Tiếp tục cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh

.

Sáng 22-3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017. Theo đó, Đà Nẵng xếp vị trí thứ 2 với 70,11/100 điểm và chỉ đứng sau Quảng Ninh (70,69/100 điểm). Đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng năm nay là Đồng Tháp (68,78 điểm).

Dựa trên kết quả PCI 2017, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu triển khai các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). 													                          Ảnh: KHANG NINH
Dựa trên kết quả PCI 2017, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu triển khai các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). Ảnh: KHANG NINH

Đây là 3 địa phương đứng đầu được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc. 4 tỉnh có chất lượng điều hành tốt là Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và Quảng Nam. Điểm số PCI năm 2017 được đánh giá có bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của báo cáo PCI (năm 2005), nên dù Đà Nẵng có điểm tổng hợp cao hơn 0,11 điểm so với năm 2016 nhưng vẫn xếp thứ 2.

Theo đánh giá, năm 2017 chứng kiến sự cải thiện rõ rệt của Đà Nẵng trong chỉ số “Tiếp cận đất đai”. Từ năm 2014-2016, chỉ số này của thành phố chưa từng vượt qua mốc 6,5/10, song đến năm 2017 đạt 7,11/10, đưa Đà Nẵng vào top 5 địa phương đứng đầu cả nước trong lĩnh vực này.

Báo cáo cho thấy, 43% doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 77% DN cho rằng thành phố thay đổi khung giá đất phù hợp với giá thị trường. Trung bình các DN Đà Nẵng chỉ mất 17,5 ngày để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thấp hơn so với con số trung bình của cả nước (25 ngày).

Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ DN” cũng tăng mạnh từ 5,99/10 (năm 2016) lên 6,93/10 (năm 2017). Chỉ số này dựa trên đánh giá về tỷ lệ DN cung cấp và sử dụng các dịch vụ như tìm kiếm thông tin thị trường, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, đào tạo kế toán - tài chính…

Bên cạnh đó, các chỉ số “Chi phí thời gian”, “Đào tạo lao động” và “Thiết chế pháp lý - An ninh trật tự” cũng đều tăng.

Song, bên cạnh đó, một số chỉ số của Đà Nẵng lại có chiều hướng giảm. Chỉ số đạt điểm cao nhất của Đà Nẵng là “Gia nhập thị trường” cũng giảm 0,67 điểm, từ 9,22 (năm 2016) còn 8,55 (năm 2017). Tuy nhiên, phần lớn DN (80-90%) vẫn đánh giá cao nỗ lực của thành phố trong việc triển khai thủ tục đăng ký DN như: thủ tục được niêm yết công khai; cán bộ am hiểu chuyên môn, hướng dẫn rõ ràng, thân thiện; ứng dụng CNTT tốt…

Biểu đồ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đà Nẵng từ 2007-2017 (Nguồn: VCCI).
Biểu đồ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đà Nẵng từ 2007-2017 (Nguồn: VCCI).

Báo cáo PCI 2017 chỉ ra, chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” của Đà Nẵng luôn đạt điểm thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần của PCI giai đoạn 2013-2017. Năm nay, chỉ số này chỉ đạt 4,95/10, giảm 0,5 điểm so với năm ngoái.

Cụ thể, có 48% DN Đà Nẵng cho rằng thành phố ưu tiên thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn là phát triển khu vực tư nhân; 58% cho rằng việc ưu đãi các DN lớn là trở ngại cho bản thân DN.

Đáng lưu ý, báo cáo PCI năm nay không đưa chỉ số “Cơ sở hạ tầng” vào để tính điểm. Lý do là vì đặc thù vị trí địa lý và điều kiện ban đầu của mỗi địa phương khác nhau. Ngoài ra, vấn đề này nhiều khi cũng không hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của một tỉnh, thành phố.

Theo kết quả khảo sát, năm 2017, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bắc Ninh được đánh giá là các địa phương có cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam. Trong đó, Đà Nẵng luôn đứng trong top đầu kể từ năm 2011 đến nay. Theo Trưởng ban Pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn, đây là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho các DN và các nhà hoạch định chính sách.

Trong suốt 13 năm thực hiện báo cáo PCI, Đà Nẵng đã 7 lần dẫn đầu cả nước, nhưng mức độ cải thiện trung bình của thành phố từ năm 2006-2017 được đo lường qua bộ chỉ số PCI lại nằm trong nhóm cuối của cả nước.

Đánh giá về vấn đề này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: Các “ngôi sao cải cách” trong nhóm tiên phong đang có sự chững lại, với điểm số chỉ quẩn quanh ở mức 70/100. Điều này cho thấy, cải cách cần có thêm những động lực mới, có thể nâng trần thể chế, tạo thêm dư địa cho cải cách ở cấp địa phương và cơ sở.

Với khoảng cách chỉ 0,58 điểm so với quán quân Quảng Ninh, Đà Nẵng vẫn được các DN tư nhân đánh giá tương đối tích cực trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố nhìn nhận:

“PCI là một cuộc chạy đua, trong đó mỗi tỉnh, thành phố không phải tìm cách vượt lên nhau mà là phải vượt lên chính mình. Đà Nẵng năm nay xếp ngôi vị á quân, song tổng điểm năm 2017 lại cao hơn năm 2016, đây là điều đáng mừng”.

Ông Lý cho rằng, cần xem xét cụ thể từng chỉ số thành phần để đánh giá, ghi nhận những nỗ lực của chính quyền và lên kế hoạch cải thiện những mặt còn hạn chế.

