Siết chặt an toàn tiền gửi ngân hàng

.

Trước một số vụ cán bộ ngân hàng lợi dụng chức năng và quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của khách hàng, gây bức xúc trong dư luận, các chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng đã tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao đạo đức công vụ nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Các ngân hàng siết chặt kiểm soát tài sản, các giao dịch sau những sự cố xâm tiêu tài sản của khách hàng.
Các ngân hàng siết chặt kiểm soát tài sản, các giao dịch sau những sự cố xâm tiêu tài sản của khách hàng.

Theo ông Đầu Xuân Đức, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn dịch vụ tài chính kế toán Đầu Xuân Đức, những sự vụ xảy ra gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các ngân hàng và khách hàng gửi tiền, nhất là những khách hàng có lượng tiền gửi lớn. Bởi lẽ thực tế, bất cứ ngân hàng nào cũng có những khách hàng gửi tiền với số lượng lớn được chào đón, quan tâm “đặc biệt” nên dễ dẫn tới sự chủ quan.

Nhiều cán bộ ngân hàng còn cho hay, chính áp lực giữ chân khách VIP nên nhiều lúc cán bộ ngân hàng phải làm tắt quy trình để chiều lòng khách. “Nếu làm đúng quy trình, tiền gửi vào ngân hàng không bao giờ mất hoặc bị chiếm đoạt. Tất cả chỉ vì sự chủ quan của người gửi và lòng tham của cán bộ ngân hàng mới dẫn đến những sự cố đáng tiếc”, một đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Đà Nẵng nói.

Công tác bảo mật thông tin, tài sản của khách hàng tại các ngân hàng được triển khai từ lâu nhưng chính những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua là kinh nghiệm để các đơn vị siết chặt hơn nữa quy trình. Bên cạnh đó, các chuyên gia về tài chính - ngân hàng cũng khuyến cáo các cá nhân, tập thể gửi tiền cần thận trọng, không nên chủ quan “khoán trắng” tài sản của mình cho cán bộ ngân hàng.
Hiện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh Đà Nẵng áp dụng các hình thức quản lý thông tin, tài sản của khách hàng nghiêm ngặt như khuyến khích khách hàng tự mình ký tên trong các giao dịch, trên các ấn chỉ, giấy tờ chính thức, hạn chế để cán bộ ngân hàng làm thay; đồng thời, đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại vào tất cả quy trình quản lý, bảo mật thông tin, trong đó tăng cường kết nối thường xuyên với khách hàng. Ông Lâm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc VietinBank - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, VietinBank có trang web và chương trình phần mềm giúp khách hàng có thể truy cập và tra cứu mọi thông tin liên quan đến tài sản, giao dịch tại tất cả chi nhánh của VietinBank trên cả nước”.

Trong khi đó, với việc quản lý lượng khách hàng lớn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Đà Nẵng luôn tuân thủ các quy trình bảo mật thông tin của khách hàng và thường xuyên giám sát rủi ro hoạt động, thanh tra, kiểm tra nội bộ; không ngừng rà soát và hoàn thiện những quy định cũng như quy trình nghiệp vụ, tăng các chốt kiểm soát; mở các lớp tập huấn về nhận diện chữ ký giả - thật… Bên cạnh đó, Vietcombank đã xây dựng và áp dụng bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong toàn hệ thống nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức của cán bộ.

Các ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng luôn bảo mật những thông tin liên quan đến giao dịch như các thông tin về thẻ, mã pin, tên truy cập, mật khẩu truy cập… Không nên cung cấp những thông tin này qua các trao đổi, giao tiếp trên mạng xã hội; đăng ký dịch vụ SMS để biết ngay tình trạng biến động số dư tài khoản ngân hàng và tài khoản thẻ; định kỳ kiểm tra các giao dịch tài khoản thông qua dịch vụ Internet banking hoặc tại các điểm giao dịch. Ngoài ra, không truy cập vào các liên kết lạ; cẩn thận với những thư điện tử, tin nhắn, hoặc các cuộc gọi yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân và thông tin truy cập dịch vụ; không sử dụng tên truy cập và mật khẩu truy cập các dịch vụ ngân hàng điện tử làm mật khẩu truy cập các hệ thống khác ngoài ngân hàng. Khi phát hiện thẻ bị mất, thất lạc hoặc bị đánh cắp thông tin, khách hàng phải gọi điện thoại ngay cho trung tâm dịch vụ khách hàng của ngân hàng.

Ngoài các giải pháp nói trên, để bảo đảm an toàn tài sản khi gửi tiền vào các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhiều người dân bắt đầu tìm đến các dịch vụ như bảo hiểm tiền gửi nhằm phòng ngừa rủi ro khi xảy ra sự cố ngoài mong muốn, thậm chí với cả trường hợp ngân hàng phá sản. Theo ông Lê Quốc Thái, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tại Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2017, tổng số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thuộc địa bàn chi nhánh quản lý là 51 đơn vị, gồm 1 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 50 quỹ tín dụng nhân dân (bao gồm nhiều ngân hàng thương mại). Việc tham gia bảo hiểm tiền gửi sẽ giúp người dân an tâm hơn đối với tài sản gửi ở các ngân hàng.

Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, NHNN Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động và xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; cần thiết bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ, bảo đảm ban hành đầy đủ các quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Qua đó, ngân hàng phổ biến, quán triệt tới tất cả các đơn vị của tổ chức tín dụng, cán bộ nghiệp vụ để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; thường xuyên huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật cho cán bộ, nhân viên của tổ chức tín dụng...

Bài và ảnh: HOÀNG LINH

;
.
.
.
.
.
.