du khách có thể mua những mặt hàng yêu thích như túi, ví, các loại vòng đeo tay, đeo cổ…, hay đặc sản địa phương. Chị Nguyễn Thị Yến, chủ một ki-ốt tại chợ Hàn cho hay, ngoài các đặc sản địa phương như cá, tôm, mực khô…, những hàng lưu niệm khác như túi, ví, vòng đeo tay, đeo cổ… khá đại trà, không mang tính đặc trưng, được bày bán ở nhiều nơi, chứ không riêng ở chợ nên khó giới thiệu với du khách.
Ngoài chợ Hàn, chợ Cồn, tại các điểm tham quan như Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Công viên Châu Á, Bến du thuyền DHC-Marina… cũng bày bán các sản phẩm lưu niệm nhưng các mặt hàng khá đơn điệu, chưa tạo điểm nhấn thu hút, kích thích du khách mua sắm.
Trong khi đó, một số cửa hàng lưu niệm như Souvenir (đường Bạch Đằng, đường Nguyễn Chí Thanh) tạo dấu ấn bằng cách bày bán những hàng “độc”, đặc trưng của Đà Nẵng như áo thun, túi vải, cốc uống nước, móc khóa… có in hình voọc chà vá chân nâu. Chọn một chiếc túi nhỏ một mặt có in dòng chữ “I love Đà Nẵng”, mặt kia là hình chú voọc ngộ nghĩnh, chị Thùy Dương (người Đà Nẵng, hiện là du học sinh tại Mỹ) cho biết:
“Khi đi du lịch, tôi thường mua những món đồ lưu niệm nhỏ mang đậm tính địa phương để nhớ tôi từng đến vùng đất đó và biết đâu khi tôi dùng nó thì sẽ có nhiều người nhìn thấy và tò mò về vùng đất tôi đã đi qua. Đây cũng là cách để tôi giới thiệu Đà Nẵng với bạn bè quốc tế”.
Hiện nay, một số đơn vị lữ hành quan tâm các sản phẩm mua sắm dành cho khách du lịch và hình thành những tour dành cho khách thích mua sắm. Anh Nguyễn Minh Lợi, nhân viên Chi nhánh Công ty TNHH Đường về châu Á tại Đà Nẵng cho hay:
“Thực ra, mua sắm là nhu cầu của rất nhiều người, nhất là những người trẻ. Họ sẵn sàng chi tiền mua những mặt hàng mà họ yêu thích. Quan trọng là chúng ta có những địa điểm, cửa hàng bày bán những sản phẩm phù hợp với sở thích, thị hiếu của du khách.
Chẳng hạn, nhiều khách quốc tế đến Đà Nẵng rất thích mặc áo dài truyền thống của Việt Nam, tại sao chúng ta không có những cửa hàng may nhanh như ở Hội An để khách có thể chọn vải, đặt may và lấy ngay trong ngày?”.
Du khách quốc tế mua sắm đồ kỷ niệm và đặc sản khi đi du lịch Đà Nẵng |
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) thẳng thắn nhìn nhận, Đà Nẵng vẫn đang thiếu các tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí, các khu mua sắm, ẩm thực… để thu hút và giữ chân du khách.
Đã đến lúc Đà Nẵng cần xem mua sắm là một sản phẩm du lịch; cần có những trung tâm mua sắm lớn, uy tín, đa dạng, bảo đảm quyền lợi của du khách. Thành phố nên sớm có các khu phố đặc trưng, từ đó hình thành những sản phẩm, xây dựng các tour liên quan mua sắm để vừa đa dạng sản phẩm, vừa kích thích chi tiêu của du khách.
Trong kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đà Nẵng xác định quy hoạch và kêu gọi xã hội hóa đầu tư kinh doanh khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, chợ đêm quy mô lớn phục vụ du khách (khu vực đường Võ Nguyên Giáp-Trường Sa từ ngã ba đường Hồ Xuân Hương đến giáp ranh tỉnh Quảng Nam); nghiên cứu hình thành làng chài (nhà truyền thống làng nghề, khu vui chơi thể thao, khu mua bán hàng lưu niệm mỹ nghệ, khu chế biến mắm, hội làng…) tại khu vực trung tâm giữa các phường Phước Mỹ, Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà) để du khách trải nghiệm, góp phần bảo tồn nghề thủy sản truyền thống Đà Nẵng.
Thành phố kêu gọi hình thành các trung tâm thương mại lớn, trong đó tập trung thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm quốc tế (mô hình shopping mall) gắn với phát triển dịch vụ logistics và các nhà hàng ẩm thực đặc trưng miền Trung, Việt Nam và quốc tế...
Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm du lịch như triển khai quy hoạch hình thành phố du lịch 24/7 trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn; sớm kêu gọi đầu tư thí điểm hình thành phố đêm Sơn Trà (đoạn đường Mai Hắc Đế - Lý Nam Đế); triển khai đề án Phố chuyên doanh phục vụ du lịch; khuyến khích đẩy mạnh sản xuất mở rộng thị trường hàng lưu niệm đặc trưng của thành phố…
"Cần xem mua sắm là một sản phẩm du lịch; cần có những trung tâm mua sắm lớn, uy tín, đa dạng, bảo đảm quyền lợi của du khách” Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) |
Bài và ảnh: THU HÀ