Đối với 2 chỉ số giảm mạnh của Đà Nẵng là “Tính minh bạch” và “Cạnh tranh bình đẳng”, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, thực tế thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, song các DN vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Ngoài ra, nguồn lực hỗ trợ hạn chế nhưng lại có tính chất cào bằng, mức hỗ trợ chưa đủ để DN cải thiện năng lực. Theo ông Quang, thành phố cần có chính sách ổn định và tiến tới giúp DN giảm chi phí đầu vào để tạo lợi thế cạnh tranh cho DN địa phương, cũng như lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào Đà Nẵng.

Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, không chỉ đặt mục tiêu tốt nhất Việt Nam mà cần sớm xác lập môi trường kinh doanh, đầu tư cạnh tranh hơn, mang tính khu vực hơn. Ông Quang khẳng định VCCI Đà Nẵng và các hiệp hội DN có đủ năng lực tiếp nhận khó khăn, vướng mắc của DN, đồng thời sẵn sàng hiến kế cho thành phố.

Theo TS. Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, trong thời gian tới, viện sẽ tiến hành khảo sát lại các kết quả trong báo cáo PCI 2017 để có những đánh giá sát thực nhất với tình hình thực tế tại địa phương. Trên cơ sở đó, phân tích những bài học kinh nghiệm từ các chương trình đã được triển khai có hiệu quả, nghiên cứu các phương án khắc phục các lĩnh vực còn hạn chế.

Được biết, báo cáo PCI 2017 được thực hiện dựa trên phản hồi từ 12.000 DN, trong đó có trên 10.200 DN dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.800 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp

Tham dự lễ công bố kết quả PCI 2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên cho biết, trong 10 chỉ số thành phần năm nay, Đà Nẵng tăng ở 5 chỉ số và giảm ở 5 chỉ số so với năm 2016. Tổng điểm của Đà Nẵng cao hơn năm ngoái 0,11 điểm.

Song, Phó Chủ tịch Trần Văn Miên thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng của Quảng Ninh cao hơn, xứng đáng với ngôi vị quán quân PCI 2017. Trong thời gian tới, căn cứ kết quả PCI, Đà Nẵng sẽ triển khai các vấn đề hỗ trợ DN và cải thiện môi trường kinh doanh.

“Đây là việc mà năm nào sau khi công bố kết quả PCI Đà Nẵng cũng thực hiện, kể cả những năm đứng nhất. Chúng ta còn dư địa tới gần 30 điểm, đặc biệt 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, nên thành phố sẽ có những cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường hoạt động thuận lợi nhất cho DN trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch Trần Văn Miên khẳng định.

* Ông Hà Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố: Điểm lùi cần thiết để Đà Nẵng thay đổi và bứt phá

Tôi cho rằng, kết quả này là tín hiệu tích cực đối với thành phố. Dù chúng ta không giữ được ngôi đầu như những năm trước, nhưng với những gì mà thành phố vừa trải qua thì đây là sự động viên, khích lệ rất lớn. Đồng thời, sự lùi lại này là cần thiết để thành phố có sự thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt.

Theo tôi, năm 2018, cần tập trung thay đổi chỉ số về cải cách thủ tục hành chính, trong đó quan trọng là thái độ của cán bộ, công chức đối với người dân và doanh nghiệp. Trong xu thế hiện đại với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, việc chậm trễ trong thủ tục cải cách hành chính sẽ làm mất rất nhiều cơ hội đầu tư và phát triển quý báu. Tôi mong chính quyền và đội ngũ công chức của thành phố luôn xem doanh nhân là người thân, người quen của mình để giúp đỡ và đồng hành.

* Ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện Seatech: Đà Nẵng có môi trường đầu tư, kinh doanh khá ổn định và bền vững

Với kết quả PCI 2017, các chỉ số điểm thành phần của Đà Nẵng không giảm, thậm chí có chỉ số tăng, nhưng rõ ràng các địa phương khác đã có sự bứt phá rất lớn. Điều này cảnh tỉnh Đà Nẵng không nên ngủ quên trên chiến thắng từ những năm trước.

Tuy nhiên, kết quả này cho thấy Đà Nẵng vẫn là địa phương có môi trường đầu tư, kinh doanh khá ổn định và bền vững. Chúng ta có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản từ cách đây 10-15 năm và vẫn tiếp tục chiêu mộ những cá nhân xuất sắc về phục vụ thành phố.

* Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Chất lượng cao Sky-line, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố: Kỳ vọng sự đổi thay

Vị trí á quân PCI năm 2017 vẫn là một thành công của Đà Nẵng, khẳng định nền tảng và uy tín mà thành phố đã xây dựng trong một thời gian rất dài. Đâu đó vẫn còn những điều chưa được, nhưng chúng tôi vẫn dành tình yêu và kỳ vọng vào sự đổi thay của Đà Nẵng.

Tuy nhiên, điều này cũng gióng lên hồi chuông để thành phố cần tăng tốc hơn nữa, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, bởi lẽ các tỉnh, thành phố khác cũng đang có sự bứt phá rất mạnh.

Năm 2018, chúng tôi mong thành phố tích cực cải thiện mạnh mẽ các chỉ số thành phần về tiếp cận đất đai, môi trường đầu tư, chỉ số về công khai minh bạch, cải cách thủ tục hành chính...

KHÁNH HÒA ghi

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.