Sau Tết, lao động tất bật rời quê

.

Sau Tết, ở huyện Hòa Vang, nhiều thanh niên, người trong độ tuổi lao động tất bật lên đường mưu sinh...

Sinh viên, người lao động tấp nập trở lại nơi học tập, làm việc.
Sinh viên, người lao động tấp nập trở lại nơi học tập, làm việc.

Những ngày này, tại các ngả đường, đâu đâu cũng thấy cảnh người người khệ nệ mang vác ba lô, hành lý vào Nam, ra Bắc. Đa số họ là lao động phổ thông, về quê ăn Tết xong, tranh thủ trở lại làm việc.
Anh Nguyễn Văn Hữu (thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong) cho biết: “Phải vào Nam làm mới đủ tiền lo cho con ăn học, ở nhà bám ruộng không đủ chi tiêu. Ai không muốn làm gần nhà, gần vợ con, nhưng vì cuộc sống nên phải chấp nhận thôi. Ở trong đó, tôi làm phụ hồ, tiết kiệm thì hằng tháng có thể gửi về 5 triệu đồng cho con ăn học”.

Anh T. V. Đ. (thôn Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong) chia sẻ: “Trong Nam việc nhiều, thu nhập tương đối. Nếu mình tiết kiệm thì cuối năm có thể sắm sửa nhiều thứ cho gia đình. Tôi vào Sài Gòn giữ xe, công việc không nặng nhọc nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, hết sức đề cao cảnh giác; nếu không, mất xe của khách thì không biết lấy gì đền!”.

Xã Hòa Phú cũng là xã có số lượng lớn người rời quê đi làm ăn xa. Là xã miền núi, đời sống người dân khó khăn, hầu hết không có nghề phụ, trong khi nghề nông không thể trang trải cuộc sống nên không tránh khỏi việc người dân “ly hương” để tìm việc làm, tăng thu nhập. Nhiều thanh niên sau khi học xong phổ thông không có điều kiện học lên đều chọn con đường vào các khu công nghiệp ở miền Nam để kiếm sống. Anh Lâm (thôn An Châu, xã Hòa Phú) cũng chọn con đường vào Nam vì: “Vào Nam là có việc, chủ yếu mình phải chịu khó, chứ ở nhà quanh đi quẩn lại với mấy sào ruộng, biết bao giờ mới khấm khá nổi”.

Trong khi đó, “ly nông không ly hương”, sau một tuần nghỉ Tết, chị Ánh Tuyết (thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong) trở lại nhà máy ở KCN Hòa Khánh để làm việc: “Lúc đầu tôi cũng tính vào Nam tìm việc, nhưng thương ba mẹ tuổi cao sức yếu nên tôi chọn làm công nhân ở KCN Hòa Khánh để có thể gần nhà hơn. Thực sự thì tôi muốn ở nhà làm cùng ba mẹ, nhưng nghề nông làm không đủ ăn”.

Ông Nguyễn Hoa (thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn) cho biết: “Năm nào cũng vậy, từ khoảng 27 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng, thôn xóm lại đông vui nhộn nhịp, chứ sau đó thì buồn hiu hắt. Nhiều người để con lại cho ông bà nội, ngoại rồi đi làm xa, thấy mà thương. Giá như ở quê có công ăn việc làm ổn định, mọi người không phải tha phương nữa thì tốt biết mấy”.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, số lao động trên địa bàn xã rời quê khá nhiều, chính vì thế việc quản lý gặp không ít khó khăn. Sau Tết, ở đây hầu hết chỉ còn người già và trẻ em. Nhiều gia đình có bao nhiêu người trong độ tuổi lao động thì bấy nhiêu người đều rời quê đến thành phố  lớn tìm việc.

Ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cũng cho hay, ở xã, số lượng thanh niên, người trong độ tuổi lao động rời quê nhiều, sinh viên thì đi học nên trong năm có nhiều hoạt động nhưng không biết tìm đâu ra thanh niên, đành phải vận động các em học sinh tham gia.

Tình trạng nhiều thanh niên, người trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa gây rất nhiều khó khăn cho địa phương. Trước hết, lao động chỉ còn người trung niên, lớn tuổi, vì thế, năng suất lao động thấp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế. Thứ hai, khó khăn trong các hoạt động phong trào. Ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang trăn trở: “Nghề nông thu nhập bấp bênh, không đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều thanh niên chọn đi làm ăn xa hoặc làm ở các khu công nghiệp. Ở nhà làm nông chỉ có người trung niên, lớn tuổi. Vì thế, năng suất lao động không cao nhưng phải đành chịu, không thể bắt thanh niên ở nhà làm được. Họ có quyền chọn cuộc sống tốt hơn”.

Bài và ảnh: THU THẢO

;
.
.
.
.
.
.